Vắc-xin ngừa Covid-19 được chia sẻ thế nào trên toàn cầu?

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:45, 06/05/2021

Các loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được sử dụng ở nhiều nước để ngăn chặn đại dịch thế kỷ.

Trong bối cảnh Covid-19 không ngừng hoành hành ở 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, thế giới đang theo đuổi một nỗ lực chung mang tên Chương trình Covax để đảm bảo các nước dù giàu hay nghèo đều có thể tiếp cận vắc-xin một cách công bằng. Tuy vậy, tình hình chung hiện nay vẫn không đồng đều.

Vắc-xin ngừa Covid-19 được chia sẻ thế nào trên toàn cầu?
ẢnH: AP

Theo BBC, đến nay, hơn 49 triệu liều vắc-xin đã được cung cấp thông qua Covax. Nhưng, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng cần có thêm 35-45 tỷ USD nữa để đảm bảo hầu hết người lớn được tiêm chủng.

Sáng kiến Covax ra đời năm 2020, được vận hành chung bởi WHO, Liên minh Vắc-xin Toàn cầu (Gavi) và Liên minh Đổi mới Sẵn sàng vì Dịch bệnh (Cepi), với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) là đối tác triển khai chính.

Vì sao phải chia sẻ vắc-xin?

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống và cướp đi sinh mạng của hơn ba triệu người trên toàn cầu. Các chuyên gia y tế, trong đó có cả người đứng đầu WHO, đều xác định chống Covid-19 là cuộc chiến toàn cầu và các nước giàu nên hành động nhiều hơn nữa để giúp các nước khác kiểm soát đại dịch.

Covax được thành lập nhằm tập hợp các nỗ lực vắc-xin toàn cầu và đảm bảo sự phân phối công bằng theo cơ chế mà các nước giàu hơn bù đắp chi phí vắc-xin cho các nước nghèo hơn.

Hồi tháng 2, Ghana trở thành nước đầu tiên nhận được vắc-xin thông qua Covax. Từ đó đến nay, hàng chục triệu liều vắc-xin đã được giao đến 6 lục địa, và giới chuyên gia hy vọng 2 tỷ liều được phân phối vào cuối năm nay.

Giám đốc WHO Tedros chỉ trích các nước giàu cản trở Covax, cáo buộc họ "ngốn" nguồn cung cấp vắc-xin toàn cầu khi đặt hàng số lượng nhiều hơn nhu cầu thực tế trong nước. Ông nói hồi tháng trước rằng chỉ 0,3% lượng vắc-xin đến được với người dân ở các nước thu nhập thấp.

Vắc-xin ngừa Covid-19 được chia sẻ thế nào trên toàn cầu?
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

Hiện nay Covax đang cần bổ sung khoảng 20 triệu liều vào cuối tháng 6, để có thể bù đắp thiếu hụt do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng ở Ấn Độ. Gần đây nhất, Thụy Điển cam kết góp 1 triệu liều AstraZeneca trong đầu tháng 5.

Covax dùng những vắc-xin nào?

WHO cho phép sử dụng khẩn cấp 5 loại vắc-xin. Loại mới nhất là của Moderna (Mỹ), hãng đạt thỏa thuận với Covax cung cấp 500 triệu liều ở "mức giá thấp nhất". Tuy nhiên, phần lớn số lượng này không có sẵn cho đến năm 2022.

Hiện tại Covax mới chỉ phân phối vắc-xin của Pfizer và Oxford Astra-Zeneca. Những nước được nhận thuộc diện thu nhập thấp, gồm Algeria, Malawi và Uganda ở châu Phi, Iran và Iraq ở Trung Đông, Barbados, El Salvador và Nicaragua ở châu Mỹ.

Mặc dù hầu hết những liều đầu tiên được chuyển cho các nước thu nhập thấp và trung bình, một số sẽ được gửi đến các nước giàu như Canada.

Trở ngại khi triển khai Covax

Một số người đánh giá Covax không vận hành đủ nhanh. Các mục tiêu ban đầu đến nay vẫn chưa đạt được trong khi các vấn đề của khâu phân phối có thể trầm trọng hơn do tình hình Ấn Độ trở nên tồi tệ. Các nhà chức trách nước này đã hạn chế xuất khẩu vắc-xin để bảo vệ người dân trong nước trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng kỷ lục.

Vắc-xin ngừa Covid-19 được chia sẻ thế nào trên toàn cầu?
Số nước và vùng lãnh thổ sử dụng mỗi loại vắc-xin.

Nhà máy của Viện Huyết thanh Ấn Độ là nguồn cung cấp chính vắc-xin Oxford-AstraZeneca cho Covax, và kế hoạch này hiện đối mặt với tình trạng thiếu hụt lên tới hàng chục triệu liều, dẫn đến lo ngại gia tăng về việc bảo vệ người dân ở những quốc gia nghèo khó.

Covax sẽ giúp chấm dứt đại dịch?

Covax hy vọng giao đủ vắc-xin cho ít nhất 20% dân số ở 92 quốc gia nghèo đã tham gia chương trình. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, kể cả khi mục tiêu này được đáp ứng thì vẫn chưa thể đạt được mức độ miễn dịch đủ để chấm dứt đại dịch.

Theo đề xuất của WHO, muốn chấm dứt Covid-19 cần ít nhất 70% dân số toàn cầu đạt khả năng miễn dịch.