Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ĐNA về video vi phạm trên YouTube

Công nghệ - Ngày đăng : 17:13, 04/12/2020

Trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9/2020, đã có hơn 170.000 video của người Việt bị YouTube gỡ bỏ vì vi phạm nguyên tắc.
Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ĐNA về video vi phạm trên YouTube - 1

Những video chứa nội dung nhảm nhí luôn thu hút hàng triệu lượt xem tại Việt Nam.

Theo báo cáo mới được YouTube công bố, Việt Nam nằm trong top 10 những quốc gia có nhiều video bị xóa do vi phạm nguyên tắc cộng đồng của nền tảng này trong quý III/2020.

Cụ thể, đã có 173.247 video bị xóa đến từ IP Việt Nam. Con số này mặc dù giảm so với quý II/2020, và quý III/2019, nhưng lại đưa Việt Nam tăng 3 bậc, từ 12 lên thứ 9 thế giới trong bảng xếp hạng thống kê.

Theo danh sách của YouTube, mặc dù Ấn Độ và Mỹ vẫn là hai quốc gia nằm trong Top đầu về số lượng video bị gỡ bỏ do vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng có tới 5 thành viên thuộc châu Á, và 3 thành viên đến từ Đông Nam Á bị liệt kê trong danh sách.

Trong đó, nếu tính riêng khu vực Đông Nam Á, chỉ có Indonesia là quốc gia duy nhất có nhiều video vi phạm bị xóa hơn so với Việt Nam.

Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ĐNA về video vi phạm trên YouTube - 2

Thống kê từ YouTube trong quý III/2020 ghi nhận Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về số video vi phạm, và đứng thứ 2 nếu xét riêng khu vực Đông Nam Á.

Từ năm 2019, YouTube đã kết hợp sử dụng AI với hệ thống cắm cờ (report) để giúp lọc nội dung xấu độc. Điều này đã mang đến một số tín hiệu khả quan hơn trong việc nhận diện và loại bỏ những video vi phạm quy tắc cộng đồng.

Thống kê từ YouTube cho biết khoảng 31,7% số video bị xóa trên toàn thế giới mang nội dung nguy hiểm cho trẻ em; 25,5% là video spam, đưa tin giả hoặc lừa đảo. Ngoài ra, còn có nhiều video dạng khiêu dâm, kích động bạo lực, quấy rối, hoặc gây thù hận.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận tại Việt Nam cho thấy còn nhiều video trên YouTube bị đánh giá là nhảm nhí, có nội dung xấu độc, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, thu hút hàng triệu lượt xem, mang về doanh thu lớn cho chủ kênh.

Điều đáng nói là những video này lại không nằm trong diện vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube, do đó không được xét duyệt ngay cả khi đã có một số đề xuất của người dùng, hay thậm chí bị các cơ quan chức năng tại Việt Nam yêu cầu.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có khoảng 15.000 kênh YouTube đã bật kiếm tiền. Trong đó có khoảng 350 kênh đạt doanh thu cao, với từ 1 triệu lượt đăng ký theo dõi trở lên. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1/3 số kênh chịu sự quản lý của mạng đa kênh (MCN) ở Việt Nam.