Phụ nữ luôn là 'con mồi' trong bẫy... tặng quà

30/05/2023 11:57

Đánh vào tâm lý đam mê những sản phẩm thời trang hàng hiệu sang trọng, đắt tiền của chị em phụ nữ, chiêu thức lừa đảo mới được giăng ra khiến nhiều người sập bẫy.

"Tặng quà tri ân = nạp tiền + biến mất"

"Tặng quà tri ân khách hàng, hoàn toàn miễn phí, không mua, không bán, không phí ship. Duy nhất 99 chị em nhanh tay nhìn thấy bài viết này nhận ngay váy xinh cao cấp từ thương hiệu I…" - hàng loạt những lời chào mời đầy hấp dẫn được đăng tải tràn lan trên Facebook trong thời gian qua.

Những sản phẩm được giới thiệu là "tặng quà tri ân" lấy lại hình ảnh từ những thương hiệu thời trang quen thuộc như Elise, Ivy, Tokyolife, Yody… trị giá từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng.

Chỉ cần nhấp vào trang, tin nhắn sẽ tự động trả lời và hướng dẫn cách thức tham gia nhận quà miễn phí. Vậy nhưng, tiền mất… quà chưa thấy đâu.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, lợi dụng các thương hiệu, hình ảnh trang phục được nhiều người yêu thích, gần đây một số đối tượng đã lập nick Facebook, Fanpage, Youtube giả mạo các hãng thời trang, tung ra chiêu trò lừa đảo như tri ân khách hàng, tuần lễ vàng, trải nghiệm sản phẩm mới... để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cá nhân. Với chiêu thức ngày càng tinh vi, nhiều người bị "sập bẫy" và mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Là "fan ruột" của nhiều thương hiệu thời trang, trang cá nhân Facebook của chị Hoàng Huyền (31 tuổi, TPHCM) trong nửa tháng qua liên tục xuất hiện các thông tin tặng quà như vậy.

Khi ấn vào link quảng cáo, tin nhắn phản hồi thông báo nhãn hàng sẽ tri ân quý khách 1 sản phẩm tự chọn đang bày bán tại các cửa hàng trên hệ thống.

Phụ nữ luôn là con mồi trong bẫy... tặng quà - 1

Đối tượng lừa đảo "bày binh bố trận" tinh vi khiến nhiều người lầm tưởng là thương hiệu thời trang tặng đồ miễn phí (Ảnh chụp màn hình).

Sau khi chọn được sản phẩm, page tiếp tục hướng dẫn phải qua ứng dụng Telegram làm thủ tục bởi sự kiện được công ty liên kết tổ chức qua hệ thống này, có tính bảo mật cao cho khách hàng.

Phụ nữ luôn là con mồi trong bẫy... tặng quà - 2

Phiếu xác nhận quà tặng được đối tượng lừa đảo tạo lập như thật để tăng niềm tin với người tham gia (Nguồn: PV).

"Để khách hàng tin tưởng, các đối tượng xưng là quản lý nhãn hàng nhắn tin, gọi điện xác nhận thông tin về sản phẩm, địa chỉ nhận quà y như thật. Sau đó, mới giăng ra hàng loạt bẫy lừa đảo khác", chị Huyền kể.

Sau một loạt các thao tác, trong khi nhiều chị em tưởng đã nhận được món quà "hời" thì người tự xưng là quản lý bắt đầu ra điều kiện thực hiện nhiệm vụ mới được nhận quà; mỗi nhiệm vụ sẽ được nhận tiền thưởng về tài khoản.

Ở 1-3 nhiệm vụ đầu, người tham gia phải nhấn vào các link quảng cáo sản phẩm trên YouTube, sau đó họ được nhận tiền thưởng từ 10.000 - 30.000 đồng về tài khoản cá nhân.

Sang nhiệm vụ tiếp theo, người tham gia được yêu cầu chọn một trong nhiều gói đầu tư bằng cách nạp tiền vào tài khoản do admin nhóm cung cấp với số tiền từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng, kèm theo lời hứa sẽ được nhận hoa hồng bằng 1/3 số tiền đã nạp trong 3-5 phút.

Lúc này, người tham gia sẽ được đưa vào một nhóm với rất nhiều thành viên chuyển tiền và đã nhận lại được cả vốn lẫn lãi...

Thao túng tâm lý "con mồi"

Các nhiệm vụ diễn ra liên tiếp, nhanh chóng khiến nạn nhân mất cảnh giác và sẵn sàng trở thành "con mồi".

Không để khách hàng có nhiều thời gian suy nghĩ, các quản lý trong nhóm liên tục hối thúc làm nhiệm vụ nhận thưởng, quá thời gian không thực hiện sẽ "mất phần". Rơi vào hiệu ứng đám đông khi hàng loạt người nhận lại tiền gốc và 30% hoa hồng chỉ trong vòng vài phút, nhiều người nhẹ dạ đã không ngần ngại chuyển khoản làm hết nhiệm vụ này tới nhiệm vụ khác.

