Đưa hầm Hải Vân 2 và 3 công trình giao thông vào khai thác trước Tết
Xã hội - Ngày đăng : 19:30, 10/01/2021
Ngày 10/1, Bộ GTVT tổ chức khánh thành giai đoạn 1 dự án nâng cấp, cải tạo đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Việc đưa vào sử dụng đường cất/hạ cánh vừa được nâng cấp tại mỗi sân bay trước dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu, sẽ giúp giảm tải cho 2 sân bay này, tăng thêm nhiều chuyến bay để phục vụ cao điểm Tết.
Hai đường băng nâng cấp của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đưa vào sử dụng sau nửa năm phải tạm đóng cửa để sửa chữa. Tổng vốn đầu tư 2 dự án hơn 4.000 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn. Sau khi kết thúc giai đoạn 1, các nhà thầu sẽ tiếp tục triển khai thi công giai đoạn 2, đảm bảo hoàn thành trước Tết năm 2022.
Ngay sau đó, ngày 11/1, dự án hầm đường bộ Hải Vân 2 cũng được khánh thành đưa vào sử dụng.
Dự án thực hiện theo hình thức BOT. Hạng mục hầm Hải Vân được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1, giai đoạn 2 là xây dựng hầm Hải Vân 2 chạy song song và độc lập với hầm cũ, hầm mới dài 6,2km, rộng 9,7m với 2 làn xe .
Khi đưa vào khai thác, Hải Vân 2 sẽ giải quyết tình trạng quá tải ở hầm Hải Vân 1, đáp ứng nhu cầu di chuyển của phương tiện khi lưu thông một chiều mỗi ống hầm.
Tiếp đó, ngày 12/1, tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bộ GTVT sẽ tổ chức Lễ khánh thành tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, đây là dự án do Bộ GTVT là chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 6.355 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng trong nước.
Dự án có tổng chiều dài 51km, được chia làm 2 gói thầu thi công xây lắp gồm: CW1 nằm trên địa phận TP. Cần Thơ với chiều dài 24,17km, 11km đường gom và 13 cầu và hệ thống thoát nước; CW2 nằm trên địa phận tỉnh Kiên Giang với chiều dài 27km, có 9km đường gom và 14 cầu cùng hệ thống thoát nước.
Dự án được Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 17/1/2016, sau 5 năm triển khai xây dựng, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành, đảm bảo các điều kiện để thông xe, đưa vào khai thác từ 12/1/2021 và chỉ cho phép các phương tiện cơ giới đường bộ được lưu thông trừ mô tô, xe gắn máy.
Khi đưa tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian đi từ TP.Cần Thơ xuống Kiên Giang từ 1 giờ 30 phút xuống còn 50 phút, tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác của tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan đến Việt Nam.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sau khi hoàn thành cùng với các dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Kông (cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống...) góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các địa phương có dự án đi qua nói riêng và khu vực Tây Nam Bộ nói chung, giúp làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế nối liền Campuchia và Thái Lan.
Đồng thời, tiếp tục kết nối với tuyến Mỹ An - Cao Lãnh và tuyến N2 (Đức Hòa - Mỹ An) (là các tuyến đường bộ cao tốc được đầu tư trong tương lai) để tạo thành trục dọc nối từ thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tạo tiền đề cho việc hình thành tuyến cao tốc phía Tây song song với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đến Cà Mau) và cùng với các tuyến cao tốc trục ngang đã được phê duyệt quy hoạch (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) sẽ hình thành mạng lưới đường bộ cao tốc hiện đại, đồng bộ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh khu vực và đất nước./.