Phụ huynh có nên lấy ráy tai cho trẻ không?

ANH ĐÀO (tổng hợp)| 09/05/2022 17:13

Ráy tai có thể là vấn đề ba mẹ lo lắng nhiều vì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng nghe. Tuy nhiên, có cần thiết phải lấy ráy tai cho trẻ?

20190819_115139_718919_lay-ray-tai-cho-be.max-1800x1800.png
Phụ huynh không nên lấy ráy tai cho trẻ nhỏ khi không thực sự cần thiết - Ảnh: Internet

Ráy tai bảo vệ tai

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết việc lấy ráy tai cho trẻ con dưới bất cứ hình thức nào như: dùng tăm bông, dụng cụ chuyên dụng hay ra ngoài hiệu lấy đều là một quan niệm sai lầm, gây hại cho trẻ.

Do tai trẻ thường tiết ra một ít ráy, ráy đó có thể khô hoặc ướt. Việc tiết ra ráy là cơ chế của cơ thể mang tính chất bảo vệ cho tai. Mà quan trọng nhất là màng nhĩ ở phía trong.

Màng nhĩ ở ngay ống vào của tai. Tất cả cái gì muốn chọc vào màng nhĩ đều phải qua ráy tai. Như vậy, bản chất của cái ráy sẽ ngăn cản tất cả các con côn trùng, kiến bò vào tai. Khi con côn trùng bò vào tai thấy cái ráy thì phải chạy ra và không vào sâu được. Như vậy, ráy tai bản chất là bảo vệ tai không nên ngoáy. Ráy nó làm cho một vài người khó chịu thì chỉ gãi một vài cái là hết.

Theo PGS Dũng trong trường hợp khi tắm cho trẻ nhỏ, nếu có một chút nước vào tai các mẹ chỉ cần nghiêng tai trẻ để nước chảy ra sau đó dùng bông thấm nước ngoài vành tai. Cha mẹ không nên tự ý lấy bông tăm ngoáy sâu vào tai trẻ vì bất kỳ sự can thiệp nào vào tai trẻ nhỏ cũng có thể gây rối loạn quá trình tự làm sạch của ống tai ngoài.

Việc lấy ráy tai quá sạch sẽ gây tổn thương những tế bào lông và màng nhĩ. Ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện rất dễ bị tổn thương. Khi lấy ráy tai cho trẻ dụng cụ lấy ráy tai không sạch, mất vệ sinh sẽ vô tình đẩy vi khuẩn từ ngoài ống tai thâm nhập vào trong tai gây viêm tai giữa cho trẻ, thậm chí nhiễm trùng não rất nguy hiểm.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ThS. BS Bùi Quang Duy – Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM – cho biết ráy tai là một sản phẩm được tạo thành từ tế bào da chết, lông tai, và các chất tiết ra từ các tuyến bã nhờn của ống tai ngoài. Ráy tai có thể khô hay ướt, màu nâu, cam, đỏ, vàng hoặc xám.

Ráy tai giúp bảo vệ da của ống tai ngoài, hỗ trợ làm sạch và bôi trơn, đồng thời chống lại vi khuẩn, nấm và nước. Đó cũng là hàng rào bảo vệ màng nhĩ khỏi những tổn thương do dị vật hay côn trùng nhỏ…

Nếu tạo nhiều ráy tai có thể dẫn đến: bít tắc ống tai, giảm sức nghe do cản trở dẫn truyền âm thanh, chèn ép da ống tai và màng nhĩ gây ngứa tai, ù tai, đau tai...

Khi nào nên lấy ráy tai cho trẻ?

Theo bác sĩ Duy, việc lấy ráy tai, làm sạch tai mỗi ngày là không cần thiết và có thể gây hại vì: Khi tai quá sạch, không còn ráy tai, da ống tai sẽ không còn được bảo vệ trước vi khuẩn, nấm, nước, hay những dị vật, côn trùng…

Dùng tăm bông để lấy ráy tai ở trẻ (được nhiều phụ huynh thực hiện mỗi ngày) tiềm ẩn nguy cơ chấn thường ống tai ngoài-màng nhĩ (vì trẻ quay đầu bất ngờ khiến tăm bông chọc vào ống tai-màng nhĩ với lực mạnh) gây trầy da ống tai,chảy máu, nguy hiểm hơn là thủng màng nhĩ, dẫn đến viêm tai ngoài, viêm tai giữa và giảm sức nghe…

Chỉ nên lấy ráy tai trong các trường hợp:

- Ráy tai quá nhiều làm bít tắc ống tai (hay còn gọi là nút ráy tai) gây ù tai, đau tai, nghe kém…

- Ngứa tai.