Không chỉ trên group chung, các quản lý cũng liên tục "chăm sóc" riêng với nhiều lời hứa hẹn có cánh: "Chắn chắn sẽ hoàn tiền", "Thương hiệu lớn nên an tâm"…

Thấy người tham gia chần chừ, ngay lập tức, một đối tượng khác sẽ vào vai "bạn đồng hành", "lính mới" cùng làm nhiệm vụ nhắn tin riêng trò chuyện. Sau sự đồng cảm, sẻ chia tăng tin tưởng, người này lúc nào cũng cho biết đã làm nhiệm vụ và nhận ngay lại tiền.

Phụ nữ luôn là con mồi trong bẫy... tặng quà - 3

Tin nhắn mạo danh hãng thời trang kêu gọi người chơi tham gia tăng doanh số bán hàng, chuyển tiền làm nhiệm vụ để nhận quà miễn phí.

Khi "con mồi" đã cắn câu, lúc này, các đối tượng lừa đảo sẽ đưa ra nhiều chiêu thức như người tham gia vi phạm thời gian thực hiện, lỗi hệ thống, vượt hạn mức thành viên… trì hoãn trả tiền.

Muốn lấy lại số tiền đã đóng, nạn nhân bị yêu cầu làm thêm nhiều nhiệm vụ chuyển khoản khác để nâng cấp tài khoản sẽ được trả lại cả gốc lẫn lãi.

Chỉ đến khi đã chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mà không được hoàn lại, nhiều khách hàng mới vỡ lẽ mình bị lừa. Lúc này, họ ngay lập tức bị cho ra khỏi nhóm. Nền tảng gửi tin nhắn trên Telegram tự động xóa lịch sử từ 2 phía, không lưu lại bất cứ bằng chứng nào.

Đa số những nạn nhân bị lừa dưới hình thức tặng quà thời trang đều là phụ nữ bởi đây là sở thích đặt biệt của các chị em.

Trước thực trạng trên, nhiều hãng thời trang đã phát đi cảnh báo tới khách hành.

Hãng thời trang Elise cho biết thời gian qua xuất hiện các thủ đoạn giả mạo hình ảnh, lợi dụng uy tín của thương hiệu này nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn như: các chương trình tuyển dụng giả mạo bắt đóng tiền, mời chơi game nhận quà, mời tham gia sự kiện nhận quà…

Tương tự, bộ phận chăm sóc khách hàng của Ivy Moda cũng đã phải giải thích rất nhiều về việc hình ảnh, tên tuổi bị mạo danh nhằm lừa đảo khách hàng và khẳng định hãng không hề có bất cứ chương trình tri ân tặng áo váy hoàn toàn miễn phí và yêu cầu khách hàng thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền.

1 năm, 13.000 nạn nhân bị lừa đảo trực tuyến

Thủ đoạn lừa đảo người dùng mạng xã hội chuyển tiền trực tuyến, sau đó chiếm đoạt tài sản không mới. Với rất nhiều vỏ bọc khác nhau như tuyển dụng việc làm, tăng tương tác đơn hàng, tuyển dụng mẫu nhí, đầu tư tài chính, con bị tai nạn, bị công an khởi tố… nhưng thực chất, các đối tượng sẽ bằng nhiều cách, đánh vào tâm lý lo sợ hay dễ dàng kiếm tiền trực tuyến của nạn nhân.

Dù vậy, với hàng loạt chiêu thức tinh vi, liên tục thay đổi cách thức vẫn khiến nhiều người sập bẫy.

TS Phan Đình Khánh - Ủy viên Ban chấp hành Hội Luật gia TPHCM, nguyên kiểm sát viên VKSND TPHCM cho biết, thời gian gần đây chiêu thức lừa đảo trên mạng xuất hiện rất nhiều. Người thực hiện hành vi tội phạm này rất am hiểu tâm lý đối phương để lên những kịch bản khác nhau.

Ông Khánh khuyên rằng cần hết sức tỉnh táo khi được yêu cầu chuyển tiền hay cung cấp thông tin cá nhân, ấn vào link lạ...

Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam thông tin, năm 2022 đơn vị đã ghi nhận hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến được báo cáo trên cả nước.

Dù nhiều cách thức triển khai khác nhau, nhưng hoạt động của kẻ gian được phân thành 2 loại hình chính là đánh cắp thông tin cá nhân và tài chính. Trong đó, các vụ chiếm đoạt tài chính (tiền và các loại tài sản khác) chiếm đa phần khi có tới 75,6%; lừa đảo để lấy thông tin chiếm 24,4%.

Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đưa ra khuyến cáo người dân cần cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về những thủ đoạn nêu trên, để tránh mắc bẫy của các đối tượng xấu. Nếu nhận được thông báo trúng thưởng hoặc được tặng quà trên Facebook, kèm theo đường link yêu cầu đăng nhập, khai báo thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng… thì tuyệt đối không được truy cập và không khai báo bất kỳ thông tin nào.

Nếu phát hiện trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Giải pháp hữu hiệu nhất là mỗi người dân hãy tự nâng cao cảnh giác, trước những lời mời chào kiếm tiền nhanh chóng mặt, đầu tư với lãi suất cao bất thường, không truy cập vào những website không rõ nguồn gốc và thực hiện các biện pháp tự bảo vệ tài khoản cá nhân.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phụ nữ luôn là 'con mồi' trong bẫy... tặng quà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO