Chuyện về ‘ông tổ’ mã độc tống tiền
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 08:41, 18/05/2021
Eddy Willems và chiếc đĩa mềm dính mã độc. (Ảnh: CNN) |
Eddy Willems đang làm việc cho một công ty bảo hiểm tại Bỉ vào tháng 12/1989 khi ông nhét chiếc đĩa mềm vào máy tính của mình. Nó là 1 trong 2.000 đĩa mềm được gửi tới những người tham dự hội nghị AIDS của WHO tại Stockholm. Ông chủ của Willems yêu cầu ông kiểm tra đĩa đó có gì.
Willems tưởng rằng đó là nghiên cứu y khoa. Tuy nhiên, thay vào đó, ông nhanh chóng trở thành nạn nhân của cuộc tấn công mã độc tống tiền (ransomware) đầu tiên.
Vài ngày sau, máy tính của Willems bị khóa, một thông điệp hiện ra trên màn hình yêu cầu ông gửi 189 USD qua thư tới một địa chỉ tại Panama. “Tôi không trả tiền chuộc hay mất dữ liệu gì vì tôi tìm ra cách lật ngược tình thế”, ông trả lời CNN.
Dù vậy, không phải ai cũng may mắn như ông. Vài người đã mất toàn bộ công trình cả đời của mình.
“Tôi bắt đầu nhận được các cuộc điện thoại từ những tổ chức, học viện hỏi làm sao tôi vượt qua được. Sự cố gây ra thiệt hại lớn thời điểm đó. Mọi người mất rất nhiều thứ”, Willems – hiện là chuyên gia an ninh mạng tại G Data, công ty phát triển giải pháp diệt virus thương mại đầu tiên trên thế giới – chia sẻ.
Vụ việc gây sốt và xuất hiện trên Virus Bulletin, tạp chí bảo mật dành cho chuyên gia, một tháng sau. Tạp chí phân tích dù ý tưởng khá ranh ma, chương trình lại được viết lộn xộn. Đây là mã độc đặc biệt cơ bản nhưng là lần đầu tiên nhiều người biết tới. Không rõ có tổ chức nào trả tiền chuộc hay không.
Chiếc đĩa độc hại nói trên được gửi trên toàn thế giới. Địa chỉ lấy từ một danh sách nhận thư. Nhà chức trách truy ra địa chỉ người nhận tiền chuộc thuộc về một nhà sinh vật học tên là Joseph Popp, người cũng đang tiến hành nghiên cứu bệnh AIDS. Popp bị bắt giam với nhiều tội danh liên quan tới tống tiền. Hắn được công nhận rộng rãi là “ông tổ” ransomware, theo website tin tức CSOnline.com.
Theo Willems, cho tới nay, vẫn không ai biết vì sao Popp lại làm thế. Chi phí và thời gian để gửi số lượng lớn đĩa mềm như vậy vô cùng tốn kém. “Có lẽ ai đó cũng có liên quan – là một nhà sinh vật học, ông ấy lấy đâu ra nhiều tiền như vậy cho tất cả số đĩa đó? Có phải ông ấy giận dữ vì nghiên cứu không? Chẳng ai biết cả”.
Một số bài báo gợi ý Popp bị WHO từ chối tuyển dụng.
Sau khi bị bắt tại sân bay Schipol (Hà Lan), Popp bị chuyển về Mỹ và giam giữ tại đây. Hắn nói với nhà chức trách rằng dự định quyên góp toàn bộ số tiền chuộc cho nghiên cứu AIDS. Theo nhà báo Alina Simone, hắn đeo bao cao su lên mũi và dụng cụ cuốn lô lên râu để chứng minh rằng mình có vấn đề. Năm 2007, Popp qua đời.
Di sản tội ác của hắn vẫn còn tới ngày nay. Bộ Tư pháp Mỹ mô tả 2020 là “năm tồi tệ nhất của tấn công mã độc tống tiền”. Các chuyên gia bảo mật tin rằng tấn công ransomware chống lại doanh nghiệp và cá nhân sẽ tiếp tục tăng do chúng rất dễ thực hiện, khó truy vết và khai thác được nhiều tiền từ nạn nhân.
Mã độc tống tiền tấn công hệ thống máy tính khi ai đó bấm phải liên kết độc hại, cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc hoặc từ lỗ hổng trên máy chủ lỗi thời. Một trong các vấn đề lớn nhất đối với mã độc tống tiền ngày nay là tiền chuộc thường được trả dưới dạng tiên mật mã như Bitcoin, loại tiền được giao dịch ẩn danh, không thể truy vết.
Trong khi phần lớn tấn công ransomare xuất phát từ các băng nhóm tội phạm mạng, Popp dường như hoạt động đơn lẻ. Michela Menting, Giám đốc nghiên cứu tại hãng nghiên cứu thị trường ABI Research, nhận định động cơ của Popp có vẻ mang tính cá nhân nhiều hơn.
Dù lý do là gì, Popp vô cùng nỗ lực để xóa sạch tiếng xấu và theo đuổi các thú vui khác. Hắn còn xuất bản cuốn sách tự chữa lành mang tên “Popular Evolution”, cổ động giảm độ tuổi kết hôn, phụ nữ trẻ nên tập trung vào sinh đẻ.
Chiếc đĩa mềm tội lỗi đã trở thành một phần của lịch sử an ninh mạng thế giới. Chỉ vài chiếc còn sót lại. Willems treo nó trên tường phòng khách nhà mình. “Một bảo tàng đề nghị 1.000 USD cho nó, nhưng tôi quyết định giữ lại”, ông chia sẻ.