Đua xây sân bay, sao không dành nguồn lực làm đường cao tốc?

Xã hội - Ngày đăng : 11:53, 17/03/2021

PGS.TS Ngô Trí Long cảnh báo “cơn khát” sân bay trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn sẽ lãng phí nguồn lực về vốn, tài nguyên đất đai cùng nhiều hệ lụy khác.

Dư luận gần đây không khỏi sửng sốt khi có đến hàng chục địa phương đề xuất xây mới hoặc nâng cấp sân bay ngoài dự thảo quy hoạch hàng không. Nguyên nhân xuất phát từ việc hàng loạt cảng hàng không đang liên tục thua lỗ. Trong khi hiệu quả chưa thấy nhưng gánh nặng về ngân sách ngày càng chất chồng.

Vì sao địa phương “khát” sân bay?

PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá (Bộ Tài chính), cho rằng câu chuyện các địa phương đua xin xây sân bay không phải bây giờ mới có. Khoảng 10 năm trước, “cơn khát” sân bay từng bùng lên. Dù có hàng loạt lý do được đưa ra khi đề xuất nhưng thực tế cho thấy bức tranh khá ảm đạm, không ít sân bay hoạt động cầm chừng.

“Nhiều lãnh đạo địa phương muốn để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình, hoặc suy nghĩ khi có hạ tầng hàng không sẽ dễ dàng thu hút đầu tư, tạo lợi thế phát triển… Tuy nhiên việc xây dựng sân bay phải căn cứ vào điều kiện thực tế, với những tiêu chí rất chẽ, chứ không phải theo phong trào anh có tôi cũng có”, ông Long nói.

Đua xây sân bay, sao không dành nguồn lực làm đường cao tốc? - 1

Việc thu xếp vốn cho sân bay Long Thành (Đồng Nai) vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Dẫn số liệu thống kê của ngành giao thông, ông Long cho hay, hiện cả nước có 23 sân bay thì chỉ 6 kinh doanh có lãi (hoặc mới bắt đầu có lãi). Do đó, quy hoạch sân bay cần thực tế, theo nhu cầu thị trường, người dân... vì đầu tư sân bay rất tốn kém.

Không thể đua nhau xây dựng sân bay theo kiểu ngẫu hứng, làm theo phong trào.

Vẫn theo ông Long, trường hợp các địa phương dùng vốn xã hội hóa cũng cần thận trọng, tính toán kỹ lưỡng. Bởi dù đầu tư từ vốn nhà nước hay tư nhân, nếu không hiệu quả đều lãng phí nguồn lực xã hội. Trong bối cảnh đất nước còn nghèo, nguồn lực vốn, tài nguyên cần sử dụng hiệu quả, các địa phương không thể đua nhau xây dựng sân bay theo kiểu ngẫu hứng, làm theo phong trào.

“Những lợi thế to lớn mà cảng hàng không có thể đem lại cho một địa phương là điều không thể phủ nhận, nhất là phát triển du lịch, kết nối giao thương và kêu gọi đầu tư. Nhưng quy hoạch hàng không thì không thể chỉ cục bộ địa phương mà phải tính đến sự cần thiết, mức độ khả thi, an ninh quốc phòng, khẩn nguy cứu trợ, cũng như điều kiện tự nhiên như vùng trời, thời tiết, đất đai…”, ông Long nhấn mạnh.

Dành nguồn lực làm đường cao tốc

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh hiện tại, thay vì ồ ạt chạy đua đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay nên ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển hệ thống đường cao tốc. Những năm qua, các tuyến cao tốc sau khi đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả rõ rệt về mặt kinh tế, những lợi ích to lớn về mặt xã hội, an ninh quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo và thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Việc đẩy mạnh phát triển cao tốc đường bộ cũng sẽ giúp giảm chi phí vận tải, góp phần giảm chi phí sản xuất hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần cải thiện môi trường đầu tư cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cùng đó, cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và thuận tiện chính là một trong những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư và tăng khả năng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển công nghiệp cả trung ương và địa phương.

“Vận chuyển đường hàng không tốc độ nhanh, an toàn nhưng vì chi phí rất cao, mức độ tiếp cận lại thấp. Trong khi đường bộ cơ động, tiện lợi, lưu lượng lớn. Khi hệ thông đường cao tốc đồng bộ, khai thác tốt được tốc độ sẽ kết nối các trung tâm kinh tế, vùng miền, các khu công nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông”, ông Long nhấn mạnh.

Chạy đua đề xuất xây dựng, nâng cấp sân bay

Theo báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ Giao thông vận tải thực hiện, tư vấn lập quy hoạch đề xuất đến năm 2030 cả nước có 26 sân bay, giảm 2 sân bay do sân bay Nà Sản (Sơn La) và Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.

Định hướng đến năm 2050 cả nước có 30 sân bay gồm 15 sân bay quốc tế và 15 sân bay nội địa. Như vậy, so với giai đoạn đến năm 2030, hệ thống sân bay cả nước có thêm 4 sân bay Nà Sản, Lai Châu, Cao Bằng và sân bay thứ hai cho vùng thủ đô (được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040), không có sân bay ở Tiên Lãng.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều địa phương dù không có trong quy hoạch đã liên tục đề xuất bổ sung sân bay. Trong đó, Ninh Bình đề nghị bổ sung sân bay tại Huyệ Kim Sơn hoặc Huyện Yên Khánh.

Hà Tĩnh đề xuất bổ sung sân bay quốc tế Hà Tĩnh tại H uyện Thạch Hà và Huyện Cẩm Xuyên.

Bình Phước vừa đề nghị bổ sung Cảng hàng không Bình Phước hoặc chuyển sân bay Téc níc Hớn Quản thành sân bay lưỡng dụng.

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị đưa sân bay Cao Bằng vào quy hoạch.

Tỉnh Hà Giang cũng muốn xây dựng sân bay tại Huyện Bắc Quang.

Tỉnh Bắc Giang đề xuất chuyển sân bay quân sự Kép thành sân bay lưỡng dụng.

Tỉnh Ninh Thuận đề xuất quy hoạch sân bay Thành Sơn (nằm ở TP.Phan Rang) hoạt động dân dụng thay vì chỉ hoạt động quân sự như trước.

Ngoài ra, một số tỉnh đã có sân bay đề xuất chuyển Cảng hàng không nội địa thành cảng quốc tế như Liên Khương (Đà Lạt), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Phù Cát (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên)…