20 năm qua, kể từ thời điểm đầu tiên thực hiện cuộc khai quật tại Di chỉ khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long nhận được sự quan tâm đặc biệt, không chỉ với các cơ quan quản lý Hà Nội mà còn rất đông các nhà khoa học trong và ngoài nước, nhất là khi, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đó không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm lớn của thành phố Hà Nội trong việc gìn giữ, phát huy di sản quý.
Đến nay, những người quản lý di sản đều tự tin khẳng định, Hà Nội đã cơ bản thực hiện đầy đủ các cam kết của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO và đang tích cực nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo di sản, từng bước xây dựng phương án phục dựng và tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới.
Bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu
Các cuộc khai quật khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu trong các năm từ 2002-2004 đã phát lộ dấu tích kiến trúc cung điện cùng vô số loại hình hiện vật phong phú của Hoàng cung Thăng Long qua các triều đại.
Phát hiện quan trọng này đã minh chứng sinh động cho lịch sử Hà Nội và lịch sử Kinh thành Thăng Long khoảng 1.300 năm, từ các thời kỳ tiền Thăng Long, qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Sơn Tây và thành Hà Nội thời Nguyễn.
Danh hiệu Di sản văn hóa thế giới Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long do UNESCO trao tặng đã khẳng định những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc đặc biệt của khu di sản, nơi từng là trung tâm quyền lực cao nhất của nước Đại Việt kéo dài 13 thế kỷ.
Hơn một thập kỷ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, thành phố Hà Nội luôn nỗ lực nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản gồm chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực; các tầng di tích, di vật đa dạng, phong phú, sinh động, được trân trọng và bảo tồn một cách tối đa.
Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội (đơn vị đại diện) luôn chú trọng công tác bảo tồn đối với các di tích kiến trúc, di chỉ khảo cổ học, bảo quản và phục chế nhiều di vật khảo cổ học...
Trong đó, Trung tâm phối hợp với cơ quan chuyên môn tiến hành bảo quản các di tích kiến trúc hiện còn, khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, di tích khảo cổ học Đoan Môn, di tích tế lễ Trời-Đất của các Hoàng đế đầu thời Lý tại khu khai quật Vườn Hồng, đảm bảo di tích giữ nguyên được yếu tố nguyên gốc, duy trì sự ổn định phục vụ công tác nghiên cứu và tiếp đón khách tham quan.
Tại khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, trên phạm vi các hố khảo cổ bảo tồn nguyên trạng, công tác bảo tồn tiến hành thường niên với các công việc chuyên môn, như chống rêu mốc, tiêu thoát nước và các tác nhân gây hại đến các di tích được bảo tồn nguyên trạng, trưng bày tại chỗ, đồng thời tiến hành phân tích các điều kiện về môi trường, tính chất cơ lý, cơ hóa và thành phần hóa học nhằm xác định các phương pháp bảo tồn phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu tại khu vực…
Trung tâm còn phối hợp Viện Bảo tồn di tích triển khai kế hoạch nghiên cứu, tu bổ và xây dựng quy trình bảo tồn, bảo quản các di tích hiện còn trên mặt đất…
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết một trong ba dự án trọng điểm triển khai trong giai đoạn 2021-2025 chính là dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, xây dựng Bảo tàng trưng bày tại chỗ theo Quy hoạch Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu thành phố Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã được phê duyệt.
Trong công tác bảo tồn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội thực hiện hợp tác quốc tế để triển khai công việc này.
Đơn vị phối hợp các chuyên gia vùng Wallonie (Vương quốc Bỉ), vùng Ile de France (Pháp), chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản trao đổi học tập kinh nghiệm bảo tồn di tích khảo cổ học, đánh giá tác động môi trường đến di tích khảo cổ học, bảo quản di vật gỗ trong khai quật khảo cổ học.
Tiến sỹ Tomoda Masahiko, Viện Nghiên cứu Quốc gia Tokyo về Di sản Văn hóa cho biết từ năm 2006, Nhật Bản và Việt Nam đã hợp tác song phương để bảo tồn Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Giai đoạn đầu tập trung vào chuyển giao kỹ thuật về phương pháp khảo sát khảo cổ và nghiên cứu bảo tồn các hiện vật đã khai quật tại dấu tích của cung điện cổ đại, chủ yếu là phần còn lại của nền móng các tòa nhà bằng gỗ bị vùi đất dưới lòng đất.
Sau đó, dự án Quỹ tín thác UNESCO-Nhật Bản bắt đầu từ năm 2010, đã tập trung vào việc đánh giá khu di sản thông qua các nghiên cứu khoa học và xác định các phương pháp cơ bản để bảo tồn, phát huy di sản.
