Vì sao Ấn Độ là nơi có nhiều người chết vì chụp ảnh selfie nhất thế giới?

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 09:58, 11/04/2021

Nền văn hóa đặc sắc bởi tính cộng đồng cao và thích thể hiện bản thân là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến Ấn Độ trở thành tâm điểm của những vụ chết vì chụp ảnh selfie.

Tính từ năm 2011 tới năm 2019 đã có hơn 250 người trên khắp thế giới chết vì muốn có một bức ảnh selfie chất lượng nhưng trong số đó, quốc gia nổi lên là tâm điểm của những vụ chết người vì chụp ảnh selfie, đó là Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu từ Viện Khoa học Y khoa Toàn Ấn Độ hồi năm 2018 đã phát hiện ra rằng, khoảng một nửa trong số 259 trường hợp tử vong và tai nạn do chụp ảnh selfie từ năm 2011 đến năm 2017 đều xảy ra ở Ấn Độ. Xếp sau Ấn Độ, các quốc gia khác có số người chết vì chụp ảnh selfie nhiều nhất bao gồm Nga, Mỹ và Pakistan.

Phần lớn những cái gọi là "tự sát" mà các nhà nghiên cứu xác định là do chết đuối, bị tàu hoặc ôtô đâm hoặc rơi từ trên cao. Nhưng họ cho biết tổng số người chết thực sự có thể cao hơn nhiều vì nhiều trường hợp không được ghi nhận hoặc "chết do chụp ảnh selfie" không được công nhận là nguyên nhân tử vong chính thức.

Những trường hợp suýt trượt chân cũng không được đưa vào nghiên cứu, chẳng hạn như trường hợp một người đàn ông Ấn Độ sống sót thần kỳ sau khi bị tàu hỏa đâm lúc đang chụp ảnh selfie vào tháng 1/2018. Danh sách cũng không bao gồm 48 người bị bỏng khi chụp ảnh selfie trước lò nướng bánh mì vào năm 2017 vì họ đã phớt lờ yêu cầu ngừng chụp ảnh của cảnh sát.

Nguyên nhân nào khiến Ấn Độ trở thành tâm điểm của những vụ chết người vì chụp ảnh selfie?

Các tác giả của nghiên cứu cho biết, tỷ lệ người dưới 30 tuổi chiếm số lượng lớn ở Ấn Độ là một trong những nguyên nhân đáng chú ý bởi họ là nhóm thường bị chết vì chụp ảnh selfie nhiều nhất. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, Ấn Độ có tỷ lệ người chết vì chụp ảnh selfie cao hơn các nước khác vì việc chụp ảnh selfie nhóm rất phổ biến ở Ấn Độ.

Nhà nhân chủng học Jolynna Sinanan tại Đại học Sydney, Úc người nghiên cứu sử dụng mạng xã hội cho biết, văn hóa thị giác ở Ấn Độ mạnh hơn nhiều so với nhiều nước khác.

Tiến sĩ Sinanan cho biết: "Đó không chỉ là quảng cáo, văn hóa giải trí hay truyền thông mà còn thông qua các thông điệp công cộng, các hình ảnh như thần thánh và nhân vật tôn giáo, ảnh được đóng khung và ảnh cá nhân.Vì vậy, văn hóa chụp ảnh selfie lan rộng hơn ở Ấn Độ vì nó liên quan đến văn hóa thị giác công cộng và riêng tư này. Các bức ảnh, dù là ảnh tự chụp hay được tạo dáng, đều nhằm xây dựng bản sắc theo cách liên quan đến văn hóa hình ảnh đó". Nói cách khác, chụp ảnh selfie giống như việc xây dựng hình ảnh và thể hiện cá tính của mỗi người.

Tuy nhiên, một số người đang đưa xu hướng này đi quá xa. Đã từng có vụ thu hút sự chú ý trên toàn thế giới khi một nhóm người đã chụp ảnh selfie trước mặt ba người đàn ông nằm  đường sau tai nạn. Nhưng lạ lùng thay, không ai gọi xe cấp cứu hay giúp đỡ những nạn nhân đang bê bết máu và quằn quại trong đau đớn.

Chính trị, giai cấp và ảnh selfie

Ở một đất nước vẫn mang nặng tính phân chia giai cấp như Ấn Độ, việc chụp và đăng ảnh selfie lên mạng xã hội là cách thể hiện giá trị bản thân, tăng sự tự tin và khoe với những người khác.

Ảnh selfie cũng đóng một vai trò trong chính trị. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thường bị bắt gặp chụp ảnh selfie với các nhà lãnh đạo thế giới, người nổi tiếng Bollywood hay với cả các công dân bình thường.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thường xuyên chụp ảnh selfie

Nhưng giờ đây, các chính trị gia lại đang nỗ lực làm mọi cách để ngăn chặn Ấn Độ trở thành điểm nóng về số người chết vì chụp ảnh selfie.

Các nhà chức trách đã khoanh vùng và công bố 16 điểm nguy hiểm ở Mumbai là "khu vực cấm chụp ảnh selfie", bao gồm các điểm du lịch nổi tiếng như Marine Drive và Bãi biển Girgaum Chowpatty.

Không chỉ các điểm thu hút khách du lịch và những cảnh đẹp trên Instagram mới nguy hiểm, bởi ngay cả những địa điểm bình thường như đường sắt và trung tâm mua sắm cũng là hiện trường của những vụ tai nạn thương tâm.

Ấn Độ đã phát triển một ứng dụng có ên Saftie để cảnh báo người dùng về những địa điểm selfie nguy hiểm. Saftie hiện có trên cửa hàng Google Play Store. Nó sẽ gửi cảnh báo tới người dùng nếu họ ở gần một địa điểm chụp ảnh phổ biến bị người dùng khác đánh giá là nguy hiểm tới tính mạng.