Nghiên cứu cho thấy smartphone là căn nhà 'sống ảo' của nhiều người
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:39, 16/05/2021
Theo The Guardian, các nhà nhân chủng học từ Đại học College London (Anh) đã dành hơn một năm để nghiên cứu việc sử dụng smartphone tại 9 quốc gia. Kết quả cho thấy nhiều người xem smartphone như ngôi nhà của họ, thay vì món đồ điện tử thông thường.
“Không chỉ là món đồ để sử dụng, smartphone đã trở thành nơi chúng ta sống… Mặt trái của nó ảnh hưởng đến mối quan hệ. Bất cứ lúc nào, kể cả sau bữa ăn, cuộc họp hay các hoạt động chung, ai đó sẽ biến mất để ‘về nhà’ trên smartphone của họ”, Giáo sư Daniel Miller, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Theo Miller, thói quen này có thể dẫn đến “cái chết của sự gần gũi” (death of proximity) khi nói đến tương tác trực tiếp giữa người với người.
“Hành vi này, kèm thái độ bực bội, thất vọng hoặc xúc phạm có thể gây ra, được gọi là ‘cái chết của sự gần gũi’. Chúng ta đang học cách sống trong sự lo lắng rằng ngay cả khi gặp nhau ngoài đời, con người vẫn có thể cô đơn về mặt xã hội, cảm xúc hoặc công việc”, Miller chia sẻ.
Nghiên cứu cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này đến từ các ứng dụng nhắn tin, được ví như “trái tim của smartphone”.
“Chúng là nơi anh chị em quan tâm đến cha mẹ, những bậc phụ huynh tự hào khoe ảnh con cái và người di cư liên lạc với gia đình”, khảo sát tại một số quốc gia, ứng dụng nhắn tin là thứ quan trọng nhất trên smartphone của phần lớn người dùng, ví dụ như LINE tại Nhật, WeChat ở Trung Quốc hay WhatsApp tại Brazil.
Nghiên cứu tập trung vào nhóm lớn tuổi, những người tự coi mình “không già cũng không trẻ”. Theo The Guardian, điều đó nhằm chứng minh smartphone là vật quan trọng của mọi lứa tuổi, không chỉ riêng người trẻ.
“Smartphone dường như là vật dụng đầu tiên được so sánh ngang với ngôi nhà (có thể cả nơi làm việc) về thời gian chúng ta dành vào khi thức dậy”, nhóm nghiên cứu sử dụng từ “nhà di động” để nói đến hiện tượng này. “Chúng ta luôn ‘ở nhà’ trong chiếc smartphone, chẳng khác gì con ốc sên mang nhà theo mình”.
Các nhà nghiên cứu cũng mô tả cách “ngôi nhà” này không thích hợp để nghỉ ngơi, khi các ứng dụng liên lạc và mạng xã hội có thể làm phiền người dùng.
“Theo những cách khác nhau, smartphone làm giảm việc nghỉ ngơi của chúng ta trong nhà. Ví dụ, người đi làm có thể vẫn tiếp xúc với công việc sau khi rời công ty. Một đứa trẻ bị bắt nạt ở trường có thể chẳng còn thời gian nghỉ ngơi khi về nhà”, nghiên cứu mô tả.
Dù vậy, Miller không đánh giá smartphone theo hướng quá tiêu cực. “Nó giúp chúng ta hình thành và tái tạo nhiều thói quen hữu ích, từ mở rộng mối quan hệ đến tạo ra không gian mới cho chăm sóc sức khỏe và tranh luận”. Ông cho rằng dựa trên mục đích và bối cảnh thực tế, chúng ta mới có thể hiểu đầy đủ tác động của smartphone với người dùng khắp thế giới.