Nhiều quỹ đầu tư đang săn đón các khách sạn mắc nợ ở Việt Nam

Bất động sản - Ngày đăng : 16:05, 26/08/2020

Tình hình kinh doanh u ám của mảng khách sạn gần bảy tháng qua đã đẩy hàng loạt chủ khách sạn vào tình trạng khó khăn.
Đã có nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư săn đón những khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang đối mặt với áp lực nợ nần do suy giảm lượng khách vì đại dịch.
Nhiều quỹ đầu tư đang săn đón các khách sạn mắc nợ ở Việt Nam
Một khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Phan Thiết vắng vẻ ngay giữa mùa hè. Ảnh: Đ. Loan


Khách sạn còn rất khó đến năm sau

Theo CBRE Hotels Việt Nam, ngành khách sạn ở Việt Nam đang rất khó khăn. Trong nửa đầu năm nay, doanh thu trên mỗi tại thị trường Hà Nội và TPHCM lần lượt giảm khoảng 56% và 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung cả nước, doanh thu trên mỗi phòng giảm khoảng 55%. Công suất phòng cũng giảm sút nghiêm trọng.

Thông tin từ một số cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cũng cho thấy mảng này đang suy giảm rất trầm trọng. Chẳng hạn, tại tỉnh Khánh Hòa, hệ thống khách sạn chỉ mới đạt công suất phòng bình quân 20% vào tháng trước sau nhiều tháng gần như trống phòng thì tháng này chỉ còn hơn 2%.

Ở TPHCM, phần lớn khách sạn đã phải đóng cửa, số còn hoạt động chỉ đạt công suất chừng 1-5%. Ở Hà Nội, khi đợt dịch thứ hai bùng phát, công suất phòng của số khách sạn 3-5 sao còn hoạt động chỉ 8%, nay còn thấp hơn...

Trong bối cảnh thị trường du lịch quốc tế phải tạm đóng, du khách nội địa được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự phục hồi của thị trường và bù đắp phần nào sự sụt giảm lượng khách quốc tế nhưng làn sóng dịch thứ hai này đã dập tan hy vọng về sự hồi phục nhanh chóng của ngành du lịch và khách sạn trong năm 2020.

"Thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 được dự báo sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ. Tình hình hoạt động có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam nhận định trong báo cáo đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường khách sạn Việt Nam.

Nhiều doanh nhân cũng nhận định tương tự, với tình trạng suy giảm khách nghiêm trọng và kéo dài như đại dịch Covid-19, thời gian hồi phục của mảng khách sạn phải kéo dài vài năm. Cột mốc thời gian cho đến năm 2021 chỉ là thời điểm mà giới kinh doanh ước chừng là sẽ "dễ thở" hơn thị trường trong nước đã vận hành ổn định và khách quốc tế bắt đầu quay lại.

Nhiều quỹ đầu tư đang săn đón các khách sạn mắc nợ ở Việt Nam

Số lượng cơ sở lưu trú và số phòng trên cả nước từ năm 2015 - 2019. Nguồn: Tổng cục Du lịch

"Săn" khách sạn mắc nợ

Gần hai tuần trước, Báo đã có bài về thị trường khách sạn sau đợt bùng phát dịch lần hai, trong đó có thông tin về việc nhiều khách sạn, trong đó có một số khách sạn 4-5 sao đã phải rao bán vì quá khó khăn. Thị trường đã xuất hiện nhà đầu tư tìm kiếm những tài sản này với kỳ vọng sẽ có giá rẻ hơn nhưng tình hình mua bán vẫn chưa có nhiều biến động đặc biệt.

Báo cáo mới của CBRE Hotels Việt Nam ghi nhận thông tin tương tự, cho biết nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đang săn đón những những khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang đối mặt với áp lực nợ nần với mức định giá thấp. Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4-5 sao mà chủ yếu tập trung ở phân khúc thấp hơn.

Một số doanh nhân cho rằng có vẻ như nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi mức giá tốt hơn và cần thêm thời gian để đánh giá rủi ro cho nên dù vẫn đưa ra yêu cầu tìm kiếm khách sạn, khu nghỉ để mua nhưng chưa rốt ráo đi đến khâu cuối cùng.

"Có quỹ đầu tư nhờ chúng tôi tìm khách sạn có quy mô lớn nhưng sau bảo dừng để đánh giá lại thị trường. Hiện tại, chúng tôi cũng nhận được một vài yêu cầu nhưng tất cả là từ các nhà đầu tư cá nhân, muốn tìm hiểu phân khúc khách sạn nhỏ", bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn và Quản lý Khách sạn Chez Mimosa.

Theo đó, với nhiều nhà đầu tư, giá bán khách sạn tại Việt Nam nói chung và TPHCM vẫn cao nên chưa hấp dẫn. Đặc biệt, với phân khúc 4-5 sao, giá đầu tư cho mỗi khóa, thuật ngữ mà giới đầu tư khách sạn nói về vốn đầu tư trên một phòng khách sạn giảm ít so với hồi trước dịch.

"Mức bình quân cho mỗi khóa ở phân khúc 4-5 sao trước đây cỡ 5 - 5,5 tỉ đồng, nay còn xấp xỉ 5 tỉ đồng, không giảm nhiều lắm nhưng ở phân khúc thấp hơn thì giảm mạnh", bà nói.

Doanh nhân này vừa đi xem một khách sạn 3 sao rất tốt gần chợ Bến Thành, khu vực có giá rất đắt đỏ ở TPHCM. Đây là khách sạn hiếm hoi ở khu vực này có vị trí đẹp, có hồ bơi, có tầng riêng cho khách VIP, phòng rộng và tất cả các phòng đều có góc nhìn thoáng đãng nhưng giá khá hấp dẫn, chỉ 295 tỉ đồng, tức hơn 4,4 tỉ đồng/khóa. Hồi trước dịch, mức định giá cao nhất của khách sạn này là hơn 5,3 tỉ đồng/khóa.