Thủ tướng quyết định ACV đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, gần 11.000 tỷ đồng
Xã hội - Ngày đăng : 19:23, 19/05/2020
Cụ thể, Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với những nội dung chủ yếu:
Thủ tướng vừa chấp thuận đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất, giao ACV là nhà đầu tư với số vốn gần 11.000 tỷ đồng. |
Mục tiêu dự án nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại sân bay tế Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Lon g Thành và Tân Sơn Nhất, giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Về quy mô, ngoài nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất đạt tiêu chuẩn quốc tế, công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, dự án còn thực hiện mở rộng sân đỗ máy bay, các hạng mục phụ trợ xây dựng đồng bộ như hệ thống kỹ thuật, giao thông nội bộ, hệ thống thoát nước mặt, nước thải.
Tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 10.990 tỉ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Tiến độ thực hiện dự án là 37 tháng kể từ khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
Thủ tướng giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm về các thông tin, số liệu báo cáo tại hồ sơ dự án và các nội dung thẩm định hồ sơ dự án tại văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư theo quy định của pháp luật; bảo đảm ACV có đủ điều kiện được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo tiến độ và các quy định của pháp luật về đầu tư và đất đai.
Nhà ga hàng không Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng. |
Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm về việc đề xuất giao ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của ACV. Tổ chức thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành đối với dự án trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, sử dụng nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xác định ranh giới khu vực sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng và khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý theo quy định.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn ACV triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư dự án theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, hiệu quả đầu tư của dự án và an toàn trong quá trình thi công xây dựng, vận hành khai thác công trình.
Theo quyết định của Thủ tướng, dự án sẽ xây dựng xong trong 37 tháng tính từ khi khi phê duyệt chủ trương đầu tư. |
Bộ Quốc phòng có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP.HCM, ACV và các cơ quan liên quan thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất từ đất quốc phòng sang đất giao thông, trình Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Tổ chức thực hiện trình tự, thủ tục bàn giao đất thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.
Theo quyết định của Thủ tướng, dự án sẽ xây dựng xong trong 37 tháng tính từ khi khi phê duyệt chủ trương đầu tư.
ACV cho biết, sau 12 tháng thực hiện chuẩn bị đầu tư, ACV sẽ triển khai bước đầu tư xây dựng và hoàn tất sau 24 tháng; 1 tháng tiếp theo sẽ dành cho công tác xin cấp phép hoạt động. ACV khẳng định cam kết triển khai dự án theo đúng tiến độ.
Về tổng mức đầu tư gần 11.000 tỷ đồng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, trong giai đoạn chủ trương đầu tư, phương pháp tính toán và dự kiến sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án như của ACV đưa ra có thể chấp nhận được.
Ở bước lập báo cáo khả thi tiếp theo, Bộ KH&ĐT lưu ý ACV cần tiếp tục rà soát quy mô, khối lượng các hạng mục thuộc Dự án bảo đảm đúng định mức kinh tế kỹ thuật. ACV phải chịu trách nhiệm về nội dung, phương pháp tính toán và sự phù hợp khối lượng và đơn giá áp dụng để xác định tổng mức đầu tư dự án bảo đảm hiệu quả đầu tư.