Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách

17/02/2024 07:01

Hàng năm gắn với Khu di tích lịch sử Pò Hèn (Quảng Ninh), địa phương đã tổ chức các sự kiện Lễ hội Hoa sim biên giới, Chợ phiên Pò Hèn,… thu hút nhiều du khách, tăng thu nhập cho người dân nơi đây.

Nhiều năm nay, cái tên Pò Hèn đã trở nên quen thuộc với người dân Việt Nam, bởi nơi đây từng là chiến địa của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, ngày 17/2/1979.

Niềm vui lớn nhất của những người lính từng cầm súng bảo vệ biên giới phía Bắc ở trận địa trên, cũng như nhân dân miền biên ải Đông Bắc của Tổ quốc là Khu di tích lịch sử Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh) được cấp Bằng xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia, vào tháng 9/2022.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 1

Khoảng 10 năm trước để đi từ TP Móng Cái đến Pò Hèn, du khách phải di chuyển trên cung đường 18C nhỏ hẹp dài 34km với nhiều ổ voi, ổ gà,… men dọc theo bờ Nam của dòng sông Ka Long mất khoảng 2 giờ đồng hồ.

Thì nay, được sự quan tâm của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, tuyến đường quốc lộ 18C vào Pò Hèn đã được đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện đi vào sử dụng từ tháng 9/2023, khiến việc di chuyển từ Móng Cái vào Pò Hèn dễ dàng và rút ngắn xuống còn dưới 1 tiếng.

Khoảng 1 giờ ngồi trên xe di chuyển vào Pò Hèn men dọc theo dòng sông Ka Long uốn khúc quanh co, hai bên đường đã xuất hiện nhiều những ngôi nhà mang dáng dấp biệt thự.

Hình ảnh này ở vùng biên ải còn mang một thông điệp khác về đời sống, đó là cuộc sống của người dân nơi đây đã đổi thay, phát triển lên từng ngày.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 3

Nhóm phóng viên thực hiện bài viết này cũng từng có dịp dọc ngang nhiều tuyến đường biên giới, mỗi khi nhìn thấy những cung đường biên giới nhỏ hẹp, nhếch nhác, những căn nhà gỗ với mái lợp fibro xi măng xám màu mà lòng buồn man mác. Chúng tôi cũng không thể không chạnh lòng khi nhìn sang bên kia biên giới là phố xá tấp nập xe cộ, sầm uất.

Bởi thế, một cung đường được trải nhựa êm du khi xe di chuyển như quốc lộ 18C nói trên, hay những ngôi nhà mới mọc lên khang trang ở miền biên ải mà nhóm phóng viên tận thấy, đó thực sự là niềm vui về sự đổi thay về đời sống của bà con biên giới.

Chúng tôi ghé thăm xã Hải Sơn trong những ngày thời tiết mưa phùn, giá rét của miền biên ải. Tiếp chúng tôi là Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Hải Sơn Nịnh Văn Sáng.

Bên ấm trà nóng thơm nồng, vừa mời khách chén trà, ông Sáng nhấp ngụm để xua tan cái giá lạnh, hồ hởi khoe "Giờ các anh về đây xã thay đổi nhiều rồi. Trước đây các anh đi từ Móng Cái về đây vất vả lắm, nhưng từ khi được nhà nước nâng cấp tuyến đường 18C, việc đi lại đã dễ dàng, tạo thuận lợi cho bà con giao thương hàng hóa với các vùng khác".

Không chỉ đường liên tỉnh, mà 100% các tuyến đường liên xã, đường làng, ngõ xóm ở xã Hải Sơn đều được bê tông hóa khang trang, sạch đẹp.

Giới thiệu sơ bộ về xã Hải Sơn, ông Sáng cho biết: Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cách trung tâm TP Móng Cái 34km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 5

Phía Đông giáp xã Bắc Sơn, phía Nam giáp xã Quảng Nghĩa và xã Hải Tiến, phía Tây giáp xã Quảng Đức (huyện Hải Hà), phía Bắc giáp thôn Thán Sản, trấn Na Lương, khu Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), với đường biên giới dài hơn 12km.

Địa hình của xã chủ yếu là đồi núi, dân cư thưa thớt. Đơn vị hành chính của xã có 3 thôn (Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún). Dân số toàn xã có trên 1.500 người, gồm 3 thành phần dân tộc (Kinh, Dao, Sán Chỉ), trong đó dân tộc thiểu số chiếm 86,8%.

Xã biên giới hoang sơ ngày nào nay đã dần thay da đổi thịt bằng những ngôi nhà kiên cố. Đời sống nhân dân trong xã không ngừng được nâng lên, những con đường đất đã được thay bằng đường nhựa thuận lợi cho ô tô tới tận các điểm đến.

Bí thư kiêm Chủ tịch xã Hải Sơn Vũ Tuấn Anh là một cán bộ trẻ, mới nhận nhiệm vụ ở đây tầm 2 năm.

