Đại dịch Covid-19 sẽ bị xoá sổ trong năm 2021?
Đối ngoại - Ngày đăng : 08:09, 20/02/2021
Các dự báo về dịch bệnh Covid-19 phụ thuộc vào một số yếu tố chủ chốt, chẳng hạn như hành vi của con người và tốc độ lây lan của các biến thể virus. Ảnh: Bloomberg |
Theo ước tính từ trang covid19-projutions.com của nhà khoa học dữ liệu Youyang Gu và mô hình covidestim.org được các chuyên gia nghiên cứu của hai trường y tế công Harvard và Yale tập hợp, số người được tiêm những liều vắc-xin đầu tiên mỗi ngày nhiều gấp 4 lần số người nhiễm bệnh.
Đó là nguyên nhân khiến tình trạng lây nhiễm giảm bớt? Hay đỉnh điểm tồi tệ nhất của đại dịch đã qua rồi? Hoặc thế giới sẽ còn hứng chịu thêm nhiều làn sóng mới khủng khiếp hơn?
Khó mà đưa ra câu trả lời chính xác ở thời điểm này, theo Bloomberg. Nhưng có một vài biến số quan trọng dường như sẽ quyết định điều gì xảy ra tiếp theo, và chúng có thể hé mở tia sáng cho chặng đường phía trước.
Nhiều biến thể virus mới
Biến thể B.1.1.7 trở nên phổ biến ở Anh và dự kiến sớm lan tràn ở Mỹ được cho có khả năng lây truyền cao hơn 30-70% so với phiên bản SARS-CoV-2. Dường như chỉ một chút tăng nhẹ cũng khiến có thêm nhiều ca nhiễm mới trong một thời gian ngắn.
Trong thế giới thực, tốc độ gia tăng lây nhiễm sẽ chậm lại theo thời gian khi mọi người bắt đầu miễn dịch và thay đổi hành vi để ngăn chặn dịch bệnh.
Ở Đan Mạch, quốc gia đang thực hiện tốt nhất việc xét nghiệm B.1.1.7 và nhiều biến thể khác, các trường học, nhà hàng, quán bar và những cửa hiệu không thiết yếu đã đóng cửa từ Giáng sinh.
Nước này đã chứng kiến số bệnh nhân B.1.1.7 tăng nhẹ trong bối cảnh các ca nhiễm biến thể khác giảm đi. Trong số 63,4% số ca Covid-19 được ghi nhận trong tuần đầu tiên của tháng 2, 30,9% nhiễm B.1.1.7, tăng vọt từ mức 3,8% cách đó 4 tuần lễ. Từ đó có thể thấy, B.1.1.7 đang nhanh chóng trở thành biến thể phổ biến nhất ở Đan Mạch.
Cũng có những đột biến virus xuất hiện ở Brazil và Nam Phi mà dường như có thể "né" khả năng miễn dịch mà một người có được nhờ khỏi bệnh và tiêm vắc-xin.
Hành vi
Ở Mỹ, chính quyền nhiều tiểu bang và địa phương đã nới lỏng các hạn chế khi chứng kiến số ca nhiễm tổng thể giảm mạnh. Tác động của quyết định này đến nay có thể chưa nhiều vì thời tiết diễn biến cực đoan trên khắp đất nước. Chỉ số tương tác và di động của Dallas Fed, dựa vào dữ liệu định vị thiết bị di động, cho thấy người Mỹ ra ngoài ít hơn trong vòng một tháng rưỡi qua, so với bất kỳ thời điểm nào kể từ cuối mùa xuân năm ngoái.
Thời tiết hiện nay đang đẹp dần lên. So với người dân một số nước châu Âu, người Mỹ dường như vẫn chưa vội quay trở lại thói quen cũ dù các hạn chế của Covid-19 được dỡ bỏ.
Đức đã thành công ngoạn mục trong nỗ lực ngăn chặn làn sóng Covid-19 đầu tiên hồi mùa xuân năm ngoái. Tuy nhiên, sau đó, cuộc sống ở đất nước này quay trở lại bình thường, dẫn tới một mùa thu và mùa đông đầy khó khăn.
