Chuyên gia Kaspersky chia sẻ các giải pháp cho con chơi game nhưng không ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 13:01, 15/10/2020
Khi thấy trẻ chơi game, cha mẹ thường sẽ nghĩ đến những ảnh hưởng xấu trò chơi điện tử có thể gây ra cho con mình. Liệu trò chơi này có tác động không tốt đến hành vi của trẻ? Liệu trẻ có gặp ác mộng sau khi chơi game, hay có bị ám ảnh bởi chi tiết nào trong game không? Nếu trẻ bị nghiện game thì sao?
Nghiên cứu do công ty an ninh mạng toàn cầu Kaspersky thực hiện vào tháng 5 năm 2020 cho thấy, 4 trên 10 phụ huynh khu vực Đông Nam Á nghĩ rằng con họ trở nên “gắt gỏng hơn bình thường” sau khi chơi game.
Với tiêu đề “Kết nối hơn bao giờ hết: Làm thế nào để xây dựng Vùng An toàn Kỹ thuật số (Digital Comfort Zones)”, cuộc khảo sát với sự tham gia của 760 người dùng trực tuyến trong khu vực đã xác nhận rằng trẻ em đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn do tình hình đại dịch. 63% phụ huynh đồng ý, và chỉ có 20% bác bỏ nhận định này.
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Các bậc phụ huynh đang nuôi dạy con trẻ là thế hệ sinh ra trong thời đại số, được tiếp xúc với những thiết bị kỹ thuật số và internet từ rất sớm. Khoảng cách thế hệ thường dẫn đến những khúc mắt trong giao tiếp khi một đứa trẻ biết nhiều xu hướng và thủ thuật trực tuyến hơn cha mẹ. Biện pháp giãn cách càng làm nổi bật điều này với sự gia tăng hoạt động trực tuyến, cũng như nêu bật sự cần thiết để cha mẹ cùng lúc phải chu toàn công việc và nuôi dạy con cái tại nhà.”
“Mặc dù việc phụ huynh lo lắng về thói quen trực tuyến của con trẻ là điều dễ hiểu, nhưng nỗi sợ hãi của cha mẹ đối với trò chơi điện tử đôi khi đi hơi quá xa. Tất nhiên, sẽ có những tác hại xảy ra khi trẻ chơi game quá nhiều, nhưng một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trò chơi điện tử có thể mang lại nhiều lợi ích cho con trẻ. Để làm được việc đó, cha mẹ cần giúp trẻ giữ sự điều độ dưới sự hướng dẫn đúng đắn.” ông nói thêm.
Để giúp các bậc phụ huynh định hướng thói quen chơi game đúng đắn cho con trẻ, Kaspersky chia sẻ từng vấn đề liên quan đến trò chơi điện tử và đề xuất giải pháp để cha mẹ tham khảo.
Lo ngại: trẻ sẽ trở thành “cừu đen” nếu bị cấm chơi game
Những bậc cha mẹ hay lo ngại về tác hại của trò chơi điện tử sẽ có xu hướng muốn cấm trẻ chơi game. Đồng thời, họ cũng lại lo sợ rằng điều này dẫn đến việc con trẻ trở thành “cừu đen” ở trường nếu bạn bè trên trường đều được chơi game, trong khi mình không có cơ hội đó.
Cha mẹ có nên lo lắng?
Cấm trẻ chơi game không phải là giải pháp đúng đắn: khi các bạn cùng trang lứa có thể chơi trò chơi điện tử mà mình không được, chắc chắn trẻ sẽ cảm thấy như bị ruồng bỏ. Ngoài ra, trò chơi điện tử không chỉ thú vị mà còn rất hữu ích đối với trẻ, đặc biệt dưới sự định hướng phù hợp của cha mẹ.
Giải pháp
Trong nhiều trường hợp, cha mẹ không nên cấm trẻ chơi game. Thay vào đó, hãy kiểm soát việc này một cách hiệu quả, bằng cách sử dụng phần mềm và cài đặt thiết bị đặc biệt, cũng như thường xuyên nói chuyện với trẻ và giải thích những quy tắc cần thiết.
Lo ngại: gây hại cho thị lực và tư thế của trẻ
Nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng nếu trẻ dành nhiều thời gian để chơi game, thị lực của trẻ có thể bị giảm. Những cha mẹ khác lo ngại rằng việc ngồi lâu trước máy tính hoặc điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng xấu đến tư thế của trẻ.
Cha mẹ có nên lo lắng?
Các vấn đề về thị lực là lý do để cha mẹ cần cẩn thận hơn khi cho trẻ chơi game. Tư thế của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là nếu trẻ không thường xuyên chơi thể thao.
Giải pháp
Sử dụng màn hình chất lượng có thể giúp giảm bớt các vấn đề về thị lực. Các nhà sản xuất màn hình hiện nay cũng đang cố gắng tìm ra nhiều giải pháp giảm thiểu tác hại của màn hình đối với mắt người.
Lưu ý đến tư thế thoải mái khi chơi và làm việc trên máy tính. Một chiếc ghế tốt, một chiếc bàn có chiều cao phù hợp, tư thế thoải mái và khoảng cách tốt với màn hình sẽ giúp ích cho tầm nhìn và tư thế của trẻ.
Ngoài ra, để đảm bảo thị lực của trẻ, cần giới hạn thời gian trẻ chơi game. Hỏi ý kiến bác sĩ nhãn khoa khi đưa trẻ đi khám về thời gian phù hợp để trẻ sử dụng thiết bị, hoặc nếu trẻ không đi khám ở bác sỹ nhãn khoa, có thể dựa trên độ tuổi của trẻ để đưa ra thời gian phù hợp. Giới hạn sử dụng phần mềm có thể được cài đặt với sự trợ giúp của các chương trình an toàn trực tuyến, như Kaspersky Safe Kids hoặc cài đặt thiết bị nội bộ, như bộ giải mã tín hiệu và thiết bị di động sử dụng iOS.
Lo ngại: Virus trên máy tính
Một số cha mẹ sợ thiết bị bị nhiễm mã độc khi con trẻ cài đặt trò chơi điện tử.
Cha mẹ có nên lo lắng?
Hoạt động cài đặt phần mềm có thể dẫn đến việc trẻ vô tình tải xuống phiên bản vi phạm bản quyền.
Nghiên cứu gần đây của Kaspersky cho thấy việc tin tặc sử dụng chủ đề chơi game làm mồi nhử tấn công mạng đã gia tăng đáng kể kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Đồng thời, tội phạm mạng sử dụng chủ đề game trong các cuộc tấn công cũng không cần sử dụng các phương pháp kỹ thuật phức tạp, mà dựa vào sự cả tin và thiếu hiểu biết của người dùng.
Giải pháp
Trước hết, cần giải thích cho trẻ hiểu phần mềm độc hại là gì, có thể vô tình tải phải phần mềm độc hại ở đâu và tác hại của việc này.
Cha mẹ nên dành thời gian để nói chuyện với con về vi phạm bản quyền.
Sử dụng phần mềm chống virus. Điều này không chỉ hữu ích nếu trẻ vô tình cài đặt phần mềm độc hại mà còn trong nhiều trường hợp khác.
Lo ngại: Hành vi hung hãn do game bạo lực
Phụ huynh không thành thạo về trò chơi điện tử thường e dè và tỏ ra hoảng sợ trước ý kiến cho rằng “trẻ em trở nên hung dữ do chơi game”, từ đó cấm trẻ chơi trò chơi điện tử.
Cha mẹ có nên lo lắng?
Hành vi hung hăng của trẻ không phải do các trò chơi điện tử gây ra, mà do nhiều yếu tố tác động khác nhau. Cho dù không cho trẻ chơi game, trẻ vẫn có thể đánh nhau với bạn bè, bắn kẻ thù vô hình bằng cung, súng lục, súng phóng lựu hoặc súng ngắn đồ chơi. Cả con trai và con gái đều có thể làm điều này, mặc dù mọi người thường nghĩ những hành động bạo lực thường nghiêng về con trai.
Đồng thời, nếu một trẻ sáu tuổi được cha mẹ cho phép chơi những game kinh dị thì những trò chơi bạo lực, đáng sợ như vậy thực sự có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ, gây ra ác mộng, rối loạn giấc ngủ, và những nỗi sợ hãi vô cớ cho trẻ. Điều tương tự cũng có thể diễn ra khi nói đến tác động của những trò chơi như vậy đối với những trẻ lớn hơn và có sẵn khuynh hướng sợ hãi này.
Cần lưu ý rằng mỗi lứa tuổi sẽ phù hợp những trò chơi điện tử khác nhau.
Giải pháp
Sử dụng xếp hạng độ tuổi. Xếp hạng độ tuổi có thể có sai lệch nhỏ. Nếu bạn thấy một trò chơi được xếp hạng 12+ vẫn ổn, bạn có thể cho trẻ 10 tuổi chơi game này.
Để con bạn không thể khởi chạy các trò chơi không phù hợp với lứa tuổi, hãy sử dụng phần mềm đánh giá độ tuổi để hạn chế khả năng khởi chạy trò chơi hoặc bất kỳ nội dung nào không phù hợp.
Điều quan trọng nhất là bất cứ khi nào bạn cố gắng hạn chế việc con chơi game, trước tiên bạn cần nói chuyện với con và giải thích lý do tại sao bạn lại làm như vậy.
Tóm lại, không nên cấm con trẻ chơi trò chơi điện tử. Nhưng để giữ an toàn cho con, hãy lưu ý sáu điểm sau đây để giúp bạn kiểm soát tốt hơn việc chơi game của trẻ:
Giao tiếp.
Xếp hạng độ tuổi.
Giới hạn thời gian.
Bảo vệ chống mã độc.
Cài đặt hạn chế mua hàng trong ứng dụng.
Khuyến khích trẻ phát triển sở thích trong thế giới thực.