Năm 1998 chứng kiến hai sự kiện quan trọng bậc nhất lịch sử bóng đá Pháp…
Thứ nhất, đội tuyển Pháp lần đầu tiên vô địch thế giới. Vượt qua đương kim vô địch Brazil trong trận chung kết, Những chú gà trống Gô-loa dưới sự dẫn dắt của tiền vệ nhạc trưởng tài hoa Zinedine Zidane đăng quang ngay trên sân nhà. Đó là chức vô địch người Pháp đã chờ đợi quá lâu.
Nếu người Anh sản sinh ra bóng đá thì người Pháp được ca tụng như kiến trúc sư tạo nên sự vĩ đại của môn thể thao này. Từ World Cup, cúp C1 (tiền thân của Champions League) cho đến Quả bóng vàng, 3 danh hiệu quan trọng và danh giá nhất trong thế giới bóng đá đều do người Pháp nghĩ ra.
Nhưng vượt qua cả những giá trị chuyên môn thuần túy, chức vô địch World Cup 98 của đội tuyển Pháp còn mang ý nghĩa của sự hòa hợp văn hóa và sắc tộc của xứ sở lục lăng, với người hùng Zidane chính là biểu tượng.
Thuộc thế hệ thứ hai của những người nhập cư đến từ Algeria, Yaz (biệt danh của Zidane trước khi cái tên Zizou được cả thế giới biết đến) đã trải qua tuổi thơ khốn khó tại La Castellane, phía bắc thành phố cảng Marseille, nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao và rất ít cơ hội kiếm việc làm.
Espana 82, Pháp thua Đức sau loạt luân lưu tại bán kết. Năm đó, Yaz mới lên 10. Ước mơ nhỏ nhoi của cậu bé gốc Bắc Phi là quả bóng da và chiếc xe đạp chứ không phải Quả bóng vàng hay trở thành huyền thoại. Cậu cũng không hứa hẹn một ngày đưa đội tuyển quốc gia vô địch thế giới như Pele sau thảm họa Maracana.
Pháp không phải là xứ sở cuồng si bóng đá như Brazil. Quốc gia này lại gặp rắc rối bởi căng thẳng chủng tộc và sự chia rẽ của vấn đề dân nhập cư. Vị chính trị gia cực hữu Jean-Marie le Pen còn lấy chính đội tuyển bóng đá quốc gia Pháp làm ví dụ để khơi mào tranh cãi bằng cách gọi Les Bleus là tập hợp các cầu thủ New Caledonia, Tây Ban Nha, Caribe, Ghana, Armenia, Bồ Đào Nha và Argentina. Đối với vị chính khách từng là lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia này, đội tuyển Pháp không đại diện cho đất nước Pháp.
Tuy nhiên, khi đội tuyển Pháp vô địch World Cup 98, những cầu thủ đa sắc tộc được ca tụng như người hùng của đất nước. Hơn một triệu người hâm mộ vui sướng tụ hội tại đại lộ Champs-Elysees để ăn mừng chiến công hiển hách của họ. Hình ảnh khuôn mặt Zidane, con trai của một người gốc Bắc Phi ẩn hiện trên Khải Hoàn Môn kèm theo là dòng chữ "Merci, Zizou" (Cảm ơn, Zizou), là biểu tượng cho sự hòa hợp và thống nhất.
Đội tuyển Pháp từ đây có biệt danh mới là 'Black, Blanc, Beur' (Đen, Trắng, Bắc Phi) hay đội bóng cầu vồng vì sự đa sắc. Về phần Zidane, từ cậu bé nhập cư mài dũa tài nghệ trên những con đường đầy bụi tại dự án nhà ở xã hội tại Marseille, ông đã trở thành thần tượng, huyền thoại vĩ đại hay biểu tượng vĩnh cữu của bóng đá Pháp.
Sự kiện quan trọng thứ hai của bóng đá Pháp trong năm 1998 là Kylian Mbappe ra đời.
Giống như Zidane, Mbappe là người nhập cư gốc Phi. Mẹ anh là người Algeria. Bố là người Cameroon. Tuy nhiên, nếu như Zizou là biểu tượng của sự hòa hợp thì ngôi sao số một của bóng đá xứ sở lục lăng đương đại lại mang đến cho người hâm mộ nước nhà phức cảm khó diễn đạt thành lời. Để hiểu hơn, hãy đến Paris.
Bên cạnh cây cầu vượt nối trung tâm thủ đô nước Pháp và Bondy, vùng ngoại ô nơi ngôi sao đương đại số một của bóng đá Pháp sinh ra và lớn lên, người qua đường dễ dàng nhận ra bức tranh khổng lồ chiếm hết mảng tường tòa nhà 10 tầng. Bức bích họa này vẽ hình cậu bé say ngủ đang mơ trở thành siêu sao bóng đá. Những hình ảnh như thế này ở Paris và đặc biệt Bondy rất nhiều. Đó là sản phẩm quảng cáo của Nike, hãng sản xuất dụng cụ thể thao khổng lồ có hợp đồng tài trợ trị giá 180 triệu USD trong vòng 10 năm với Mbappe.