- Viêm tai ngoài.

- Ở người đeo máy trợ thính.

Một trường hợp ngoại lệ là cần làm sạch ống tai để khám tai nhằm chẩn đoán bệnh lý của tai mũi họng, để tầm soát thính lực ở trẻ sinh non, nghe kém…Đây là cũng là chỉ định lấy ráy tai thường gặp nhất ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.

20190819_133613_391944_123-1490859194-widt.max-1800x1800.jpg
Ráy tai còn có tác dụng bảo vệ tai của trẻ nhỏ - Ảnh: Internet

Lấy ráy tai như thế nào là an toàn?

Tại nhà: dùng các sản phẩm làm mềm ráy tai: chai xịt hoặc nhỏ giọt, được thực hiện 2-3 lần/ngày trong 2 tuần. Nút ráy tai được làm mềm và đẩy ra ngoài do cơ chế tự làm sạch của ống tai. Nếu lượng ráy tai quá nhiều, không tự đẩy ra hết, cần được hút sạch tại phòng khám Tai Mũi Họng.

Tại phòng khám: bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng có kinh nghiệm sẽ lấy ráy tai một cách an toàn: gắp hoặc hút sạch bằng dụng cụ chuyên dùng, với kỹ năng khéo léo tránh làm tổn thương ống tai, màng nhĩ.

"Tóm lại, ráy tai không phải là “chất thải” cần được “làm sạch”, vì nó có tác dụng có lợi với cơ thể, chỉ lấy ráy tai khi cần thiết, và việc lấy ráy tai phải được thực hiện một cách an toàn, đặc biệt ở trẻ nhỏ", bác sĩ Duy nhấn mạnh.

Bài liên quan
  • 5 thức uống cơ bản giúp điều hòa nội tiết tố nữ
    Nội tiết tố nữ đặc biệt ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Sự sụt giảm nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh có tác động lớn đến tâm trạng, sức khỏe. Một số bệnh phụ khoa cũng liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố. Sau đây là một số thức uống giúp điều hòa nội tiết tố nữ.
  • 5 loại trái cây cần tránh khi giảm cân
    Khi quan tâm đến việc giảm cân, chúng ta có xu hướng nghĩ đến trái cây như một loại thực phẩm ít calo và tốt cho sức khỏe, ăn nó vào bữa ăn nhẹ và thậm chí thay vì bữa tối. Tuy nhiên, điều này không đúng với mọi loại trái cây.
  • Nhịn ăn sáng để giảm cân dễ dẫn đến bệnh tiểu đường
    Bỏ bữa sáng có thể là yếu tố nguy cơ làm suy giảm chuyển hóa glucose, dẫn đến tiền tiểu đường. Do đó những người đang nhịn ăn sáng để giảm cân cần cân nhắc, tránh nguy cơ bệnh tiểu đường.
  • Axit uric cao có nên ăn măng, cải thảo, bí ngô không?
    Người có axit uric cao không nên ăn quá nhiều măng bởi có thể làm bệnh tiến triển nhanh, tăng nguy cơ mắc gout.
  • 4 lợi ích của chuối đỏ trong việc giảm mỡ nội tạng
    Chuối đỏ có sucrose và fructose, vì vậy, khi chín có vị ngọt như những quả chuối vàng thường thấy. Các chất chống oxy hóa chính có trong chuối đỏ là beta carotene và vitamin C, rất có lợi cho chúng ta. Nếu thường xuyên bổ sung chuối đỏ vào chế độ ăn uống có thể giúp ta giảm mỡ nội tạng.
  • 4 ảnh hưởng của nội tiết tố gây ra mỡ bụng
    Nếu bạn đã thử mọi cách, nhưng vẫn không thể giảm mỡ bụng, có thể do ảnh hưởng bởi nội tiết tố.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phụ huynh có nên lấy ráy tai cho trẻ không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO