Sau hơn 2 tháng phát động cuộc thi "Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022", Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được hàng trăm ý kiến, bài viết... tham dự. Trong đó có rất nhiều tác phẩm có ý tưởng hay, tính áp dụng thực tế, đã được Ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao.
Trong số đó có tác phẩm "Giải pháp kiềm chế, làm giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ" của tác giả Lê Đức Thắng - Công an huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Báo Dân trí xin được trích dẫn một số nội dung trong bài viết dự thi của tác giả này.
Theo tác giả Lê Đức Thắng, giải pháp kiềm chế, làm giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ là những giải pháp, biện pháp nhằm mục đích góp phần hoàn thiện thể chế các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giao thông đường bộ, những đề xuất, kiến nghị góp phần làm giảm thiểu tình trạng ùn, tắc giao thông, nhất là tại các khu đô thị của Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, để làm giảm thiểu ùn tắc giao thông đường bộ, chúng ta cần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về an toàn giao thông. Tham mưu xây dựng 2 Luật mới là Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ.
Theo tác giả, chúng ta cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu chính quyền các cấp, các đơn vị chức năng trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT, giải quyết ùn tắc giao thông. Tiếp tục kiên trì tuyên truyền, xây dựng văn hóa giao thông an toàn cho người dân nhằm nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông.
Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Đồng bộ hiệu quả công tác quản lý quy hoạch xây dựng, huy động mọi nguồn lực, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, tăng diện tích đất phục vụ giao thông. Quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phát huy tối đa năng lực mạng lưới giao thông hiện có.
Giải pháp tiếp theo mà tác giả này đưa ra là, tiếp tục mở rộng mô hình "camera giám sát" chỉ huy điều hành giao thông tại các tuyến đường, đặc biệt những tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành GTVT, từng bước xây dựng hệ thống giao thông thông minh.
Mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông, nâng cao ý thức cho người tham gia giao thông, từng bước xây dựng văn hóa giao thông văn minh.
Cục Cảnh sát Giao Thông - Bộ Công An phối hợp với Báo điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình Sáng kiến An toàn Giao thông Việt Nam năm 2022.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2022 với mục tiêu huy động sức mạnh trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân nhằm đưa ra các giải pháp giải quyết thực trạng giao thông đường bộ Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022 gồm 03 hoạt động chính:
1. Khảo sát, lấy ý kiến người tham gia giao thông
Mỗi người dân góp một tiếng nói phản ánh về thực trạng tình hình giao thông hiện nay. Qua đó, các Cơ quan quản lý Nhà nước về TTATGT có thể hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người tham gia giao thông để có những giải pháp thực tế, cải thiện tình hình giao thông mỗi ngày.
2. Cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022
Cuộc thi là hoạt động trọng tâm của Chương trình, được tổ chức 02 năm một lần trên quy mô toàn quốc. Năm 2022 tập trung vào chủ đề giảm thiểu ùn tắc giao thông và hạn chế vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông.
3. Tổ chức Tọa đàm
Các buổi tọa đàm trao đổi, thảo luận, tham khảo ý kiến chuyên gia, tập trung hoàn thiện và phát triển các ý tưởng, giải pháp trong Cuộc thi có tính ứng dụng cao được áp dụng vào thực tiễn.
Để biết thêm thông tin chi tiết về Chương trình cũng như thể lệ tham gia Cuộc thi, vui lòng truy cập website của chương trình tại https://sangkienatgt.dantri.com.vn