Thế giới dõi theo khi Anh bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19
Đối ngoại - Ngày đăng : 20:55, 07/12/2020
Anh ngày 2/12 đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vắc xin Covid-19 do hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) hợp tác phát triển. Chính phủ Anh đã bật đèn xanh cho vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech sau một khuyến nghị từ Cơ quan Quản lý Thuốc và các Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe (MHRA).
Kể từ ngày 8/12, Anh sẽ tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech cho các đối tượng đầu tiên trong một chiến dịch mà Giám đốc Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) Stephen Powis dự đoán có thể là một chiến dịch tiêm chủng phức tạp và lớn nhất trong lịch sử quốc gia châu Âu này. Vắc xin của Pfizer/BioNTech được tiêm 2 liều, cách nhau 21 ngày.
Thế giới đang dõi theo Anh khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19, sau khi có các chỉ trích tại châu Âu và Mỹ về tốc độ phê chuẩn vắc xin của London.
Khó khăn rất lớn về hậu cần
Các khó khăn về hậu cần trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin được cảnh báo sẽ rất lớn. Vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech phải được lưu trữ theo các lô gồm 975 liều ở nhiệt độ -70 độ C, vốn không dễ chia thành các lô nhỏ hơn để cất trữ tại các trại dưỡng lão, nơi các thành viên dự kiến là những người được tiêm đầu tiên. Vắc xin chỉ có thể được vận chuyển nhiều nhất 4 lần và phải sử dụng trong vòng 5 ngày.
June Raine, giám đốc điều hành của MHRA, cho hay cơ quan này giờ đây đã phê chuẩn bị pháp để chia tách các lô vắc xin, nhưng việc này phải được thực hiện một cách rất cẩn thận để đảm bảo rằng không một liều vắc xin nào bị hỏng.
Theo Bộ trưởng Y tế Matt Hancock, nước Anh tuần này sẽ bước vào thời khắc lịch sử khi chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 bắt đầu. Những người dễ bị tổn thương nhất và những người già trên 80 tuổi, các nhân viên nhà dưỡng lão và các nhân viên y tế sẽ nằm trong số những người đầu tiên được tiêm vắc xin.
Các mũi tiêm vắc xin đầu tiên sẽ được tiêm tại 50 bệnh viện ở Anh và các cơ sở khác tại Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland cho những người trên 80 tuổi, một số người có thể là các thành viên nhà dưỡng lão có khả năng đi lại được. Đội ngũ nhân viên của NHS đã làm việc thông cuối tuần qua để chuẩn bị cho các cơ sở tiêm chủng và lên danh sách những người được đề nghị tiêm phòng đầu tiên.
Để đảm bảo rằng không vắc xin hoặc thời gian nào bị lãng phí, các cuộc hẹn dự phòng cũng được sắp xếp cho các nhân viên y tế có nguy cơ cao mắc Covid-19. Các bác sĩ nằm trong danh sách dự phòng bắt đầu từ tuần tới. Biện pháp này sẽ bắt đầu với số lượng nhỏ nhưng sau đó sẽ mở rộng dần. Các trung tâm tiêm vắc xin quy mô lớn tại các địa điểm rộng như các sân vận động bóng đá sẽ không được mở cho tới khi có thêm vắc xin Pfizer/BioNTech hoặc các vắc xin Covid-19 vào đầu năm tới.
Chương trình tiêm chủng có thể mất nhiều tháng
Anh đã mua 40 triệu liều vắc xin Pfizer/BioNTech để phục vụ 20 triệu người đầu tiên, nhưng phần lớn số vắc xin này chỉ đến vào đầu năm tới. Trong số đó, 4 triệu liều dự kiến tới Anh trước cuối năm nay.
"Điều quan trọng là mọi người phải chờ đợi để NHS liên lạc về việc tiêm vắc xin. Một cuộc tập dượt tích cực, quy mô lớn đã diễn ra tại các bệnh viện cùng các đối tác địa phương để xác định và liên tạc với những người đầu tiên trong danh sách. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng tiến trình diễn ra suôn sẻ nhất có thể", Saffron Cordery, phó giám đốc của NHS Providers, cho biết.
Tính tới ngày 7/12, Anh có khoảng 1,7 triệu người mắc Covid-19. Nước này hôm qua đã ghi nhận hơn 17.000 ca mắc mới, và 231 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên con số 61.245.
Giám đốc Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) Stephen Powis cảnh báo rằng việc Anh phê chuẩn vắc xin Covid-19 trong thời gian ngắn kỷ lục và việc triển khai tiêm chủng nhanh chóng không đồng nghĩa với việc đại dịch sẽ sớm được kiểm soát. Đây sẽ là một cuộc chạy đường dài chứ không phải chạy nước rút, ông nói.
"Sẽ mất nhiều tháng để chúng ta có thể tiêm vắc xin cho tất cả những người cần thiết", ông Powis nói với hãng tin Sky News.