Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt

Xã hội - Ngày đăng : 07:49, 31/10/2020

Sạt lở đã làm nhiều khu vực ở H. Phước Sơn (Quảng Nam) bị cô lập, người dân đứng trước nguy cơ thiếu ăn. Giải pháp vác lương thực băng rừng tiếp tế được lựa chọn để giải quyết tình trạng trên.

Theo thống kê sơ bộ của tỉnh Quảng Nam, sau bão số 9, tại huyện Phước Sơn có khoảng 1.000 điểm sạt lở lớn nhỏ làm nhiều khu vực dân cư của huyện này bị cô lập.

Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 1
Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 2

Sau bão số 9 nhiều vùng dân cư ở huyện Phước Sơn bị cô lập do nước lũ dâng cao, sạt lở

Do bị cô lập nhiều ngày, nên người dân nơi đây thiếu các loại nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm để chờ ngày giao thông được thông suốt. Trước tình hình khó khăn này, nhiều chuyến hàng được người dân và lực lượng chức năng cõng bộ nhiều ki lô mét đường rừng để tiếp tế vào khu vực bên trong.

Vừa cõng hơn chục kg gạo vào cho người dân khu vực bị chia cắt ở xã Phước Công, anh Hồ Văn Trừng cho biết: Mình cũng là người dân ở đây, thấy mọi người và anh em công nhân thi công thủy điện Đắk – Min bị cô lập do sạt lở nên mình mang lương thực, thực phẩm vào để họ có cái ăn.

Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 3

Do bị chia cắt, cô lập nên người dân ở khu vực này đang đứng trước nguy cơ thiếu lương thực, thực phẩm

“Tình trạng sạt lở ở khu vực này rất nặng, có thể 15 – 20 ngày nữa thì giao thông ở đây mới được thông suốt. Sợ mọi người thiếu cái ăn, cái mặc nên mình và nhiều anh em khác mang lương thực, thực phẩm đi bằng đường bộ vào cho họ. Thấy hoạn nạn thì mình giúp thôi, sau này mình có bị gì thì họ giúp lại” – anh Trừng chia sẻ.

Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 4

Anh Trừng cùng nhiều người khác vừa vượt rừng cõng lương thực vào vùng bị cô lập

Quan sát của PV Dân trí tại khu vực này vào sáng ngày 30/10, ngoài anh Trừng, trong một buổi sáng đã có hàng chục lượt người mang đủ các loại nhu yếu phẩm như gạo, mỳ, trứng, dầu, xăng…đi vào các vùng cô lập.

Nói về tình trạng cung cấp lương thực, thực phẩm vào các vùng bị cô lập, ông Hồ Văn Mác, Chủ tịch xã Phước Công cho biết: Qua thống kê sơ bộ 90% cầu cống, đường sá ở xã đã bị hư hỏng nên hầu hết các vùng ở địa phương bị cô lập chia cắt. Hiện tại, địa phương đã huy động lực lượng và người dân cõng lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho bà con.

“Trong những ngày tới việc tiếp tế cho bà con sẽ được tiếp tục, đảm bảo người dân không thiếu ăn khi bị cô lập. Về lâu dài địa phương mong muốn, các cấp các ngành quan tâm, sớm sửa chữa lại các đoạn đường, cầu cống đã hư hỏng để người dân được thuận lợi đi lại” – ông Mác kiến nghị.

Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 5
Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 6

Người dân cõng hàng vào khu vực bị cô lập

Trực tiếp chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tại huyện Phước Sơn, ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng Ban Nội chính tỉnh Quảng Nam cho biết: Đến thời điểm hiện tại, huyện Phước Sơn có khoảng 1.000 điểm sạt lở lớn nhỏ. Trong khi đó phương tiện cơ giới để sửa đường ở địa phương rất hạn chế, nên có thể chỉ trong vòng vài ngày tới nhiều khu vực dân cư sẽ thiếu ăn, thiếu mặc vì vậy cần phải lên nhiều phương án để tiếp tế cho người dân.

Quảng Nam: Dân băng rừng vác lương thực tiếp tế vào nơi bị sạt lở chia cắt - 7

Theo ông Hà, nếu thời tiết thuận lợi sẽ dùng trực thăng thả hàng tiếp tế cho người dân ở các vùng bị cô lập

“Ngoài vấn đề cứu hộ, cứu nạn, huyện Phước Sơn cần phải khẩn trương lên phương án cõng lương thực, thực phẩm vào các vùng bị chia cắt. Vùng nào đặc biệt khó khăn, thì chờ thời tiết thuận lợi chúng ta dùng trực thăng để thả hàng tiếp tế cho người dân, chờ giao thông thông suốt trở lại” – ông Hà yêu cầu.