Hải Sơn giờ khang trang, sạch đẹp, các khu vườn, đồi, trang trại, gia trại của bà con ngày càng phát triển. Trong xã có nhiều hộ đã trở thành hộ khá, giàu nhờ những đồi keo xanh mướt, vườn trà hoa vàng giá trị cao hay trại lợn, gà quanh năm khách lui tới đặt hàng... Toàn xã không còn hộ nghèo, đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng, giữ gìn chủ quyền biên cương của Tổ quốc.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 7
Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 9

Đặc biệt hơn, những người dân Hải Sơn hôm nay còn trở thành những đại sứ du lịch, những hộ kinh doanh, những hướng dẫn viên đặc biệt của miền biên giới.

"Gắn với Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn, hàng năm TP Móng Cái và xã tổ chức sự kiện lớn tại địa phương như: Lễ hội Hoa sim biên giới, Ngày hội Văn hóa - Thể thao và Du lịch các dân tộc xã Hải Sơn, Chợ phiên Pò Hèn,…thu hút đông đảo du khách thập hương đến với lễ hội nên đã tạo công ăn, việc làm ổn định cho người dân", ông Sáng cho biết.

Xã Hải Sơn có nhiều điểm thu hút du khách đến như: Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, Làng bích họa Pò Hèn rực rỡ giữa núi rừng Đông Bắc bởi các bức tranh thiên nhiên đầy màu sắc trên những ngôi nhà của đồng bào dân tộc Dao, thác 72 gian kỳ vĩ, hồ Tràng Vinh, núi Panai, Mã Thầu Sơn…. đến những món ăn vô cùng dân dã như cá suối, thịt ngan đen hoặc cà sáy (vịt lai ngan), bánh chưng nếp cẩm, thổ cẩm, mật ong rừng, trám muối riềng, măng rừng muối, rượu sim,...

Tất cả các điểm đến, sản phẩm du lịch của Hải Sơn nói trên là sự hòa quyện của cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa ẩm thực đã để lại ấn tượng đặc biệt tốt đẹp cho bất kỳ ai một lần đặt chân tới Hải Sơn. Đặc biệt hơn, tất cả đều do bàn tay của người Hải Sơn thực hiện.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 11

Chia tay xã Hải Sơn, ông Sáng dẫn chúng tôi đến thăm Đồn Biên phòng Pò Hèn cách đó không xa và được nghe cán bộ nơi đây kể về câu chuyện xây dựng "biên cương lòng dân".

Thiếu tá Trần Đại Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn, cho biết: Bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân; nắm chắc tình hình và tâm tư tình cảm, giúp đỡ nhân dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của đơn vị.

Bởi vậy, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đơn vị chú trọng triển khai công tác dân vận với phương châm đổi mới hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tình hình và điều kiện của từng đối tượng, địa bàn.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 13

Đồn còn rất chú trọng công tác tuyên truyền miệng nhằm vận động nhân dân cùng tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biên giới quốc gia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Cán bộ chiến sĩ Đồn tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm bắt tâm tư của đồng bào để tổ chức tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như những chính sách đối với người dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, Đồn còn phổ biến, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho mỗi người dân ở khu vực biên giới không tham gia buôn lậu, không tiếp tay cho buôn lậu, không vận chuyển vũ khí, chất cháy, chất nổ, ma túy...

Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị tổ chức 68 lượt tổ với 232 cán bộ chiến sĩ xuống địa bàn nắm tình hình. Đồn phối hợp với UBND xã Hải Sơn tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phát hơn 300 tờ rơi cho 100 cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã về Luật Biên phòng Việt Nam. Qua đó nhân dân đã cung cấp cho đơn vị 12 tin có giá trị liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép.

Đơn vị tham mưu cho UBND xã Hải Sơn chỉ đạo thôn Pò Hèn duy trì hoạt động kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới giữa thôn Pò Hèn và thôn Thán Sản (Trung Quốc). Đơn vị thường xuyên duy trì tốt mối quan hệ giữa lực lượng biên phòng và nhân dân hai bên biên giới để giải quyết các vấn đề trên biên giới.

Đồng thời, Đồn đã tuyên truyền nhân dân 2 bên chấp hành tốt các hiệp định, hiệp ước, nhất là 3 văn kiện pháp lý về biên giới sau phân giới cắm mốc. Hai bên tôn trọng độc lập chủ quyền và bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững tình đoàn kết giữa nhân dân hai bên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi bên.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 15

Đi đôi với đó, đơn vị tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ngành, đoàn thể củng cố cơ sở chính trị vững mạnh.

Năm 2023 đơn vị phối hợp với UBND xã Hải Sơn tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân với nhiều hoạt động văn hóa, xã hội, trong đó đơn vị tặng 100 cờ Tổ quốc cho nhân dân trên địa bàn và tổ chức chương trình "Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản".

Đồn còn cử 3 tổ, 6 cán bộ xuống ăn Tết cùng nhân dân và tham gia tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đơn vị cũng thực hiện chúc Tết, tặng quà người tiêu biểu có uy tín và các học sinh trong chương trình "Nâng bước em tới trường" và mô hình "Con nuôi đồn biên phòng", trị giá trên 80 triệu đồng...

Bằng những hoạt động thiết thực, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã góp phần thắt chặt mối quan hệ quân - dân,  phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm thay đổi đáng kể đời sống mọi mặt của nhân dân.

"Đồn luôn chăm lo, bồi dưỡng "sức dân", xây dựng "biên giới lòng dân", tạo tiềm lực to lớn trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vững chắc", Thiếu tá Trần Đại Dương nói.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 17

Sau sự kiện tháng 2 năm 1979, Đồn Biên phòng 209 Pò Hèn chuyển đi xây dựng ở địa điểm khác.

Tại nơi diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng kiên cường của cán bộ, chiến sỹ Đồn 209, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn được xây dựng để ghi dấu một sự kiện không thể nào quên. Đây cũng là nơi khắc ghi công trạng, tôn vinh những cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh, những công nhân lâm trường Hải Sơn, nhân viên thương nghiệp cụm Pò Hèn đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng để bảo vệ chủ quyền biên giới Quốc gia.

Đài tưởng niệm liệt sỹ Pò Hèn sau nhiều lần được cải tạo, nâng cấp, ngày 19/5/2010 được tôn tạo với quy mô lớn và đã hoàn thành năm 2011. Ngày 20/3/2014, Đài tưởng niệm các liệt sỹ Pò Hèn đã được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp Bằng công nhận là khu di tích lịch sử cấp tỉnh.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 19

Đến tháng 9/2022, Khu di tích lịch sử Pò Hèn được cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia.

Đài tưởng niệm cao 16m, được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá trắng. Hai bên Đài tưởng niệm là hai nhà bia, trong mỗi nhà bia dựng một tấm bia làm bằng đá xanh nguyên khối khắc tên 86 liệt sỹ Bộ đội Biên phòng Đồn 209, liệt sỹ công nhân lâm trường Hải Sơn và liệt sỹ cụm thương nghiệp Pò Hèn.

Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ Pò Hèn là công trình kiến trúc đài tháp với những đường nét, kiểu dáng kiến trúc hiện đại, khỏe khoắn trong không gian thiêng liêng và sâu lắng. Kiến trúc của công trình thể hiện khí phách hào hùng của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh và cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đoàn kết chiến đấu, xả thân vì đất nước, ý chí chiến đấu kiên cường không khuất phục trước kẻ thù của người chiến sỹ Biên phòng Việt Nam.

Đồn biên phòng 209 năm xưa, bây giờ là Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Pò Hèn đã trở thành khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, là một trong những địa chỉ đỏ trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc.

Giữa vùng rừng núi xa xôi, Đài tưởng niệm như một tượng đài chiến thắng sừng sững cao vút giữa trời xanh biên giới.

"Đài tưởng niệm là điểm tựa vững chắc cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân nơi đây trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng vùng đất biên cương ngày càng giàu mạnh", Thiếu tá Trần Đại Dương nói.

Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách - 21

Để tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, hàng năm vào ngày 17/2, ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, Đồn Biên phòng Pò Hèn tổ chức đón tiếp hàng ngàn lượt người đến dâng hương tưởng niệm và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ.

Cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn nhận bảo vệ, chăm sóc khu Đài tưởng niệm và dâng hương các Anh hùng liệt sỹ vào ngày rằm, mùng một hàng tháng. Đồn còn cử 3 cán bộ chốt trực đêm ngày tại căn nhà nhỏ nằm trong khuôn viên khu tưởng niệm.

Nhìn khu tưởng niệm khang trang, cỏ cây hoa lá xanh tươi được cắt tỉa gọn gàng, hai hàng tùng xanh tươi đứng xếp hàng ngay ngắn từ cửa vào tới Đài như hàng tiêu binh đang đứng gác cho giấc ngủ ngàn thu của các anh, chị được ngon giấc. Đây là công sức suốt bao năm ròng của lớp lớp cán bộ chiến sỹ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh nói chung và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn nói riêng đã dày công tôn tạo để có được sự tôn nghiêm này.

"Những chiến công oanh liệt của đồng đội năm xưa, mãi là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Pò Hèn hôm nay khắc ghi. Các anh luôn đề cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết thống nhất khắc phục mọi khó khăn, gắn bó với nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Hải Sơn nắm chắc tay súng bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc", Thiếu tá Trần Đại Dương nói.

Nội dung: Nguyễn Dương

Thiết kế: Patrick Nguyễn

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Pò Hèn từ chiến địa năm xưa đến điểm du lịch lịch sử hút khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO