Mua bán thiết bị DJI dùng app chứa 'đường lưỡi bò' có thể bị phạt

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 10:01, 18/11/2020

Đơn vị nhập khẩu, phân phối và cả người dùng sản phẩm DJI có thể sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí là hình sự.

Ngày 9/11, thành viên nhóm cộng đồng sử dụng flycam phản ánh việc tính năng bản đồ trong ứng dụng DJI Fly hiển thị “đường lưỡi bò” phi pháp trên biển Đông.

App mới của DJI là DJI Fly đang sử dụng bản đồ có “đường lưỡi bò” phi pháp tại Việt Nam và có mặt trên cả hai kho ứng dụng Google Play và AppStore. DJI Fly được dùng để điều khiển hai mẫu flycam là Mavic Mini và Mavic Air 2 được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam qua các đại lý tư nhân.

DJI chưa đưa ra bình luận chính thức về vụ việc. Nhà phân phối DJI ở Việt Nam cho biết sẽ có bản cập nhật phần mềm, nhưng đến 16/11, ứng dụng DJI Fly trên iOS và Android vẫn hiện bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp.

DJI xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam một cách tinh vi

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện công ty luật Phan Law, đây là hành vi xâm phạm rất tinh vi. Bởi lẽ, sản phẩm lưu hành trên thị trường là các loại máy bay không người lái DJI lại không chứa yếu tố xâm phạm. Chỉ có ứng dụng đi kèm DJI Fly mới chứa yếu tố xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

dji fly co duong luoi bo anh 1

Trên thực tế, sản phẩm chỉ có thể sử dụng một cách toàn diện và khai thác hết chức năng khi có ứng dụng DJI Fly. Điều này dẫn đến việc ứng dụng DJI Fly dù không phải là sản phẩm để bán, nhưng người dùng muốn sử dụng máy bay DJI đầy đủ chức năng phải cài đặt ứng dụng.

Trong trường hợp ứng dụng DJI Fly được xem là một phần đính kèm, không thể tách rời của sản phẩm khi lưu hành trên thị trường và sử dụng, đơn vị sản xuất, nhập khẩu, phân phối DJI đã vi phạm pháp luật.

Đầu tiên, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và phân phối có thể vi phạm sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam theo quy định tại Điều 1 và Điều 11.2 Hiến pháp năm 2013.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 18/2020/NĐ-CP, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ gồm: xuất bản, lưu hành sản phẩm đo đạc và bản đồ, xuất bản phẩm bản đồ liên quan đến chủ quyền lãnh thổ quốc gia mà không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền, biên giới quốc gia.

Cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị phạt hành chính từ 30-20 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, đơn vị vi phạm có thể cấu thành tội hình sự quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể tại Điều 111, tội xâm phạm an ninh lãnh thổ.

Cá nhân, tổ chức có hành động làm sai lệch đường biên giới quốc gia hoặc có hành động khác nhằm gây phương hại cho an ninh lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị xử từ 1 năm tù đến chung thân tùy mức độ vi phạm.

Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 cũng quy định Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ bị xử phạt từ 1-12 năm tù.

Người dùng ứng dụng DJI Fly có thể bị truy cứu hình sự

Theo luật sư Nguyễn Hữu Triết, Công ty TNHH LSX hiện thông tin về ứng dụng DJI Fly có sử dụng bản đồ đường lưỡi bò đã được đăng tải rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Người dùng ứng dụng DJI Fly nếu có bản đồ đường lưỡi bò cũng sẽ vi phạm vào hành vi tại điểm b, khoản 1, điều 20 nghị định 159/2013/NĐ-CP nêu trên. Mức phạt sẽ là từ 10-20 triệu đồng, kèm theo việc bắt buộc gỡ bỏ ứng dụng trên thiết bị di động đang sử dụng.

Trong khi đó, luật sư Phan Vũ Tuấn lại cho rằng người dùng ứng dụng DJI Fly để điều khiển thiết bị bay có thể cấu thành các tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Mức phạt cao nhất là chung thân.

Đồng thời, đơn vị nhập khẩu, phân phối thiết bị cũng bị xử lý hành chính, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhằm siết chặt và tăng cường khả năng quản lý các mặt hàng có chứa yếu tố xâm phạm chủ quyền quốc gia, sắp tới đây Nghị định 128/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan sẽ có hiệu lực vào ngày 10/12/2020.

dji fly co duong luoi bo anh 2

Theo đó tại Điều 16 của Nghị định có quy định cụ thể hành vi “Xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh tạm nhập, tái xuất, quá cảnh, chuyển khẩu hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam” sẽ bị xử phạt vi phạm tùy theo mức độ vi phạm.

Đơn vị nhập khẩu, phân phối thiết bị vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng tùy theo số lượng hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời tịch thu tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

Chưa có quy định quản lý kho ứng dụng di động

Việc Google và Apple cho phép đăng, tải ứng dụng DJI Fly tại Việt Nam có thể xem là hành vi kinh doanh, phát tán, lưu hành nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia, biên giới lãnh thổ Việt Nam.

“Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Google và Apple vẫn chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam, chính vì lẽ đó rất khó khăn trong việc áp dụng quy định pháp luật hiện hành để xử lý các đơn vị này. Đây là vấn đề nhức nhối đặt ra mà buộc lòng cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải sớm khắc phục để ngăn chặn những hành vi tương tự”, luật sư Phan Vũ Tuấn nhấn mạnh.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Hữu Triết lại cho rằng pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể nhằm điều chỉnh hoạt động của các kho ứng dụng, dẫn đến tình trạng hiện các kho ứng dụng đang cung cấp, kinh doanh nhiều sản phẩm vi phạm pháp luật Việt Nam, như game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, dung tục, game có nội dung nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử…

"Hiện nay, đã có dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP bổ sung các quy định rõ ràng, minh bạch nhằm tạo sự thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này", ông Triết cho biết.

Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung quy định khái niệm về kho ứng dụng; quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của kho ứng dụng. "Hy vọng dự thảo sẽ sớm được hoàn thiện và thông qua trong tương lai gần, để tạo ra một sân chơi công bằng, lành mạnh, đảm bảo quy định pháp luật Việt Nam được tuân thủ", ông Triết bày tỏ.

Vào năm 2019, một số doanh nghiệp đã nhập khẩu hoặc tạm nhập vào Việt Nam một số loại hàng hóa có hình ảnh hoặc mang nội dung bản đồ "đường lưỡi bò". Các hàng hóa này sau đó đã bị tịch thu và đơn vị vi phạm bị xử phạt.

Cục Xuất nhập khẩu đã khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu cảnh giác với hàng hóa vi phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.

Đặc biệt, Cục còn khuyến cáo các doanh nghiệp nhập khẩu yêu cầu đối tác nước ngoài không gắn, cài đặt hình ảnh "đường lưỡi bò" vào các sản phẩm nhập về Việt Nam.

Tháng 10/2019, Volkswagen Việt Nam và đối tác nhập khẩu đã phải xin lỗi sau khi hình ảnh "đường lưỡi bò" xuất hiện trong một chiếc xe nhập được trưng bày tại Việt Nam.

Khi đó, ông Nguyễn Tô An, Trưởng phòng Chất lượng xe cơ giới thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết đơn vị đã yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu ôtô của Trung Quốc phải gỡ ngay phần mềm bản đồ có hình "đường lưỡi bò" trên các dòng xe.

Theo ông An quy chuẩn của lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới chỉ kiểm tra về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Việc các dòng xe nhập "qua mắt" các cơ quan "là vấn đề chủ quyền quốc gia và lòng yêu nước nên chúng tôi vẫn lên tiếng yêu cầu đơn vị nhập khẩu, phân phối ôtô Trung Quốc phải nhanh chóng gỡ bỏ ngay phần mềm bản đồ xuất hiện đường lưỡi bò".