Làm sao để không lạc lối giữa'ma trận' ngành nghề...?

Xã hội - Ngày đăng : 21:23, 16/04/2021

Việt BáoKỳ tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2021 đang bước vào giai đoạn cao điểm. Trước vô số những thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, nhiều thí sinh và phụ huynh cảm thấy như lạc vào “ma trận”trước việc chọn ngành, chọn nghề phù hợp. Liệu các thí sinh chưa tròn 18 tuổi có đủ tự tin và bản lĩnh để đưa ra lựa chọn đúng đắn? Rồi lỡ chọn sai, ai sẽ chịu trách nhiệm cho tương lai của họ?

Để giúp đỡ cho phụ huynh và thí sinh có thêm đầy đủ thông tin, TS Ngô Minh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Gia Định, đã có những chia sẻ đa chiều, khách quan về thực tế đào tạo của các trường, với hi vọng giúp phụ huynh và thí sinh có thể sáng suốt lựa chọn, hoặc thêm tự tin với lựa chọn nghề nghiệp, tránh vấp phải một số bẫy truyền thông hoặc tư duy, ảnh hưởng không tốt tới tương lai.

Bẫy thứ nhấtChọn ngành HOT và dễ xin việc làm

Xu thế tự chủ mở ngành và chạy theo số lượng tuyển sinh dẫn tới việc các Trường mở ra các ngành rất thời thượng và tên gọi rất hấp dẫn. Nếu để ý, cách đây 10 năm xu thế cũng như vậy cho các ngành Quản trị kinh doanh, Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Kiểm toán… dẫn tới hệ quả là cung vượt cầu, chưa kể là các ngành quá chuyên sâu nên sự thiếu linh hoạt trong chuyển đổi ngành nghề, hoặc thiếu kiến thức tổng quát để có thể hoàn thành yêu cầu công việc.

Bẫy thứ 2Quảng cáo chỉ là quảng cáo

Khi quan tâm chọn trường, phụ huynh và thí sinh phải tìm hiểu rất kỹ thông qua website, facebook, cộng đồng, sinh viên, cựu sinh viên, hoặc cả confession của Trường mới có đầy đủ thông tin. Thực tế, rất ít thầy cô được/có đi làm/ trải nghiệm tại môi trường kinh doanh; hoặc rất ít trường có đủ cơ sở vật chất/ phòng thí nghiệm, mô phỏng được như bên ngoài doanh nghiệp. Do đó; một là các trường phải đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất và đội ngũ, hoặc là phải có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và sâu rộng với doanh nghiệp, khi đó lời hứa đào tạo gắn với việc làm mới có giá trị.

Bẫy thứ 3: tư vấn không vì người học

Bối cảnh CMCN 4.0 và Khủng hoảng Covid 19 đã làm thay đổi toàn diện xã hội và bức tranh đào tạo đại học. Nếu tư duy cũ, đào tạo đại học sẽ đào tạo được một con người đạt chuẩn, sẵn sàng cho thị trường lao động đã không còn đúng nữa. Cách các trường và Bộ GDĐT quản lý danh mục ngành nghề như hiện tại đã bộc lộ điểm yếu ở tính linh hoạt và năng lực dự báo. Đơn cử như các ngành đang hot hiện tại như Food Reviewer, Vlogger, Game Streamer… lại không thuộc một khối ngành cụ thể nào nhưng lại đòi hỏi kiến thức liên ngành và năng khiếu rất nhiều.

Như vậy, việc tư vấn không phải là gượng ép “chào bán” một ngành nghề nào đó cho thí sinh và phụ huynh, mà phải trở thành người bạn, người cố vấn, người dẫn đường, giúp thí sinh hiểu rõ bản thân, năng lực, nguồn lực, đam mê, sở thích… để rồi họ tự chọn, tự tìm ra lộ trình nghề nghiệp tương lai, bắt đầu từ việc lựa chọn đúng môi trường học tập phù hợp.

Ảnh minh họa: Internet

Để có thể có một lựa chọn ngành nghề phù hợp, TS Ngô Minh Hải gợi ý 3 bước chọn ngành, hướng nghề như sau:

Bước 1Hiểu rõ chính mình

Mỗi một ngành nghề đều có những yêu cầu đặc thù về năng khiếu cũng như năng lực khác nhau để thành công. Nếu bạn có khả năng ngôn ngữ, thích giao tiếp, các ngành về sư phạm, truyền thông, kinh doanh là phù hợp; Nếu bạn yêu thích tính toán, con số, logic, sự hoàn hảo, các ngành liên quan tới tài chính, kiểm toán sẽ là thế mạnh; Nếu bạn thích vận động; yêu cái đẹp, các ngành liên quan tới nghệ thuật sẽ là lựa chọn hợp lý.

