Mặt Trăng - Chìa khóa để giành ưu thế quân sự trong không gian gần
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:48, 14/02/2021
Tham vọng quân sự hóa Mặt Trăng không mới
Mặt Trăng (tiếng Latin: Luna) là vệ tinh tự nhiên lớn thứ năm trong Hệ Mặt Trời và là vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất. Khoảng cách trung bình tính từ tâm Trái Đất đến Mặt Trăng là 384.403km, gấp khoảng 30 lần đường kính Trái Đất. Mặt Trăng có đường kính 3.474km, kém hơn đường kính Trái Đất gần 4 lần, nhưng có khối lượng bằng chỉ 2% khối lượng Trái Đất, và lực hấp dẫn tại bề mặt Mặt Trăng bằng 17% lực hấp dẫn trên bề mặt Trái Đất.
Mặt Trăng được coi là bệ phóng tiềm năng do trọng lực thấp hơn sáu lần và không có khí quyển, cũng như sự sẵn có của năng lượng Mặt Trời. Vận tốc đầu tiên trong không gian quanh Mặt Trăng cần thiết để đi vào quỹ đạo chỉ là 1,68km/s - nhỏ hơn tốc độ bắn của một khẩu pháo tăng hiện đại - khá khả thi cho các hệ thống gia tốc điện từ; chi phí khoảng 0,5-1 USD/kg - ít hơn 10.000-20.000lần so với mức tối thiểu đối với tên lửa dùng nhiên liệu thường phóng từ Trái Đất.
Trong khi đó, một vụ phóng điện từ hoàn toàn từ Trái Đất là không thực tế - với tốc độ 8km/s, bất kỳ thiết bị nào cũng sẽ bốc cháy trong khí quyển. Việc sử dụng thế mạnh của Mặt Trăng đã được xem xét trong khuôn khổ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) của Mỹ. Các thuộc tính như không phải mất quá nhiều năng lượng để phóng đi từ Mặt Trăng có thể giúp Mỹ thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu, hay nói cách khác, về mặt lý thuyết, Mặt Trăng là chìa khóa để làm bá chủ trong không gian gần.
Thập niên 1950 chứng kiến cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh trong việc sản xuất vũ khí nguyên tử. Washington dốc sức lực và kinh phí để bảo vệ danh tiếng là quốc gia mở ra kỷ nguyên hạt nhân của nhân loại. Khi Liên Xô thể hiện tiềm lực kỹ nghệ vũ trụ vượt bậc và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chưa ra đời, Bộ Lục quân, Bộ Không quân và Bộ Hải quân Mỹ chịu trách nhiệm hoàn toàn Chương trình không gian của Mỹ.
Ngày 28/1/1958, Chuẩn tướng Không quân Homer Boushey - Phó Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phát triển Không quân Mỹ có bài phát biểu trước Aero Club tại Washington, cảnh báo về một "hậu quả thảm khốc nếu để Liên Xô kiểm soát Mặt Trăng", giải thích rằng Mặt Trăng cách Trái Đất 384.400 km - khoảng cách mà tên lửa Mỹ đang sở hữu có thể vượt qua trong thời gian 2 ngày và khuyến cáo Mỹ xây dựng căn cứ quân sự trên Mặt Trăng.
Việc Mặt Trăng luôn hướng một mặt về Trái Đất mang đến lợi thế cho quân sự Mỹ - nếu như ở nửa sáng Mặt Trăng, một vật thể có kích thước 30m có thể quan sát được bằng kính viễn vọng từ Trái Đất, thì tại nửa tối của nó, con người không quan sát được gì. Homer Boushey tin rằng, điều này sẽ biến Mặt Trăng trở thành địa điểm lý tưởng cho việc tiến hành các hoạt động quân sự bí mật, tránh được mọi sự dòm ngó của địch thủ Liên Xô.
Nếu Mỹ nhanh chóng giành được quyền kiểm soát Mặt Trăng trước, thì Liên Xô sẽ không thể tấn công Mỹ mà không nghĩ đến kịch bản về "một sự hủy diệt lớn" khi Mỹ trả đũa bằng các cuộc phản công bằng tên lửa từ Mặt Trăng 48 giờ sau khi khai chiến. "Có người từng nói rằng: "Ai thống trị được Mặt Trăng, kẻ đó sẽ kiểm soát được Trái Đất". Các chiến lược gia của chúng ta đang đánh giá cẩn thận tuyên bố này, và nếu đúng, thì đã đến lúc Mỹ phải kiểm soát Mặt Trăng rồi". Đây là đoạn phát biểu nổi tiếng và mạnh mẽ nhất của Boushey năm 1958 về tham vọng Mặt Trăng mà chưa một quốc gia nào công khai tuyên bố trước đó.
Ngày 16/1/1958, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Foster Dulles đã đề xuất thành lập một ủy ban quốc tế nhằm đảm bảo việc sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích hòa bình. 9 năm sau đó, ngày 27/1/1967, Mỹ, Liên Xô và Anh ký Hiệp ước ngoài vũ trụ, gồm các nguyên tắc quản lý các hoạt động của các quốc gia trong việc khám phá và sử dụng ngoài vũ trụ, bao gồm cả Mặt Trăng và các thiên thể khác.
Những triển khai thực tế
Các chuyên gia quân sự cho rằng, quỹ đạo là cơ sở chính của hệ thống phòng thủ tên lửa trong tương lai. Phần mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa buộc phải tương tác với các "mục tiêu đạn đạo phức tạp" - một tập hợp khổng lồ đầu đạn và mồi nhử, được bảo vệ bằng cách gây nhiễu chủ động và thụ động. Việc phá hủy một tên lửa hiệu quả hơn nhiều ở giai đoạn đầu, trước khi nó triển khai đầu đạn và tạo ra một đám mây mồi nhử. Vấn đề rất khó là xác định mục tiêu thực, chưa kể đến việc các đầu đạn phải được bắn hạ riêng lẻ.
Nỗ lực di chuyển các tên lửa đánh chặn đến gần các bãi phóng trong trường hợp Nga và Trung Quốc gặp phải khó khăn hoàn toàn về địa lý và có nguy cơ xảy ra một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng phòng thủ tên lửa. Việc tạo ra một hệ thống dựa trên không gian có thể loại trừ vấn đề này. Vũ khí siêu âm được coi là lý do chính thức cho việc triển khai các hệ thống quỹ đạo. Do độ cao khi bay tương đối thấp, gây khó khăn cho việc phát hiện của hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất, khiến có rất ít thời gian để phản ứng - nhưng điều này không còn là vấn đề đối với các hệ thống vũ trụ.
Các nhà quân sự cho rằng, trong một tương lai rất gần, sẽ có những điều kiện tiên quyết về kỹ thuật để "đại trà" hóa các hệ thống vũ khí không gian. Năm 2009, sự hiện diện của băng nước trong các miệng núi lửa ở cực nam của Mặt Trăng đã được khẳng định, cùng với hiệu suất của pin mặt trời hiện đại trong không gian hơn 40%, robot khai thác tài nguyên đang trở nên phổ biến, Mặt Trăng có thể trở thành một "trạm xăng không gian" tương đối nhỏ gọn, được vận hành chủ yếu từ xa.
Thời báo Hoàn Cầu ngày 19/12/2020 dẫn lời các chuyên gia quan hệ quốc tế và quân sự Trung Quốc cho biết, tham vọng xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên Mặt Trăng vào năm 2027 (theo "Chỉ thị Chính sách Không gian 6" - SPD-6) của Mỹ, có thể đóng góp vào các dự án quân sự trong tương lai. Theo chuyên gia quân sự kiêm nhà bình luận Trung Quốc Song Zhongping, bằng cách thiết lập một nhà máy điện, bao gồm khai thác vật liệu hạt nhân và xây dựng thiết bị như lò phản ứng hạt nhân và cơ sở làm giàu uranium, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể biến Mặt Trăng "thành nơi sản xuất vũ khí hạt nhân".
Mặt Trăng rất giàu helium-3, một vật liệu có thể được sử dụng làm nhiên liệu để sản xuất năng lượng bằng phản ứng tổng hợp hạt nhân. Với danh nghĩa xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Mỹ có thể trực tiếp khai thác vật liệu này trên Mặt Trăng và sau đó xây dựng các nhà máy chế biến nhiên liệu hạt nhân ở đó. Trước đó, chính quyền Trump đã đề xuất "Hiệp ước Artemis" vào tháng 5, trong đó đề xuất "các khu vực an toàn" xung quanh các căn cứ trên Mặt Trăng trong tương lai nhằm ngăn chặn thiệt hại hoặc sự can thiệp từ các quốc gia cũng như các công ty tư nhân của đối thủ.