Phụ huynh đau đầu khi con lợi dụng việc học online để chơi game

21/11/2021 10:57

Sau 2 năm học online, nhiều phụ huynh than vãn trong bất lực rằng con họ đã trở thành game thủ lúc nào không hay

Chị Nguyễn Thái Hà (Hà Nội) tâm sự  vợ chồng chị đang rất đau đầu khi cậu con trai 8 tuổi toàn tranh thủ thời gian qua học online để chơi game.

Trước đây, chị đã chặn web game nhưng không hiệu quả, con vẫn tìm cách tháo chặn vì khá rành máy tính. Ngay cả xóa ứng dụng xem video cũng khó vì cô giáo gửi video bài giảng qua đấy cùng các clip minh họa để con dễ hiểu bài hơn.

"Khi phát hiện con lợi dụng thời gian học để chơi game, tôi rất buồn bực, không kiểm soát được cảm xúc của mình nữa. Tôi từng thử cách treo thưởng, nếu con học tốt thì cho chơi game cuối tuần, hoặc mỗi ngày được phép chơi 30 phút đến một tiếng sau giờ học, nhưng rồi con vẫn nghiện game hơn”, chị Hà tâm sự.

choi-game.jpeg
Phụ huynh bất lực khi con chơi game

Trên các diễn đàn, nhiều phụ huynh bàn tán, chia sẻ về câu chuyện, phương pháp đồng hành cùng con cai nghiện game. Nhiều phụ huynh nói rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến con sa đà vào game chính là giao thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại.

Tuy nhiên, trong giai đoạn học trực tuyến như hiện nay, nếu không giao thiết bị con sẽ không có phương tiện học tập, trong khi bố mẹ vẫn phải đi làm rất khó để giám sát.

Chưa kể, học sinh lớn tuổi có phòng riêng, con lén chơi game khi cả nhà đã say ngủ nên rất khó kiểm soát.

Bác sĩ Nguyễn thị Phương Mai, Khoa Tâm thần, Bệnh viên Nhi Trung ương thì trong số bệnh nhân mà bác sĩ này tiếp nhận trong thời gian gần đây có tới 40-50% bệnh nhân liên quan tới game, chủ yếu ở lứa tuổi từ 6 đến 10 tuổi. Các em thường có chung triệu chứng: bị các tật về mắt, rối loạn hành vi, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có em thần kinh bị ảo giác.

Theo bác sĩ Mai, khi chơi game đến mức độ nghiện, trở thành bệnh lý thì việc điều trị rất gian nan. Vì vậy, bác sĩ Mai cho rằng, cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho con, thậm chí phải chấp nhận cả việc hi sinh công việc để dành thời gian quan tâm, để mắt tới con.

Thay vì cấm đoán, đánh mắng con, cha mẹ hãy chơi cùng con, khuyên nhủ con nhẹ nhàng để con không bị chìm sâu vào thế giới ảo từ game online.

Theo chuyên gia tâm lý Hà Thái Hương - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì các bậc cha mẹ cần có biện pháp giám sát con cái thật chặt chẽ để đảm bảo quá trình trẻ em học trực tuyến của con được diễn ra lành mạnh. Con không bị nghiện game hay bị cuốn vào thế giới ảo.

Giải pháp cấp bách là nếu tình hình dịch bệnh ổn thì cần phải cho các em học sinh quay trở lại trường học tập trung, bởi bị “nhốt” trong nhà một thời gian dài sẽ khiến các em bức bối, sang chấn tâm lý, lấy game làm niềm vui rồi cuối cùng bị ảnh hưởng về sức khỏe, tinh thần. Không chỉ trẻ em bị ảnh hưởng tiêu cực mà người lớn cũng bị ảnh hưởng theo, nếu không kiềm chế được cảm xúc sẽ dẫn đến các hành động bạo lực với trẻ.

Để giúp trẻ cai nghiện game, chuyên gia tâm lý đưa ra lời khuyên, khi ở nhà, bố mẹ hãy dành nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự, vui chơi cùng con, giảm cảm giác nhàm chán cho trẻ vì thiếu không gian và không có người chơi cùng; Quản lý và quy định thời gian, thời điểm sử dụng thiết bị điện tử.

Thay vì cấm đoán, nên giải thích cho con hiểu sự nguy hiểm nếu sa đà quá nhiều vào game online; phân công con làm một số công việc nhà, giúp con dần tạo nếp sinh hoạt lành mạnh, cân bằng giữa học tập và vui chơi.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh đau đầu khi con lợi dụng việc học online để chơi game
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO