Phục hồi nguồn cung nhân lực du lịch: Chú trọng cả lượng và chất

Thanh Trà (TTXVN)| 02/10/2022 16:18

Phục hồi và phát triển trở lại, bên cạnh kết quả đạt được, du lịch Việt Nam cũng đứng trước thách thức về nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương đang tăng tốc đón dòng du khách quốc tế những tháng cuối năm và dịp đầu năm mới 2023. Tìm giải pháp phục hồi, phát triển nguồn cung nhân lực, đáp ứng nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài là một trong những vấn đề đang được quan tâm nhằm đảm bảo từng bước phát triển du lịch bền vững.

Phuc hoi nguon cung nhan luc du lich: Chu trong ca luong va chat hinh anh 1Du khách quốc tế dạo chơi trong khuôn viên xanh mát Dinh Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Nguồn nhân lực nhiều biến động

Thạc sỹ Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Đội ngũ nhân lực đang làm việc trong ngành du lịch suy giảm cả về số lượng và chất lượng so với thời điểm năm 2019 (thời điểm trước dịch COVID-19). Lực lượng lao động trực tiếp khối cơ sở lưu trú du lịch hiện chưa đến 400.000 người, đáp ứng hơn 70% nhu cầu với công suất hoạt động trung bình dưới 50% (tức là định mức chưa tới 0,6 lao động/buồng). Tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn, định mức trung bình chỉ đạt khoảng 0,4 lao động/buồng. Nhiều cơ sở đang gặp tình trạng thiếu nhân sự vào những dịp cao điểm như nghỉ lễ, Tết, cuối tuần. Bên cạnh đó, cơ cấu nhân sự cũng chưa đồng bộ, thiếu trầm trọng nhân lực có chuyên môn cao, đặc biệt là nhân lực đảm nhiệm vị trí quản trị cấp cao. Ngoài ra, sự mất cân đối nhân lực theo vùng, miền cũng khiến nhiều khu vực tăng trưởng “nóng” về lượng du khách song chất lượng dịch vụ lại thấp hơn khu vực khác và còn thiếu sự ổn định.

Cùng đề cập về tình trạng nhân lực ngành du lịch dịch vụ đang có nhiều biến động, thiếu hụt nguồn cung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường nêu dẫn chứng, để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, mỗi năm, các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ cần khoảng 40.000 lao động đã được đào tạo. Trong khi đó hiện nay, theo Tổng cục Du lịch, các cơ sở đào tạo nghề mới chỉ đáp ứng được khoảng 15.000 lao động.

Từ góc độ cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, tổ chức sự kiện, bà Phạm Thị Quỳnh Như, Khách sạn Park Hyatt SaiGon chia sẻ: Dự kiến trong cả năm 2022, lượng khách đến lưu trú tại khách sạn phục hồi được khoảng 80% so với năm 2019 - giai đoạn chưa bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tuy nhiên đến thời điểm này, nhân lực tại khách sạn vẫn còn thiếu nhiều, nhất là lao động chất lượng cao, chuyên ngành phục vụ các đoàn khách đặc biệt. Do đó, nhiều lao động phải gánh thêm việc, cường độ và áp lực công việc rất lớn.

Phuc hoi nguon cung nhan luc du lich: Chu trong ca luong va chat hinh anh 2Du khách quốc tế dạo chơi trên "phố Tây" Bùi Viện, quận 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Đồng bộ giải pháp

Để phục hồi nguồn cung, đáp ứng nhu cầu lao động cho hoạt động du lịch, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng: Một trong những giải pháp quan trọng là các cơ sở đào tạo duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ tốt nghiệp, tốt nghiệp khá, giỏi trong giáo dục nghề nghiệp lĩnh vực du lịch, khách sạn, nhà hàng để đảm bảo ổn định “đầu ra” cho nguồn nhân lực. Cùng với đó, các trường tăng cường phối hợp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập vừa nâng cao kỹ năng nghề cho người học, vừa kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp bổ sung nguồn nhân lực đang thiếu hụt.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan kiến nghị: Để phục hồi nguồn cung nhân lực du lịch đảm bảo cả về chất lượng và số lượng, cần có chương trình phục hồi lao động trong ngành du lịch. Trong đó, lao động trực tiếp đang làm việc trong các doanh nghiệp du lịch hay những lao động đã có một thời gian nghỉ việc hoặc những lao động mới vào làm đều cần được tham dự các khóa bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ với thời gian phù hợp. Đồng thời, các cấp, ngành có chính sách hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động thông qua doanh nghiệp du lịch hoặc Hiệp hội Du lịch, thời gian thực hiện trong năm 2023 và 2024.

