Phát hành thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử từ tháng 1/2021
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 17:10, 30/11/2020
Bộ Công an yêu cầu yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải hoàn thành các dữ liệu để đến 26/2/2021 chạy thử, đúng 1/7/2021 sẽ chia sẻ dữ liệu với các cấp, các ngành trên toàn quốc (Ảnh minh họa) |
Thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an (bocongan.gov.vn) cho hay, Bộ Công an vừa tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến để kiểm điểm kết quả thực hiện dự án Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân.
Hội nghị nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện các nhiệm vụ trong triển khai 2 dự án CSDL quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân; đồng thời chỉ rõ các nhiệm vụ, biện pháp, phân công lực lượng trong quá trình thực hiện hai dự án này chuyển sang giai đoạn 2.
Theo báo cáo của Bộ Công an, việc triển khai đường truyền và thực hiện bảo mật, an toàn hệ thống đã hoàn thành cơ bản. Quá trình thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư đang được khẩn trương thực hiện và đã hoàn thành khối lượng lớn công việc.
Hiện nay, các trang thiết bị phục vụ 2 dự án đang được vận chuyển tới các đơn vị địa phương theo kế hoạch đề ra.
Cũng theo cổng thông tin bocongan.gov.vn, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã nhấn mạnh, giai đoạn 2 là giai đoạn then chốt quyết định sự thành công của hai dự án.
Trong giai đoạn 2, thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư sẽ được trích xuất và sử dụng để thực hiện sản xuất căn cước công dân. Theo đó, người dân chỉ cần phải cung cấp hình ảnh và vân tay tròn mà không phải điền các tờ khai như hiện nay. Đây là bước cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong thực hiện thủ tục cấp căn cước công dân.
Bên cạnh đó, CSDL quốc gia về dân cư được xây dựng có thể kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các ngành, lĩnh vực trên toàn quốc. Nhờ đó, sẽ tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng CNTT của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cũng vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc lưu ý: Thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư phải luôn đảm bảo “đủ, đúng, sạch, sống”.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an chỉ rõ, việc thu thập, bổ sung, cập nhật các thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư phải được cập nhật biến động hàng ngày, hàng giờ; yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải hoàn thành các dữ liệu để đến 26/2/2021 chạy thử, đúng 1/7/2021 sẽ chia sẻ dữ liệu với các cấp, các ngành trong toàn quốc.
“Từ nay đến hết tháng 12/2020 từng đơn vị, từng cấp phải hoàn thành việc đối chiếu, đảm bảo tính chính xác của dữ liệu, kiểm tra đường truyền thông suốt đến cấp xã, đảm bảo tính bảo mật cao; triển khai tập huấn cho cán bộ, chiến sỹ ở các đơn vị, địa phương”, đại diện lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu.
Trước đó, trong cuộc họp hồi trung tuần tháng 9/2020, Bộ Công an đã dự kiến cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử từ ngày 1/11/2020. Tuy nhiên, do quá trình chuyển đổi mẫu thẻ căn cước công dân mới cần xin ý kiến và có Thông tư hướng dẫn cụ thể, nên thời hạn này đã bị lùi sang đầu năm 2021.
Như ICTnews đã đưa tin, ngày 7/10, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định mẫu, chất liệu thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử theo thẩm quyền. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu mẫu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cần áp dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm an ninh, an toàn, có khả năng tích hợp triển khai thuận lợi các giao dịch điện tử, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội; hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, hướng đến xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Hiện Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân cho dự thảo Thông tư quy định về mẫu thẻ căn cước công dân mới. Thời hạn để các cơ quan, tổ chức và cá nhân đóng góp ý kiến cho dự thảo Thông tư này sẽ kéo dài đến ngày 12/12 tới.
Chủ trương đầu tư dự án “Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/9/2020. Dự án hướng tới việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về căn cước công dân, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, đồng thời góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.