Tuy chỉ cách khu nội đô đẹp như tranh vẽ của Paris 10km về phía Đông Bắc, Bondy là thế giới hoàn toàn khác. Một khu dân cư của bê-tông nham nhở các bức graffiti bậy bạ và thiếu thẩm mỹ. Bondy chắc chắn không phải là Paris của Amelie, bộ phim về nàng thiếu nữ tìm thấy tình yêu và cuộc phiêu lưu trên con đường đầy sỏi quyến rũ của Montmartre. Nhưng Bondy cũng không phải là Paris của La Haine, bộ phim nói về góc khuất đầy đen tối, nghiệt ngã của vùng ngoại ô Paris, được gọi là banlieue.
Những người nhập cư ở banlieue đã trở thành một phần quan trọng của bóng đá Pháp, ngoài Mbappe, còn có Paul Pogba, N'Golo Kante, Anthony Martial hay Kingsley Coman. Tuy nhiên, chẳng ai trong số những ngôi sao này mảy may khao khát trở thành biểu tượng của bóng đá Paris.
Tại thủ đô nước Pháp, sự khác biệt dễ nhận ra là người hâm mộ không chỉ mặc áo đấu đội bóng đại diện cho thành phố. Ngoài áo đấu Paris Saint Germain (PSG), cổ động viên (CĐV) còn khoác lên mình màu áo Barcelona, Real Madrid hay Man Utd. PSG thực ra chỉ mới ra đời vào năm 1970 và có mối liên hệ hời hợt với kinh đô ánh sáng. Đội bóng này chẳng thể nào hiện thân cho sự thơ mộng của Paris hoa lệ. Ngược lại, PSG là biểu trưng cho tham vọng của Qatar, quốc gia đăng cai World Cup 2022.
Như cây bút Christophe Larcher lý giải: "Tại Anh, bóng đá là văn hóa. Nếu đến Newcastle hay Sheffield, mọi người đều nói về bóng đá và CLB quê nhà. Nhưng ở Rennes hay Angers thì không như thế. Văn hóa của chúng tôi là ẩm thực, là nghệ thuật. Không phải bóng đá". Bởi vậy, Mbappe mới đòi rời PSG để đầu quân cho Real Madrid. Cho dù nỗ lực bất thành nhưng cũng như bức tranh bên cầu vượt, sự ở lại vì tình yêu Paris chỉ là cái cớ…
Ngược lại, về phần PSG, Mbappe cũng chưa bao giờ là biểu tượng, khác hoàn toàn câu chuyện vĩ đại của những đứa con của thành phố như Gerrard tại Liverpool, Raul ở Real Madrid, Totti tại AS Roma hay Maldini ở AC Milan. Tại PSG, CĐV đội bóng này sẵn sàng xếp hàng dài để mua chiếc áo đấu có giá tới 130 euro in tên Messi. "Mbappe à? Cậu ta rất xuất sắc, nhưng Messi ở đẳng cấp khác", một người hâm mộ đang xếp hàng lý giải. "Cậu ta không tôn trọng đội bóng của chúng tôi. Nếu cậu ta ra đi cũng chẳng có gì quá tệ", một CĐV khác nói thêm.
"Tôi là người giỏi nhất", Mbappe luôn tự nhủ mỗi khi bước ra sân. Cho dù chưa được thừa nhận là người kế vị Lionel Messi và Cristiano Ronaldo để trở thành ông vua của bóng đá đương đại, tuy nhiên tiền đạo này không bao giờ nhụt chí. Cách tạo động lực cho bản thân vẫn thường được tiền đạo này mô tả "ý chí vượt qua chính mình" được áp dụng mỗi ngày.
Thực tế, Mbappe hiện thực hóa giấc mơ nhanh hơn bất cứ ai có thể hình dung. Năm 19 tuổi, tròn 20 năm sau chức vô địch của Zidane, Mbappe cùng đội tuyển Pháp vô địch World Cup lần thứ hai. Anh đoạt danh hiệu cầu thủ trẻ xuất sắc nhất giải và càng khẳng định vị thế tương lai của bóng đá xứ sở lục lăng. Từ Monaco, anh trở về Paris bằng bản hợp đồng đắt giá thứ hai lịch sử chuyển nhượng bóng đá cùng PSG.
World Cup luôn là sân chơi để thiết lập trật tự cho thế giới bóng đá. 4 năm sau khi khẳng định vị thế tài năng trẻ sáng giá nhất, ở tuổi 23, Mbappe đã sẵn sàng để kế vị ngai vàng. Thậm chí, tầm vóc của cầu thủ này còn vĩ đại hơn nữa nếu dẫn dắt đội tuyển Pháp bảo vệ thành công chức vô địch thế giới, chiến tích xuyên suốt lịch sử chỉ có Italy (1934, 1938) và Brazil (1958, 1962) đạt được.
