Telegram mặc định không mã hoá hai chiều như nhiều người lầm tưởng

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 09:51, 05/02/2021

Sau vụ việc các ông lớn công nghệ như Twitter có động thái cấm Donald Trump và hàng ngàn tài khoản liên quan khác, hàng triệu người dùng đã chuyển sang các ứng dụng như Signal và Telegram vì các dịch vụ nhắn tin mã hoá của họ.

Tuy nhiên, có một điều mà không phải ai cũng biết: Telegram, khác với Signal, không mặc định kích hoạt tính năng mã hoá hai chiều.

Mã hoá hai chiều có nghĩa là chỉ người gửi và người nhận tin nhắn mới có thể đọc được tin nhắn.  Ngay cả các máy chủ lưu trữ nó, như trong trường hợp Signal hay iMessage trên các thiết bị Apple, cũng không thể giải mã và đọc tin nhắn của người dùng được. Nếu những máy chủ kia bị hack, hacker sẽ không thể đọc được những gì người khác đã viết. Có thể nói, mã hoá hai chiều (e2e) là một yếu tố then chốt đối với dịch vụ nhắn tin bảo mật.

Theo phóng viên công nghệ Mike Isaac của tờ New York Times, ứng dụng Telegram không hề bảo mật như mọi người vẫn nghĩ.

"Một vài điều cần nói:

SIgnal và Telegram thời gian qua thường bị ghép với nhau, nhưng chúng khá khác biệt.

Signal là một sản phẩm ‘nhắn tin’ cổ điển, mặc định được mã hoá hai chiều.

Telegram giống như một trình nhắn tin và mạng xã hội và mặc định không có e2e"

Thật vậy, theo FAQ của Telegram, người dùng phải chuyển một cuộc trò chuyện Telegram sang chế độ "bí mật" để nó được mã hoá e2e. Có nghĩa là các nhóm chat riêng tư của Telegram không được mã hoá hai chiều e2e, do đó chúng có khả năng bị lộ cao hơn"

Mã hoá của Telegram khác ra sao so với các hệ thống nhắn tin khác?

Telegram mặc định không mã hoá hai chiều như nhiều người lầm tưởng - Ảnh 1.

Signal mặc định đã kích hoạt mã hoá e2e. Tuy nhiên, trong các ứng dụng nhắn tin phổ biến, có vẻ như chỉ có Signal làm điều đó. Facebook Messenger không tự động mã hoá e2e. Giống như Telegram, người dùng phải chuyển một cuộc trò chuyện thành "bí mật" để kích hoạt mã hoá e2e.

Whatsapp, vốn thuộc sở hữu Facebook, có mã hoá hai chiều dành cho các cuộc trò chuyện giữa gia đình và bạn bè, nhưng với các cuộc trò chuyện liên quan công việc thì vấn đề nảy sinh. Nhà phát triển ứng dụng dự định thay đổi tính năng mã hoá các cuộc trò chuyện liên quan công việc trong một bản cập nhật chính sách vào ngày 8/2, nhưng vì bị chỉ trích nên họ phải dời sang ngày 15/5.

Các tin nhắn Whatsapp giữa bạn bè và gia đình đều mặc định được mã hoá hai chiều. Tuy nhiên, các tin nhắn Whatsapp công việc đến các doan nghiệp sẽ không được mã hoá hai chiều bắt đầu từ 15/5 nếu doanh nghiệp đã cấp quyền truy cập cho bên thứ ba nhằm phục vụ mục đích lưu trữ (như Facebook). Khi bắt đầu một cuộc trò chuyện với doanh nghiệp như vậy, bạn sẽ thấy một tin nhắn màu xanh dương nhạt ở trên cùng với nội dung giải thích về vấn đề quyền riêng tư mà bạn có thể gặp phải. Nếu cuộc trò chuyện được mã hoá hai chiều, bạn sẽ thấy một thông báo màu vàng ở trên cùng cho biết điều đó.

Tóm lại: Signal luôn được mã hoá hai chiều. Whatsapp mã hoá hai chiều nếu bạn nhắn tin cho bạn bè, gia đình, và các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại; một số cuộc trò chuyện với doanh nghiệp sẽ không được mã hoá trong vài tháng tới. Facebook Messenger và Telegram mặc định không được mã hoá. Người dùng phải chuyển cuộc trò chuyện thành "bí mật" trong hai ứng dụng này để mã hoá nội dụng. Trong trường hợp của Telegram, điều này có nghĩa chỉ những cuộc trò chuyện giữa hai người với nhau mới có khả năng được mã hoá hai chiều mà thôi.