Tại Anh, số ca Covid-19 bất ngờ tăng vọt hồi tháng 12 chắc chắn do biến thể B.1.1.7 dễ lây lan. Nhưng, việc người dân hưởng ứng nới lỏng phong toả hồi tháng 11 dường như cũng góp phần vào tình trạng đó.
Tính theo mùa
Ở các vùng khí hậu ôn đới, cảm lạnh và cúm có xu hướng bùng phát vào mùa thu và mùa đông, giảm dần vào mùa xuân và mùa hè.
Nguyên nhân chính xác cho tình trạng này đến nay vẫn là một chủ đề gây tranh cãi.
Covid-19 thực sự cũng sẽ đi theo mô hình tương tự. Ở một mức độ nào đó, điều này đã xảy ra: mùa thu và mùa đông năm nay là thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch ở Bắc Mỹ và châu Âu. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra những tuyên bố tự tin về những gì sẽ xảy ra trong mùa xuân tới.
Ở Mỹ, gần 30% dân số có thể đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Thêm 12% khác (chắc chắn có sự chồng lấn nào đó với nhóm đầu nêu trên nhưng có thể không nhiều) đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin.
Như vậy, khoảng 40% dân số đã được bảo vệ ở một mức độ nào đó.
Với tốc độ tiêm chủng hiện tại, tỷ lệ này tăng với tốc độ 1 điểm phần trăm sau mỗi ba ngày. Và với nguồn cung vắc-xin hàng tuần ở Mỹ tăng từ 11 triệu liều lên 13,5 triệu liều, con số này sẽ sớm tăng nhanh.
Mối đe doạ của các biến thể mới, kết hợp với tính không hoàn hảo của miễn dịch nhờ khỏi bệnh và tiêm vắc-xin, có nghĩa là việc đạt tới khả năng miễn dịch cộng đồng hoàn toàn khiến Covid-19 không thể lây lan là một nhiệm vụ khó khăn, thậm chí bất khả thi.
Nhưng 40% dân số sở hữu một mức độ miễn dịch vẫn có thể làm chậm sự lan truyền của virus, và nâng lên 50% rồi 60% sẽ càng khiến virus khó lây nhiễm hơn.
Bên cạnh đó còn có yếu tố đối tượng nào được tiêm ngừa. Cư dân của các viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn chiếm khoảng 36% số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ. Tính đến giữa tháng 1, gần 80% đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin đầu tiên. Người Mỹ từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 81% số ca tử vong, và họ là trọng tâm của chiến dịch tiêm chủng hiện nay.
Các loại vắc-xin đã được phê duyệt để sử dụng ở Mỹ cùng một số loại có khả năng sớm được phê duyệt dường như hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa tử vong do Covid-19. Vì vậy, ngay cả khi không thể ngăn dịch bệnh tái bùng phát vào mùa xuân này, chúng vẫn có thể giúp giảm số người thiệt mạng.
Điều gì tiếp theo?
Hiện tại có rất nhiều quan điểm giữa các chuyên gia về những gì có thể xảy ra tiếp theo.
Michael Osterholm thuộc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Bệnh Truyền nhiễm của Đại học Minnesota chỉ ra rằng, B.1.1.7 gây ra sự gia tăng lây nhiễm ở Mỹ giống như một cơn bão "cấp 5 hoặc cao hơn".
Michael Mina thuộc Trường Y tế Công TH Chan của Harvard nhận định "vài tháng tới dịch bệnh có thể chững lại. Lý tưởng nhất là tình hình kéo dài qua mùa hè sang mùa thu, và rồi chúng ta có thể sẽ có một đợt dịch nữa".
Ở Đức, Christian Drosten thuộc Viện Virus học thuộc Đại học Y Charité nghĩ đến viễn cảnh mà một khi người cao tuổi đã được tiêm ngừa, sẽ có áp lực lớn về kinh tế, xã hội, chính trị và có lẽ cả pháp lý dẫn tới chấm dứt các biện pháp phong toả.
Tất nhiên, những người trẻ sẽ ít nguy cơ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn so với những người già, nhưng khi một số lượng lớn người trẻ nhiễm Covid-19, thì các đơn vị chăm sóc đặc biệt sẽ kín chỗ và rất nhiều người sẽ thiệt mạng.