Nghề nghiệp lý tưởng chính là sự giao thoa giữa thứ bạn thích; điều bạn có khả năng, và quan trọng nhất, thứ xã hội cần. Trắc nghiệp Holland là một điểm khởi đầu tốt để bạn có thể bước đầu hiểu rõ chính mình. Nhưng tìm hiểu không là chưa đủ, trải nghiệm, tìm tòi khám phá sẽ giúp các bạn định hình rõ hơn về tương lai. Mặc dù công việc (jobs) sẽ luôn sinh ra và mất đi, nhưng ngành (industry) thì luôn tồn tại và luôn cần người giỏi thực sự.

Bước 2Chọn ngành, lĩnh vực phù hợp

Về nguyên tắc, học rộng thì bớt sâu, học sâu thì bớt tổng quát. Các trường ở Việt Nam hiện nay chưa truyền thông rõ về hệ thống phân loại ngành nghề; hoặc nếu có thì còn tương đối cứng nhắc và thiếu linh hoạt nên dẫn tới sự khó hiểu cho thí sinh và phụ huynh.

Hệ thống phân loại ngành nghề có thể được giải thích nôm na như sau: gồm có ngành chính (major) – là ngành được ghi trên văn bằng tốt nghiệp. Ví dụ như ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính – Ngân hàng, Đông Phương Học…; trong ngành chính có nhiều ngành chuyên sâu (concentration) – được thể hiện trên bảng điểm.

Ngành Chính (major) học rộng và tổng quát trước khi yêu cầu sinh viên chọn chuyên sâu để theo đuổi một nghề nghiệp cụ thể. Ví dụ như bạn chọn ngành Quản trị kinh doanh; nhưng trên bảng điểm thể hiện bạn học chuyên sâu về Quản trị nhân sự, Quản trị khởi nghiệp, Quản trị chất lượng… ngoài cơ hội việc làm của ngành chuyên sâu, bạn cũng có thể học bổ sung một số kiến thức ngành gần để mở rộng cơ hội việc làm, ví dụ như quản trị du lịch, marketing… những ngành có liên quan gần đến ngành học chính (Quản trị kinh doanh) của bạn.

Ngành nhỏ/ ngành phụ (minor) thường dùng cho các ngành thuộc khối sức khỏe, kỹ thuật hoặc các ngành đòi hỏi tính chuyên môn rất cao, học gắn với thực hành và nghề nghiệp cụ thể, ví dụ như điều dưỡng, nha khoa, quản trị bệnh viện… các ngành này được ghi trên văn bằng tốt nghiệp cùng bảng điểm cùng chuyên ngành tương ứng.

Khi một số trường lựa chọn mở ngành quá chuyên sâu, ví dụ như Quan hệ công chúng, Thiết kế xanh, Trí tuệ nhân tạo… mặc dù nghe rất thời thượng, nhưng vô hình dung lại tự khép lại khe cửa hẹp về việc làm và cơ hội nghề nghiệp của sinh viên tương lai.

Bước 3Chọn trường yêu thích

Đây là bước quan trọng nhất vì đây chính là nơi sẽ gắn bó với chúng ta ít nhất hơn 3 năm cùng thầy cô, bè bạn. Ngoài những thông tin chính thống từ trường, thí sinh còn có thể tham khảo rất nhiều nguồn khác nhau như sinh viên, giảng viên, cựu sinh viên, doanh nghiệp, chuyên gia, cán bộ công nhân viên cũng như các tổ chức kiểm định độc lập, thậm chí cả các confession, mạng xã hội, cộng đồng review trên mạng.

Nguồn thông tin tham khảo cần được phân tích tổng quát thay vì phiến diện từ người thân hoặc các kênh mạng xã hội chưa được kiểm chứng. Nếu các trường có triết lý đào tạo rõ ràng; chương trình đào tạo tiên tiến, liên kết hợp tác cụ thể với doanh nghiệp; hoạt động sinh viên, cộng đồng alumni phong phú, thông tin công khai, minh bạch… sẽ là môi trường phù hợp cho sự phát triển trong tương lai.

Qua trao đổi cùng TS. Ngô Minh Hải, thí sinh cần hiểu nhất là chính mình; và không có câu trả lời nào tốt hơn thực tế và trải nghiệm. Do đó, để lựa chọn tương lai và gửi gắm kì vọng của cả gia đình, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để chọn những trường đại học nói được làm được, nói ít làm nhiều, đưa doanh nghiệp đến với sinh viên, tạo cơ hội việc làm và khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường.

Minh An