Ho là một trong những dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm lạnh hay viêm nhiễm đường hô hấp, nếu không ngăn chặn và điều trị kịp thời, tình trạng sẽ diễn biến xấu với những bệnh nặng hơn như viêm mũi họng, nhiễm trùng đường hô hấp, viêm mũi xoang cấp, viêm phế quản cấp, viêm phổi… ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của trẻ.
Vì vậy, một khi phát hiện trẻ bị ho, bố mẹ cần khẩn trương áp dụng ngay các biện pháp giữ ấm và tăng cường sức khỏe cho bé, tìm hiểu nguyên nhân để điều trị dứt điểm triệu chứng ho, ngăn ngừa kịp thời những bệnh liên quan.
Nguyên nhân khiến trẻ bị ho trong mùa lạnh?
Vào mùa lạnh, khí hậu thường hanh khô, nhiệt độ hạ thấp khiến trẻ dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp do sức đề kháng của trẻ còn non yếu. Một trong những biểu hiện thường gặp nhất ở đa số các trẻ là ho mà ho nhiều sẽ khiến trẻ mệt mỏi, khó ăn, dễ nôn trớ, ho ban đêm còn khiến trẻ mất ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của bé.
Theo các chuyên gia, có hai nhóm nguyên nhân chính khiến bé bị ho. Một là do các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp như viêm mũi họng do virus, viêm họng do vi khuẩn, viêm mũi xoang cấp ở trẻ, viêm thanh nhiệt cấp, viêm thanh quản – viêm thanh khí phế quản cấp, viêm phổi. Đặc điểm của nhóm nguyên nhân này là bé bị nhiễm khuẩn, có thể sốt, ho sẽ giảm và chấm dứt sau khi điều trị dứt điểm các nguyên nhân chính gây bệnh. Trong nhiều trường hợp, ho còn là biểu hiện của việc bé bị các bệnh về nhiễm trùng đường hô hấp, vì vậu mẹ không nên tự ý dùng thuốc cho con mà phải được thăm khám và kê đơn từ bác sỹ.
Ngoài ra, nguyên nhân khác khiến bé bị ho có thể là do bé bị nhiễm lạnh, dị ứng thời tiết, hen suyễn, những kích thích bên ngoài như khói thuốc lá, khói than, không khí ô nhiễm cũng có thể khiến bé ho.
Bảo vệ và chăm sóc trẻ bị ho do lạnh đúng cách
Giữ ấm cho trẻ
Thời tiết lạnh, cha mẹ cần chọn lựa trang phục thích hợp để giữ ấm cho cơ thể trẻ, đặc biệt là vùng cổ và ngực. Khi trẻ bị ho, cha mẹ phải “kiểm điểm” xem đã mặc đủ ấm cho con chưa, nếu chưa thì cẩn cải thiện nay lập tức như quàng khăn cổ, mặc thêm quần áo ấm, đặc biệt là khi nhiệt độ hạ thấp nhất trong ngày là sáng sớm và tối.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng lưu ý không nên mặc quá ấm cho trẻ vì nếu quá ấm nóng sẽ khiến trẻ toát mồ hôi không thoát được và ngấm ngược trở lại khiến trẻ bị viêm phổi, bệnh tình sẽ nặng hơn.
Ngoài ra, khi trẻ bị họ phụ huynh tuyệt đối không cho trẻ ăn uống đồ lạnh, tắm muộn với nước không đủ ấm… vì đó là những yếu tố làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị ho, cảm lạnh, dễ chuyển sang viêm họng, viêm đường hô hấp và các bệnh nghiêm trọng hơn.
Vệ sinh mũi họng cho trẻ
Khi trẻ bị ho nhiều, sổ mũi hoặc đau họng, cha mẹ nên dùng nước muối sinh lý để rửa mũi họng cho trẻ. Với những trẻ mới bắt đầu ho, sổ mũi hoặc đau họng thì biện pháp này tương đối hiệu quả.
Tránh tiếp xúc với khói thuốc và môi trường ô nhiễm
Khi trẻ bị ho, cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì đây là yếu tố nguy cơ khiến bệnh của trẻ trở nên trầm trọng hơn. Bởi các phân tử li ti trong khói thuốc sẽ bám vào vòm họng thông qua đường hô hấp sẽ gây viêm họng, ho và những bệnh nguy hiểm khác.
Vì vậy, nếu gia đình có người hút thuốc, cần nghiêm túc góp ý người đó ngừng hút hoặc hút ở nơi đảm bảo mùi khói thuốc không tác động tới bé.
Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng tăng cường miễn dịch cho trẻ
Việc bổ sung chế độ dinh dưỡng sẽ giúp cho trẻ tăng sức đề kháng và mau khỏi bệnh. Vì vậy, trong chế độ ăn hằng ngày, cha mẹ nên chú ý cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, bổ sung sắt, kẽm… để tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao khả năng phòng chống bệnh tật.
Bên cạnh đó, bố mẹ nên nấu cho trẻ các món ăn lỏng và nóng hổi như cháo, súp để tạo cảm giác ngon miệng và dễ ăn hơn.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ
Nhiều cha mẹ thấy trẻ bị ho liền tự ý mua thuốc kháng sinh cho trẻ uống khi không có chỉ định của bác sĩ là không nên bởi nguyên nhân gây ho có thể không phải do vi khuẩn. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh chỉ khiến trẻ bị suy giảm miễn dịch và chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc, thậm chí gây bị kháng thuốc, nhờn thuốc, dẫn đến sau này khi mắc các bệnh về nhiễm trùng sẽ càng khó điều trị hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng không được cho trẻ dùng thuốc ho người lớn, kể cả khi tự ý giảm liều.
Sử dụng các loại thảo dược trị ho lành tính
Trong trường hợp trẻ bị ho đơn thuần cha mẹ nên dùng các bài thuốc chữa ho lành tính từ dân gian, tận dụng các loại thảo dược quen thuộc hoặc các chế phẩm có nguồn gốc từ thảo dược như húng chanh, gừng, bạc hà, chanh muối, mật ong… để giúp điều trị ho cho trẻ. Các loại thảo dược này có tác dụng long đờm, giãn phế quản, giảm ho, kháng khuẩn, kháng viêm, kháng dị ứng và an toàn với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trước khi sử dụng cha mẹ nên tìm hiểu kỹ và cho bé sử dụng đúng cách.
Nếu trường hợp đã dùng các biện pháp tự nhiên nhưng thấy trẻ không đỡ, ho nhiều, cha mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác, hiệu quả hơn.
Theo V.K - Vietnamnet