Ấn Độ gặp sự cố tiêm chủng, Israel náo loạn vụ tiêm vắc-xin Covid-19 tê liệt mặt
Đối ngoại - Ngày đăng : 07:07, 18/01/2021
Một nhân viên y tế đang tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân trong ngày đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc ở Ấn Độ hôm 16/1. Ảnh: Reuters |
Theo Reuters, lỗi kỹ thuật với ứng dụng Co-Win do Ấn Độ tự phát triển để điều phối chiến dịch khiến chỉ có 190.000 người được tiêm chủng trong ngày đầu tiên, thay vì hơn 300.000 người như kế hoạch. Giới chức ở ít nhất 4 bang của Ấn Độ cho biết, nhiều nhân viên y tế và những người sắp được tiêm vắc-xin không nhận được thông báo qua ứng dụng Co-Win.
Ấn Độ hiện là "ổ dịch" lớn thứ 2 trên thế giới sau Mỹ với gần 10,5 triệu ca nhiễm và 152.456 người tử vong vì virus.
Hơn chục người Israel tê liệt mặt sau tiêm vắc-xin
Các quan chức y tế Israel cho biết, ít nhất 13 công dân nước này đã bị tê liệt mặt dạng nhẹ sau khi tiêm vắc-xin do hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
Theo báo điện tử Ynet, các bác sĩ ước tính số trường hợp gặp tác dụng phụ tương tự có thể cao hơn. Họ tỏ ra hoài nghi về việc có nên tiếp tục tiêm liều vắc-xin thứ hai cho những bệnh nhân đã bị tê liệt mặt hay không.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Israel khuyến nghị các bác sĩ nên tiêm đủ 2 liều vắc-xin cho người dân nhưng cần phải chờ tác dụng phụ của phát tiêm đầu tiên hết ở những trường hợp bị tê liệt mặt.
Hồi tháng 11/2020, Chính phủ Do Thái đã ký một thỏa thuận mua 8 triệu liều vắc-xin của Pfizer/BioNTech. Hơn 20% trong tổng số 9 triệu dân của nước này đã được tiêm liều vắc-xin thứ nhất kể từ khi chương trình chủng ngừa đại trà bắt đầu. Ít nhất 2 người cao tuổi mắc các bệnh mạn tính đã tử vong sau tiêm chủng.
Áo kéo dài lệnh phong tỏa tới tháng 2
Chính phủ Áo ngày 17/1 thông báo, nước này sẽ gia hạn lệnh phong tỏa nhằm khống chế đại dịch tới ngày 8/2. Phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Sebastian Kurz cho hay, Áo buộc phải hành động mạnh tay vì sự xuất hiện của các biến thể virus có khả năng lây nhiễm nhanh hơn.
Chính phủ Áo khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang tại nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét và nên làm việc tại nhà.
Áo đang trong đợt phong tỏa thứ 3 và hiện chỉ cho phép các cửa hàng thiết yếu duy trì hoạt động. Theo trang Worldometers, quốc gia châu Âu này hiện ghi nhận 393.778 ca mắc Covid-19, trong đó 7.082 người đã tử vong. Nhà chức trách đặt mục tiêu giảm số ca nhiễm mới xuống còn 700 người/ngày.
Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:
- Trang Worldometers thống kê, tính đến sáng sớm 18/1 (theo giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 95,4 triệu người, trong đó trên 2 triệu trường hợp tử vong. Song, gần 68,1 triệu ca bệnh khắp toàn cầu đã được chữa khỏi. Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 406.971 ca tử vong trong tổng số hơn 24,4 triệu bệnh nhân.
- Nhà chức trách thành phố Thiên Tân, Trung Quốc đang truy vết những người có thể tiếp xúc với lô hàng kem do một công ty địa phương sản xuất sau khi phát hiện virus corona chủng mới ở 3 mẫu kem xét nghiệm. Điều tra dịch tễ ban đầu hé lộ, công ty sản xuất kem bằng nguyên liệu sữa bột nhập khẩu từ New Zealand và bột nhập khẩu từ Ukraina.
- Theo AP, Trung Quốc chỉ mất 5 ngày để hoàn tất việc xây dựng theo kiểu lắp ghép một bệnh viện dã chiến mới với 1.500 phòng phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 ở thành phố Nam Cung thuộc tỉnh Hà Bắc, đông bắc đất nước. Đây là một trong 6 bệnh viện dã chiến được xây dựng ở Nam Cung với tổng số 6.500 phòng để đối phó với đợt bùng phát dịch mới ở tỉnh này.
- Theo số liệu từ Hệ thống Báo cáo sự cố gây hại của vắc-xin (VAERS) thống kê, 55 người ở Mỹ đã thiệt mạng sau khi tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 do Moderna hoặc Pfizer/BioNTech bào chế. Trong một số trường hợp, bệnh nhân tử vong chỉ vài giờ sau khi được tiêm chủng.
- Ít nhất 29 người đã chết sau khi tiêm mũi vắc-xin Pfizer/BioNTech đầu tiên tại Na Uy. Nhà chức trách cảnh báo những người già, đặc biệt người trên 80 tuổi và có bệnh nan y sẽ có nguy cơ tử vong cao do tác dụng phụ của việc chủng ngừa.