Lý do bất ngờ của việc sắp xếp ký tự bàn phím theo kiểu QWERTY

Công nghệ - Ngày đăng : 13:14, 24/04/2020

Tại sao bàn phím trên laptop, điện thoại, lại được bố trí theo quy chuẩn QWERTY mà không phải là ABCDE hay một quy tắc dễ hiểu nào khác?

Bàn phím theo chuẩn QWERTY được chúng ta sử dụng mỗi ngày để làm việc, gõ văn bản, nhắn tin trên laptop, smartphone. Thế nhưng, chắc hẳn ít ai biết được lịch sử ra đời của bàn phím này, cũng như lý do tại sao nó không được sắp xếp là ABCDE hay một quy tắc dễ hiểu nào khác.

Máy đánh chữ đầu có bàn phím theo thứ tự bảng chữ cái

Lý do bất ngờ của việc sắp xếp ký tự bàn phím theo kiểu QWERTY - 1

Bàn phím ra đời vào cuối những năm 1860, thời điểm chiếc máy đánh chữ đầu tiên được phát minh bởi Christopher Sholes, một nhà báo đồng thời cũng là thợ in, sống ở Milwaukee, Wisconsin, Mỹ.

Lúc ban đầu, các ký tự trên máy đánh chữ do Sholes sáng chế ra được xếp theo thứ tự bảng chữ cái ABCD. Những phím này được lắp đặt ở trên một thanh kim loại được liên kết với đầu in, khi người đánh máy ấn bất kỳ phím nào thì chữ sẽ được in lên trên giấy, giống như phím đàn piano vậy.

Chính bởi sắp xếp thuận theo các ký tự của bảng chữ cái, nên người ta nhanh chóng làm quen được với máy đánh chữ kiểu này để gõ văn bản, thư tín,..

Tuy nhiên có một vấn đề đã xảy ra. Khi người gõ trở nên quen tay và đẩy cao tốc độ đánh máy thì những thanh nối với các ký tự nằm gần nhau trên bàn phím trở nên vướng vào nhau, buộc họ phải dùng tay gỡ các thanh gõ ra. Thao tác này khá bất tiện, gây gián đoạn công việc, và cũng thường để lại vết nhơ trên mặt giấy.

Bàn phím QWERTY ra đời với mục đích hạn chế tốc độ gõ

Lý do bất ngờ của việc sắp xếp ký tự bàn phím theo kiểu QWERTY - 2

Christopher Latham Sholes bên cạnh máy đánh chữ đầu tiên trên thế giới.

Lúc bấy giờ, James Densmore - một nhà kinh doanh làm chung với Sholes, mới đề nghị ông nên tách rời các phím ký tự thường dùng ra xa nhau để tránh tình trạng khi gõ bị "kẹt".

Thấy ý tưởng này khá hay nên từ đó, Sholes đã tạo ra một chuẩn bàn phím mới đặt tên "QWERTY" nhằm mục đích trải rộng những chữ cái thường được sử dụng. Bên cạnh đó, ông cũng muốn sắp xếp bàn phím theo một cách ngẫu nhiên, không theo quy tắc nào, nhằm mục đích khiến người gõ phải chậm lại. Logic ở đây là khi gõ chậm lại, tỷ lệ gặp lỗi cũng sẽ thấp hơn.

Theo thời gian, bàn phím QWERTY đã dần trở nên thông dụng hơn hẳn các chuẩn bàn phím khác như DVORAK, MALTRON hay QWERTZ. Tuy nhiên, hiệu quả của việc sắp xếp lại ký tự lên tốc độ gõ như thế nào vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi suốt nhiều thập kỷ. Đặc biệt là với công nghệ bàn phím như hiện nay, sẽ chẳng có vấn đề gì khi bạn gõ các phím cạnh nhau, và ngay cả có sắp xếp thế nào thì người dùng vẫn có thể gõ nhanh các phím sau khi đã quen tay.

Cũng có một số giả thuyết khác về sự ra đời của bàn phím này. Trong đó, một số ý kiến cho rằng cách sắp xếp dạng ABCD gây ra nhiều phiền toái trong việc giải mã những đoạn mã Morse. Vì thế, bàn phím QWERTY được tạo ra để giải quyết vấn đề nêu trên.