Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy: Điều kỳ diệu của Tết Việt

Xã hội - Ngày đăng : 09:30, 10/02/2021

Tết của người Việt có ba ngày đầu năm âm lịch, được mặc định là dịp dành riêng cho ba mối quan hệ rất đặc biệt và thiêng liêng: Mồng một Tết Cha, mùng hai Tết mẹ và mùng ba Tết thầy.

Người Việt và 3 mối quan hệ thiêng liêng

Người Việt chuẩn bị đón năm mới. Năm mới ấy được gọi bằng một ngôn ngữ rất riêng và đặc biệt: Tết.

Chẳng ai biết chính xác Tết bắt đầu từ khi nào, hay xuất hiện trong bối cảnh cụ thể nào, nhưng ai cũng biết rằng Tết được hiểu là khoảng thời gian dành riêng để củng cố và sưởi ấm những kết nối.

Tết của người Việt có ba ngày đầu năm âm lịch, được mặc định là dịp dành riêng cho ba mối quan hệ rất đặc biệt và thiêng liêng: Mùng một Tết Cha, Mùng hai Tết Mẹ, và mùng ba Tết thầy.

Người Việt tin rằng, cả ba mối quan hệ này đều liên hệ trực tiếp và chặt chẽ đến sự xuất hiện, phát triển và trưởng thành của mỗi người. Vì thế cả ba mối quan hệ đó rất quan trọng.

Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy: Điều kỳ diệu của Tết Việt - 1

Tết của người Việt có ba ngày đầu năm âm lịch, được mặc định là dịp dành riêng cho ba mối quan hệ rất đặc biệt và thiêng liêng (Ảnh: Internet).

Tết Cha: Cha là đấng sinh thành, cho chúng ta kiếp người hiện tại để có tương lai đang đến.

Tết Cha, vì nhờ có Cha, chúng ta được lớn lên mỗi ngày, và Tết Cha, vì "công Cha như núi ngất trời. Nghĩa Mẹ như nước ở ngoài biển Đông. Núi cao biển rộng mênh mông. Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi".

Chỉ riêng những điều này, cũng đủ để người Việt dành trọn ngày mùng một để Tết Cha.

Tết Mẹ: Mẹ không chỉ đại diện cho dòng họ bên ngoại. Mẹ chính là người đã mang nặng, đẻ đau và sinh chúng ta ra trong cuộc đời này.

Cùng với cha, mẹ hy sinh cả cuộc đời để nuôi dạy chúng ta nên người. "Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".

Vì vậy, mẹ xứng đáng có trọn vẹn ngày mồng hai tết để đón nhận nơi chúng ta, những người con, tình yêu thương như một sự bù đắp cho những hy sinh to lớn và sự tần tảo của mẹ.

Tết Thầy: Dân gian ta có câu, "Không có thầy đố mầy làm nên". Thầy khai sáng trí tuệ chúng ta để chúng hiểu về giới hạn của chính mình, và sự bao la của thế giới.

Sâu thẳm hơn, thầy dạy chúng ta trở thành những con người, giúp chúng ta biết dùng trí để từ bỏ sân si, nhận ra vô thường để buông bỏ những tầm thường, biết đúng-sai, và biết nghĩ đến mình, nhưng cũng biết nghĩ đến người.

Tất cả những mối quan hệ này là hệ trọng và thiêng liêng, vượt qua khả năng thay thế, hay bù đắp của vật chất, hoặc bất kỳ điều gì khác.

Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy: Điều kỳ diệu của Tết Việt - 2

Tết cha, tết mẹ, tết thầy, 3 mối quan hệ này là hệ trọng và thiêng liêng, vượt qua sự thay thế của vật chất. (Ảnh: Internet).

Đừng đo Tết bằng những điều thực dụng

Ngày Tết của người Việt là dịp được dành riêng cho những mối quan hệ thiêng liêng trên đây nhưng không giới hạn ở đó.

Ngày Tết cũng được xem là dịp để người sống sưởi ấm người quá vãng. Vì tất cả những điều này, nên đừng đo giá trị của ngày Tết bằng thước đo của số thu nhập sẽ được tạo ra nếu không có Tết, hay nếu bỏ Tết.

Đừng đo sự thiêng liêng của Tết bằng những được-mất vật chất tầm thường. Cuộc sống của con người khác hẳn với sự vận hành của những cỗ máy vô hồn, hay của bất kỳ loài nào khác.

Năm nay, thế giới đón Tết dương lịch trong bối cảnh rất kỳ lạ. Người dân ở nhiều quốc gia đã không thể vui mùa lễ hội như vẫn thường thấy, bởi đại dịch Covid-19.

Đại dịch giúp ta kịp nhận ra, có những khái niệm cần được định nghĩa lại. Thiên đường chỉ trong sách vở, "an toàn sinh mạng" mới thực sự gần gũi và quan trọng.

Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy: Điều kỳ diệu của Tết Việt - 3

Đừng đo sự thiêng liêng của Tết bằng những được-mất vật chất tầm thường. (Ảnh: Internet).

Tôi nghĩ rằng, một khi vượt qua được những rào cản của những giới hạn về bản thân hay rũ bỏ được những định kiến, ở mức tối thiểu nhất, bất kỳ ai ở trên dải đất hình chữ S này đều nhận thấy, chúng ta đang là những người may mắn.

Dù dịch bệnh bùng phát trở lại nhưng với những gì đang diễn ra, hy vọng chúng ta vẫn bình yên để có thể cảm nhận trọn vẹn sự thiêng liêng của Tết.

Để có sự bình yên, những người lính trẻ đã lên đường đi về miền biên viễn. Những "thiên thần áo trắng" và cả những người chịu trách nhiệm nơi tuyến đầu cũng đã lên đường đi về vùng dịch để ngăn nó lây lan.

Tất cả sẽ "đón" Tết ở đó với niềm kiêu hãnh và sự phục vụ thầm lặng. Nhận biết được điều này, mới thấu hiểu hết tính đạo đức và sự minh triết.

Tết của người Việt, mùa của những kết nối thiêng liêng, đang đến. Chúc mọi người và mọi nhà đón Tết vui, bình an và hạnh phúc!

TS. Đặng Ngọc Toàn