Phun thuốc diệt muỗi tràn lan: Cẩn thận tiền mất tật mang

Khánh An| 30/08/2023 08:42

Nhiều người nghĩ rằng phun thuốc diệt muỗi sẽ giúp tạo màng bảo vệ an toàn cho bản thân khỏi sốt xuất huyết, song nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng, thì rất có thể “tiền mất tật mang”.

Phun thuốc diệt muỗi tràn lan: Cẩn thận tiền mất tật mang
Sản phẩm thuốc diệt muỗi đang bán tràn lan trên thị trường. Ảnh chụp màn hình

Loạn giá dịch vụ phun thuốc diệt muỗi

Sau khi Hà Nội bùng dịch sốt xuất huyết, trên các trang mạng xã hội tràn lan sản phẩm thuốc diệt muỗi. Điều đáng nói, sản phẩm bị tách chiết, đựng trong các vỏ chai nước lọc cũ, không rõ thành phần và nguồn gốc.

Bên ngoài sản phẩm không có các thông tin về thành phần, chỉ in những dòng thông tin chung chung như “thuốc phun muỗi sinh học”, “phun xong 30 phút thì vào”, “khi phun nên đeo khẩu trang, đeo găng tay”... Mức giá của những sản phẩm này được chào bán là 90.000 đồng/chai 1,5 lít - phun cho 100m2.

Theo lời quảng cáo của người bán, những sản phẩm này dùng để phòng, chống các bệnh truyền nhiễm từ muỗi và diệt trừ các loại côn trùng gây hại khác bao gồm: ruồi, gián. Sản phẩm không có mùi, không gây hoen ố bề mặt khi phun, không ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng và môi trường.

Thế nhưng, khi được hỏi về thành phần của loại thuốc diệt muỗi này, thì chính những người bán lại “ậm ờ” không biết. “Thuốc này chuyên dùng trong bệnh viện và các trung tâm dịch tễ rồi nên chị cứ yên tâm. Cái này nhà máy người ta pha chế sẵn rồi em nhập về bán nên cũng không nắm rõ được thành phần” - người bán trấn an.

Còn khi liên hệ với một công ty chuyên cung cấp dịch vụ diệt muỗi tại nhà Hà Nội, phóng viên được báo giá dịch vụ là: 400.000 đồng cho diện tích dưới 50m2, 500.000 đồng cho diện tích từ 50-100m2, 600.000 đồng cho diện tích từ 100-150m2.

Khi khách hàng hỏi về thành phần của loại thuốc này, nhân viên tư vấn cho hay, công ty đang phối hợp cùng lúc cả 2 loại thuốc của Anh và của Nhật. “Bên em dùng thuốc sinh học nên an toàn tuyệt đối. Thành phần thì tất cả đều là Permethrin thôi” - nhân viên công ty nói.

Trong khi đó, một cơ sở khác lại báo giá 700.000 đồng cho diện tích dưới 100m2. Từ 100m2 trở lên, mức giá sẽ là 4.500 đồng/m2.

Sản phẩm thuốc diệt muỗi đang bán tràn lan trên thị trường. Ảnh chụp màn hình
Sản phẩm thuốc diệt muỗi đang bán tràn lan trên thị trường. Ảnh chụp màn hình

“Gốc rễ” của dịch sốt xuất huyết

Theo TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương - trong các chương trình phòng, chống sốt xuất huyết luôn khẳng định “không có loăng quăng, bọ gậy, không có sốt xuất huyết”. Điều này cho thấy rằng, việc diệt loăng quăng, bọ gậy mới là “gốc rễ” của quá trình phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

TS Dũng phân tích, muỗi hầu như không đậu trên tường vách, mà chỉ đậu trên quần áo, đặc biệt là quần áo đã mặc. Trong khi đó, quá trình phun hoá chất sẽ chỉ phun lên tường vách.

“Khi phun thuốc diệt muỗi xong, nếu trong gia đình vẫn có bọ gậy, loăng quăng thì chỉ 1-2 tiếng chúng sẽ lớn lên thành muỗi và lại bắt đầu chu kỳ mới để tấn công con người. Đây là lý do việc phun thuốc diệt muỗi ít hiệu quả trong quá trình phòng chống sốt xuất huyết” - Trưởng khoa Côn trùng cho biết.

TS Dũng cho biết, việc phun thuốc diệt muỗi chỉ diễn ra khi có dịch. Khi đó sẽ dùng phương pháp phun ULV (phương pháp phun sương dạng hạt có khối lượng siêu nhỏ, được sử dụng chủ yếu để diệt muỗi sốt xuất huyết) để diệt những con muỗi trưởng thành. Biện pháp này mang tính tạm thời, có hiệu quả từ 1-2 tiếng.

“Để phun thuốc muỗi có hiệu quả, cần những người có chuyên môn, những cơ quan, công ty được đào tạo bài bản. Nếu người dân tự mua thuốc về phun thì có thể vừa không hiệu quả, vừa tăng tính kháng của muỗi” - TS Dũng cho biết.

Ngoài ra, trong quá trình thuê dịch vụ phun thuốc diệt muỗi, người dân cần tìm hiểu xem các hóa chất này có được Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng trong chương trình phòng, chống sốt xuất huyết hay không.

Theo TS Dũng, cách tốt nhất, hiệu quả nhất để phòng, chống sốt xuất huyết là thường xuyên kiểm tra xem quanh nhà có ổ bọ gậy, loăng quăng hay không. Nếu thấy muỗi xuất hiện trong nhà, người dân có thể sử dụng vợt điện để diệt muỗi. Ngoài ra, người dân cần mặc quần áo dài, đi tất và mắc màn khi ngủ.

“Đây là những biện pháp tốt nhất để phòng, chống sốt xuất huyết. Cá nhân tôi không khuyên người dân phun hóa chất diệt muỗi, bởi đây là biện pháp không bền vững” - ông Dũng nói.

Số ca sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh tăng nhanh
Chị Nguyễn Thị Tuyết - chủ công ty khử trùng tại Quận 12 - cho biết, khoảng 1-2 tháng trở lại đây lượng khách hàng tìm đến doanh nghiệp có tăng so với những tháng trước.
“Khách chủ yếu là các trường học, nhà máy, xí nghiệp… đăng ký phun xịt khử trùng muỗi, còn với những loại côn trùng khác khá ít khách” - chị Tuyết cho hay.
Khảo sát của Lao Động ngày 29.8 cho thấy, đối với thuốc diệt muỗi sinh học có giá dao động từ 65.000 - 1.300.000 đồng (tuỳ kích cỡ và thương hiệu).
Trao đổi với Lao Động bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh - cho biết, hiện nay tình hình dịch sốt xuất huyết vẫn đang có dấu hiệu tăng.
Ngoài các biện pháp phổ biến là dọn sạch và loại bỏ vật chứa nước, nhiều nơi có sử dụng các bình xịt hoá chất để loại bỏ muỗi. Người dân nên chú ý khi phun xịt bất cứ hoá chất nào diệt muỗi tại nhà hoặc môi trường xung quanh thì nên tránh xa ít nhất 60 phút để đảm bảo hệ hô hấp không bị ảnh hưởng.
Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), ghi nhận tuần qua có 365 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 13,3% so với trung bình các tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc cao bao gồm: Quận 1, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè.

NGỌC LÊ - NGUYỄN LY

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phun thuốc diệt muỗi tràn lan: Cẩn thận tiền mất tật mang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO