Nhiều trường đại học tăng học phí 'chóng mặt': Bộ GD&ĐT nói gì?

Xã hội - Ngày đăng : 17:12, 17/04/2021

Việt BáoBộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học.

ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/ năm học.

Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/ năm học

Lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015?NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.

ĐH Ngoại thương thông báo, học phí dự kiến với chương trình đại trà là 20 triệu đồng/sinh viên/năm. Học phí chương trình chất lượng cao dự kiến là 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến dự kiến 60 triệu đồng/năm.

Ảnh minh họa: Internet

Học viện ngân hàng công bố mức học phí năm học 2021-2022 sẽ áp dụng theo quy định mới về khung học phí. Học phí các chương trình tiên tiến, chất lượng cao hoặc học bằng tiếng Anh là 130 triệu đồng/ 4 năm.

Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học CityU) dao động từ 120-160 triệu đồng/4 năm.

Chương trình cử nhân quốc tế (liên kết với Đại học Sinderland, Vương quốc Anh) học phí khoảng 315 triệu đồng bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng.

Chương trình cử nhân định hướng Nhật Bản cấp bằng đại học chính quy của Học viện ngân hàng là 108 triệu đồng cho 4 năm học.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đưa ra mức học phí năm 2021 dự kiến cho chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm; các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến và chất lượng cao (ELiTECH) từ 40 - 45 triệu đồng/năm.

Các chương trình như: Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10, IT-E10x); Công nghệ thông tin Việt Pháp (IT-EP, IT-EPx); Logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14, EM-E14x) đều có học phí từ 50 - 60 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, học phí của chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế từ 45 - 50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế từ 55 - 65 triệu đồng/năm; chương trình hợp tác đào tạo với ĐH Troy khoảng 80 triệu đồng/3 kỳ/năm.

Lãnh đạo trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, theo lộ trình tăng học phí từ năm 2020 đến 2025, mức tăng trung bình khoảng 8%/năm học và không vượt quá mức 10%/năm học đối với từng chương trình đang triển khai đào tạo để phù hợp với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo vào học phí đến năm 2025.

Về vấn đề tăng học phí của các trường đại học, lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT) cho biết, các cơ Sở giáo dục công lập thực hiện thu học phí theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP. Mức tăng học phí bình quân 10%/năm.

Các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được tự chủ quyết định mức thu học phí trên cơ sở đảm bảo các điều kiện chất lượng đào tạo, không quy định khung, mức trần học phí.

Tuy nhiên, tất cả cơ sở giáo dục phải công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí và khoản thu dịch vụ khác cho cả lộ trình, khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục.

Bên cạnh đó, nhà trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo quy định.

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Ngoài ra, nghị định dự thảo lần này với nhiều chính sách mới, có ý nghĩa lớn, gắn mức thu học phí không chỉ theo mức độ tự chủ tài chính của các trường công lập mà quan trọng hơn còn gắn với kết quả kiểm định chất lượng GD&ĐT của các cơ sở GD&ĐT công lập.

Cũng Theo lãnh đạo vụ Kế hoạch - Tài chính, đây là điểm mới mà Nghị định 86 chưa quy định đến, nhằm đảm bảo mức thu học phí tương xứng với chất lượng GD&ĐT.

Minh An