Bên cạnh bảo tồn, công tác phát huy giá trị cũng thực hiện tốt với các hoạt động tuyên truyền quảng bá giá trị khu di sản, tổ chức các cuộc trưng bày, triển lãm, giáo dục di sản... thu hút đông đảo khách tham quan.
Nghiên cứu, phục dựng kiến trúc cung điện
Mối quan tâm lớn của các nhà quản lý di sản, nhà khoa học là, sau hơn một thập kỷ Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới, việc phục dựng kiến trúc cung điện mới dừng ở bước nghiên cứu.
Dù rất nhiều cuộc hội thảo liên tục diễn ra với những ý kiến mong mỏi hoàn trả lại hình hài cho khu di sản.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, việc nghiên cứu hoàn trả lại không gian Điện Kính Thiên là công việc hết sức cấp thiết, có ý nghĩa và giá trị văn hóa sâu sắc không chỉ đối với Thăng Long-Hà Nội mà còn với cả nước.
Sau 20 năm khảo cổ học Kinh đô Thăng Long (2002-2022), các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra dấu tích kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử, từ thời kỳ tiền Thăng Long, phát hiện dấu tích kiến trúc Thăng Long thời Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung Hưng, di vật thời Tây Sơn và kiến trúc thành Hà Nội thời Nguyễn.
Riêng khảo cổ học khu vực Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và không gian Chính điện Kính Thiên đã mang lại những cơ sở ban đầu trong việc khôi phục kiến trúc cung điện.
Không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê là không gian thiêng quan trọng nhất của Kinh đô Thăng Long và của Việt Nam trên các phương diện quy hoạch Kinh đô, kiến trúc, nghệ thuật, mỹ thuật, tâm linh, vị trí và chức năng. Không gian này được cấu trúc bởi ba thành phần: Chính điện Kính Thiên, sân Đan Trì và Đoan Môn.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết qua kết quả thám sát khảo cổ học và nghiên cứu một số thư tịch cổ Lê-Nguyễn, bước đầu chúng ta thấy dấu tích không gian Chính điện Kính Thiên còn lại rất ít và đã được tu sửa qua rất nhiều thời kỳ khác nhau.
Một số nghiên cứu cũng cho thấy, không gian Chính điện Kính Thiên có thể lớn hơn không gian Chính điện Thái Hòa (Huế).
Qua các tài liệu cổ cho thấy, tòa Chính điện thời Nguyễn gọi là Điện Long Thiên gồm 2 kiến trúc song song với nhau.
“Phải chăng không gian Chính điện Kính Thiên của nhà Nguyễn phản ánh phần nào quy mô không gian Chính điện Kính Thiên thời Lê? Điều này chúng ta cần kiểm nghiệm qua các cuộc nghiên cứu khảo cổ học trong tương lai,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Tống Trung Tín đặt vấn đề.
Cũng là người quan tâm đặc biệt đến việc phục dựng kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long, Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội đề xuất: Để có cứ liệu phục dựng Điện Kính Thiên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu trên các lĩnh vự khảo cổ học, sử học, kiến trúc, mỹ thuật...
Trước hết, đối với khu vực Chính điện Kính Thiên cần làm rõ quy mô cấu trúc của Chính điện. Việc này cần đẩy mạnh công tác khảo cổ học ở khu vực này, gồ sân Long Trì-Đan Trì, khu vực thềm Rồng, khu vực nhà N31, N33 và khu vực nhà N23, N26 nhằm làm rõ nền móng và phân gian của Chính điện Kính Thiên.
Cần nghiên cứu về hình thức và thiết kế, chất liệu và vật liệu, cách sử dụng và chức năng, truyền thống và kỹ thuật... Từ kết quả nghiên cứu sẽ cho phép dựng lên chiều dài nghệ thuật, lịch sử, xã hội và khoa học của Chính điện Kính Thiên.
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Sơn: “Nếu việc này được tiến hành liên tục trong 3-5 năm thì hy vọng trong vòng 10 năm tới chúng ta có thể phục dựng được Điện Kính Thiên.”
Việc nghiên cứu hoàn trả không gian Điện Kính Thiên và Chính điện Kính Thiên có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định rõ hơn giá trị di sản.
Các nhà khoa học cũng cho rằng khi chưa phục dựng được Chính điện Kính Thiên thì chưa nối lại được mạch nguồn chủ chốt của văn hóa Đại Việt.
Chính bởi vậy, thành phố Hà Nội cũng đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng phương án phục dựng và tái hiện các kiến trúc cung điện trong thời gian tới, hoàn trả lại diện mạo cho khu di sản, đưa Hoàng thành Thăng Long thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước./.