Dưới góc độ cơ sở đào tạo, Thạc sỹ Ngô Xuân Hào, Trường Đại học Văn Hiến cho rằng: Để có nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng, cần đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Các cơ sở đào tạo ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp du lịch về cơ sở thực hành, trải nghiệm, thực tập cho sinh viên gắn với các lợi ích kinh tế từ sản phẩm đào tạo cố định, ràng buộc và thường xuyên. Điều này sẽ giúp các trường chủ động được địa điểm thực tập hàng năm, khóa học; đồng thời, kiểm soát được hoạt động và chất lượng thực tập của sinh viên, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với quá trình và chất lượng thực tập của sinh viên.

Đồng quan điểm về sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường (nơi cung ứng) và doanh nghiệp (nơi có nhu cầu sử dụng lao động), Thạc sỹ Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Vũng Tàu cho biết: Nhà trường đã xây dựng được các mối liên kết hợp tác lâu dài và bền vững với các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng có tiêu chuẩn dịch vụ từ 4-5 sao trong tỉnh là các đơn vị thành viên của Hiệp hội Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu. Điều này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên học, thực tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. Hiện nhà trường tiếp tục tăng cường các hoạt động hợp tác, tạo sự liên kết toàn diện từ phối hợp đào tạo sinh viên, trao đổi chuyên gia, tiếp nhận sinh viên thực tập cho đến khâu tuyển dụng đảm bảo phù hợp và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo Thạc sỹ Đinh Bích Diệp, việc liên kết hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn. Du lịch là ngành có sự dịch chuyển lao động lớn nên doanh nghiệp luôn phải đối mặt với tình trạng nhân viên chuyển việc. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp rất thận trọng khi đặt hàng đào tạo hệ Cao đẳng, lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, dù nhân sự của doanh nghiệp được phép tham gia đào tạo nhưng lại chưa có quy định về tiêu chuẩn riêng cho đối tượng này. Vì vậy, nếu chiếu theo quy định cho giáo viên thực hành thì nhiều người không đáp ứng được. Ngoài ra, có doanh nghiệp do thiếu nhân sự có khả năng sư phạm nên không thể bố trí cố định người hướng dẫn, huấn luyện sinh viên thực tập xuyên suốt cả quá trình.

Phuc hoi nguon cung nhan luc du lich: Chu trong ca luong va chat hinh anh 3Du khách tham quan, mua sắm tại phòng bán đồ lưu niệm Dinh Thống Nhất. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN

Để tháo gỡ những khó khăn trên, cơ sở đào tạo cần chủ động, tích cực và xây dựng niềm tin trong các mối liên kết hợp tác với doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp cùng xây dựng những quy định cụ thể, rõ ràng về đào tạo và quản lý sinh viên. Doanh nghiệp tham gia hợp tác đào tạo song hành cần có bộ phận quản lý chuyên trách và đội ngũ đào tạo viên có chất lượng, giúp quá trình tham gia hướng dẫn sinh viên thực tập đạt hiệu quả cao, thuận lợi cho việc tuyển và sử dụng lao động của chính doanh nghiệp.

Thanh Trà

Theo dantocmiennui.vn
https://dantocmiennui.vn/phuc-hoi-nguon-cung-nhan-luc-du-lich-chu-trong-ca-luong-va-chat/326560.html
Copy Link
https://dantocmiennui.vn/phuc-hoi-nguon-cung-nhan-luc-du-lich-chu-trong-ca-luong-va-chat/326560.html
Bài liên quan
  • Những mẹo du lịch Đà Lạt tự túc có thể bạn chưa biết!
    Nhắc đến du lịch Đà Lạt tự túc, ai cũng sẽ tưởng tượng đến thành phố mộng mơ, nơi có khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm. Thành phố luôn mang một vẻ đẹp huyền ảo, thu hút, khó nơi nào có thể sánh bằng. Được tô điểm với muôn loài hoa xinh tươi cùng phong cảnh núi, rừng đầy thơ mộng, hùng vĩ. Chắc hẳn trải nghiệm du lịch tự túc đến đây sẽ là một hành trình đáng nhớ, đầy tự hào của bạn đấy.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phục hồi nguồn cung nhân lực du lịch: Chú trọng cả lượng và chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO