Huawei - Xiaomi: Một mảnh đời, hai số phận trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:38, 26/05/2021

Việt BáoTháng 5 như mang một điểm chung giữa buồn lẫn vui cho Huawei lẫn Xiaomi khi Một mảnh đời - Hai số phận vì ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc kéo dài liên tục thời gian qua.

Tháng 5/2021 và tháng 5/2019: Niềm vui cho Xiaomi, nỗi buồn cho Huawei

Danh sách đen mà chính phủ Mỹ "trói tay" Huawei vào thời điểm tháng 5/2019 như khiến doanh nghiệp này phải rẽ hướng nhanh chóng, doanh số smartphone sụt giảm nghiêm trọng.

Riêng với Xiaomi, thế thời dường như đã thay đổi sau khi thương hiệu này được cho là thoát vòng kim cô vào thời điểm tháng 5/2021.

Trong thông báo được Tòa án Quận Columbia (Hoa Kỳ) ban hành vào thời điểm 26/5 (theo giờ Việt Nam), công bố cuối cùng đã không thông qua cáo buộc của Bộ Quốc phòng Mỹ về mối liên hệ của Xiaomi với các công ty quân sự Trung Quốc.

Với động thái này, tòa án đã chính thức dỡ bỏ các cấm vận và hạn chế trong việc mua hoặc nắm giữ chứng khoán của Xiaomi đối với người dân Hoa Kỳ, mở đường cho thương hiệu này phát triển tốt hơn trên thị trường toàn cầu.

Huawei sụt giảm là cơ hội cho nhiều thương hiệu khác. Ảnh minh họa: MiMobile.

Được thành lập vào tháng 4/2010, đến thời điểm hiện tại, Xiaomi đứng thứ 3 trên toàn cầu về lượng điện thoại thông minh xuất xưởng trong quý 4/2020. Xiaomi cũng dẫn đầu nền tảng AIoT (AI + IoT) với 324,8 triệu thiết bị thông minh được kết nối với nền tảng, không bao gồm điện thoại thông minh và máy tính xách tay.

Xem thêm: Doanh số điện thoại 5G toàn cầu nhiều khởi sắc, có hãng tăng đến 1.165%

Các sản phẩm Xiaomi đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Vào tháng 8/2020, Xiaomi đã lọt vào danh sách Fortune Global 500 lần thứ hai, xếp thứ 422, tăng 46 bậc so với năm 2019, và đứng thứ 7 trong lĩnh vực Dịch vụ Internet và Bán lẻ.

Riêng với Huawei, sau khi bị đưa vào danh sách cấm của Chính phủ Hoa Kỳ, thương hiệu này đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiêu cực.

Đầu năm 2021, Công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho biết doanh số điện thoại thông minh của Huawei đã lao dốc trong quý 4/2020 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với các nhà cung cấp linh kiện và thiết bị cho hãng.

Đáng lưu ý, doanh số nội địa của Huawei trong 3 tháng cuối năm 2020 đã giảm 44% xuống còn 18,8 triệu chiếc. Trong khi đó, theo thông tin từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC), hàng xuất ra nước ngoài của Huawei cũng đã giảm 43% xuống còn 32 triệu sản phẩm.

Cuộc chiến điện thoại 5G đang là sân chơi của các thương hiệu ngoài Huawei. Ảnh minh họa: CaiXin.

Đặc biệt, sau khi đạt mục tiêu đứng top 3 dẫn đầu vào trước thời điểm cấm vận, doanh số Huawei đã bị sụt giảm mạnh so với đối thủ nội địa là Xiaomi và Oppo.

Tháng 11/2020, Huawei thông báo đã bán nhãn hiệu điện thoại thông minh giá rẻ Honor do gặp áp lực về nguồn cung trước các lệnh trừng phạt của Mỹ với giá 15,2 tỷ USD.

Mới nhất trong tháng 5/2021, Honor thông báo đã được cấp phép sử dụng Google Mobile Services, bắt đầu từ chiếc Honor 50 của mình.

Cục diện Huawei cho việc tắm hai lần trên một dòng sông nhiều đối thủ

Khi đại dịch Covid-19 từ Trung Quốc lây lan sang khu vực khác, không chỉ các hãng công nghệ bị ảnh hưởng, mà kinh tế toàn cầu cũng dần thấy rằng, linh phụ kiện mới là gà đẻ trứng vàng bởi nếu thiếu sẽ khó cấu thành sản phẩm.

Xem thêm: Ngành du lịch Pháp hào hứng trước thông tin mở cửa trở lại sau Covid-19

Ngoài Huawei như bị dậm chân tại chỗ, tạo đà cơ hội cho OPPO, Xiaomi, vivo... từng bước lấy thị phần của "đàn anh", như một cách để chinh phục thị trường khi cơ hội không đến hai lần.

Không chỉ tên tuổi công nghệ, các nhà sản xuất ôtô như General Motors, Ford Motor và Volkswagen cũng vì linh kiện mà phải tạm đóng cửa nhiều dây chuyền sản xuất trên thế giới.

Trong bối cảnh này, Huawei dần như có cửa với cú bắt tay Chongqing Changan Automobile - một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc để bước vào lĩnh vực phát triển chip cho ôtô điện.

Lĩnh vực rẽ hướng sang ô tô của Huawei đang chỉ mới bắt đầu trong giông bão. Ảnh minh họa: Reuters.

Động thái rẽ hướng của Huawei ngay lập tức bị nhiều thương hiệu công nghệ lẫn ô tô cạnh tranh. Khi thị trường toàn cầu đang không là sân chơi truyền thống của hãng trong bối cảnh gặp khó ở mảng thiết kế chip cho smartphone, thì hướng đi mới có thể vẫn chưa làm cho Huawei thêm sáng sủa.

Song song đó, thị trường Đài Loan nổi dậy với hàng loạt tên tuổi trong làng xe lẫn công nghệ đã và đang dần lớn mạnh, trở thành rào cản cho Huawei cho hướng đi mới này trong bối cảnh bị vây tứ bề.

Trong mảng điện thoại, Huawei dự kiến trong tuần tới sẽ triển khai hệ điều hành HarmonyOS dành riêng cho điện thoại thoại thông minh nhằm thay thế Android của Google. Tuy vậy, liệu người dùng có chấp nhận không là vấn đề, bởi sự ảnh hưởng quá lớn của Google cùng với hệ lụy cho Huawei đã chứng minh điều đó bằng việc điện thoại hãng dần vắng mặt tại nhiều thị trường ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Xem thêm: Thấy gì qua cuộc chiến không cân sức giữa Facebook và truyền thông Úc?

Với bối cảnh hiện tại, dễ dàng thấy rằng, tình trạng khan hiếm chip không phải là hậu quả trực tiếp từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và với những gì toàn cầu hóa mang lại, dù ít dù nhiều, nó vẫn là cán cân có vai trò đặc biệt quan trọng và gần như là cần thiết cho nhiều lĩnh vực liên quan.

Dù rằng Chính phủ Trung Quốc coi việc tự cung cấp chip bán dẫn do Huawei đi đầu là một mục tiêu quốc gia. Nhưng với tình thế hiện tại, điều này khó thành hiện thực bởi hãng đang gặp nhiều điều khó làm ảnh hưởng.

Cùng với động thái tổng thống Biden đẩy mạnh việc đưa ngành sản xuất chip bán dẫn về lại nước Mỹ, thì sớm muộn gì, thị trường cũng sẽ có sự cân bằng thái cực mà trong đó có thể là niềm vui cho hãng này và nỗi buồn cho hãng kia.

Võ Thanh Bình