Les Bleus đã có mặt ở bán kết còn Mbappe đem đến màn trình diễn hủy diệt. Tại World Cup 2018, tiền đạo này kết thúc với 4 pha lập công. Kỳ World Cup này, anh đã có 5 bàn và đang dẫn đầu danh sách Vua phá lưới. Tổng cộng tiền đạo này đã có 9 bàn tại vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới, nhiều hơn C.Ronaldo và Maradona, ngang bằng Messi. Thế nên, mục tiêu của Mbappe không chỉ dừng lại ở Messi và C.Ronaldo. Ngôi sao này còn rất nhiều cơ hội để tái lập, thậm chí vượt qua thành tích của Vua bóng đá Pele tại World Cup (3 lần vô địch, 13 bàn thắng).
Mbappe luôn sự so sánh - những cầu thủ xuất sắc nhất luôn theo dõi lẫn nhau. "Tôi xem trận đấu của các cầu thủ giỏi khác để xem họ làm gì trên sân và nghĩ 'tôi biết cách xử lý pha bóng này, nhưng anh chàng kia có thể làm được không?"'.
So với 4 năm trước, Mbappe bản lĩnh hơn, kinh nghiệm hơn và cũng tinh quái hơn. Trong khi đó, phẩm chất thiên phú nơi tiền đạo này không hề thay đổi. Mbappe sở hữu tốc độ kinh hoàng. Theo thống kê, tại kỳ World Cup này, vận tốc cực đại ngôi sao của đội tuyển Pháp đạt được là 36km/h. Mỗi khi Mbappe tăng tốc, dường như trái đất đang bị kéo ra phía sau. Nhưng nhanh thôi là chưa đủ, kỹ năng xử lý bóng của tiền đạo khoác áo PSG cũng đạt tới mức thượng thừa. Anh rê bóng uyển chuyển như Ronaldo (Brazil), tạt bóng như Beckham và dứt điểm toàn diện như C.Ronaldo.
Quan trọng hơn hết, Mbappe tham vọng và hãnh tiến đến đáng sợ. Dường như tiền đạo này không quan tâm đến bất cứ chuyện gì ngoài việc trở thành số một. Tại PSG, trái ngược với Neymar ham vui, Mbappe là cầu thủ chuyên nghiệp kiểu mẫu, chỉ cuồng nhiệt với mục tiêu duy nhất là thành tích trên sân cỏ.
Đến World Cup 2022, cho dù là ngôi sao hàng đầu, Mbappe tránh mọi sự xao nhãng tới mức không giao tiếp với truyền thông, từ chối mọi cuộc họp báo hay phỏng vấn, kể cả những cuộc phỏng vấn "xã giao" bắt buộc sau mỗi trận đấu, khi giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất trận. Ngoài ra, tiền đạo này tránh cả những tranh cãi về Qatar, nơi trả lương cho anh. Hầu như, Mbappe tập trung mọi năng lượng để vô địch World Cup.
World Cup 2022 đã đi gần hết chặng đường. Mọi cung bậc cảm xúc đều được đẩy tới mức cao trào. Rất nhiều giọt nước mắt rơi. Đội tuyển Nhật Bản, đội tuyển Hàn Quốc đều khóc. Lúc vì vui sướng chiến thắng, lúc vì buồn tủi chiến bại. C.Ronaldo cũng khóc. Nước mắt có thể lần sau chót của người chiến binh can trường khiến bao thế hệ tín đồ bóng đá thổn thức. Bóng đá quả là nơi để đàn ông khóc.
Cả đất nước Morocco đang hạnh phúc run lên trong từng phân tử vì điều kỳ diệu thầy trò Regragui tạo ra. Modric và các đồng đội vượt qua hết chông gai này đến thử thách khác như có cả dân tộc Croatia ở bên. Người Argentina hòa chung nhịp đập con tim cùng Messi. Hỉ, nộ, ái, ố hay thậm chí từng tiếng thở của La Pulga cũng là tiếng thở của xứ sở tango.
Nhưng đối với Mbappe, nếu tiền đạo này vô địch World Cup, điều gì đang chờ đợi? Đầu tiên hẳn là những số liệu khô khốc chứng minh sự vĩ đại của tiền đạo người Pháp. Các đồng đội hẳn nhiên chia vui cùng anh, nhưng tại quê nhà, thật khó để chứng kiến hàng triệu người hâm mộ đổ ra đại lộ Champs-Elysees ăn mừng dưới khuôn mặt nhà vô địch gốc Bắc Phi ẩn hiện trên Khải Hoàn Môn. Mbappe chuẩn bị mọi thứ cho sự vĩ đại nhưng quên mất điều vĩ đại nhất là tình yêu của người hâm mộ.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Khương Hiền
14/12/2022