Mới đây, hàng trăm phụ huynh có con ở độ tuổi từ 3-4 tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã phải tham gia bốc thăm may rủi khi đăng ký tuyển sinh cho con vào Trường Mầm non Hoàng Liệt.
Hình thức tuyển sinh này khiến nhiều phụ huynh hoang mang, ngỡ ngàng song cũng phải chấp nhận vì số lượng học sinh quá đông, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường.
Cần thêm trường
Với trẻ lớp 5 tuổi, chỉ tiêu ban đầu chỉ có 126 cháu, nhưng có 226 hồ sơ, vì để đảm bảo phổ cập mầm non 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1, nên nhà trường đã phải đề nghị lãnh đạo các cấp phê duyệt tiếp nhận thêm 100 cháu quá chỉ tiêu ban đầu.
Theo bà Hương, ngày 6/8, nhà trường đã có 4 buổi họp phụ huynh để thống nhất phương án bốc thăm nhằm tuyển đủ số chỉ tiêu theo quy định, đây là cách duy nhất ở thời điểm hiện tại để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.
Vị hiệu trưởng cũng nói thêm rằng, dù rất muốn nhận toàn bộ học sinh đã đăng ký vào nhập học, song hiện nay cơ sở vật chất của nhà trường không thể đáp ứng. Toàn trường không còn một phòng học trống, số lượng giáo viên thiếu rất nhiều. Từ thực tế trên, nhà trường đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương cho xây thêm trường mới.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết, năm học 2022-2023, toàn Quận Hoàng Mai tăng thêm 3.700 học sinh khối công lập, chưa kể số học sinh đã đăng ký vào các trường ngoài công lập và nhóm này cũng đã quá tải. Toàn quận cũng đang thiếu khoảng 470 giáo viên. Hiện nay quận Hoàng Mai cần thêm khoảng 3 trường mầm non nữa với đủ đáp ứng nhu cầu.
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho rằng, những năm gần đây, số lượng các khu đô thị mới gia tăng nhanh chóng. Bên cạnh đó, trong 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường mầm non ngoài công lập phá sản. Nếu như trước đây, quận Hoàng Mai có tổng số 416 nhóm trường ngoài công lập, thì năm nay quận chỉ còn lại 354 nhóm lớp, đóng cửa gần 70 nhóm lớp, một số nhóm lớp còn duy trì cũng thiếu giáo viên trầm trọng. Tình trạng này khiến sức ép dồn lên khối trường công lập ngày càng lớn.
Quy hoạch giáo dục
TS.LS. Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, bên cạnh quyền sống thì quyền được học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ, đặc biệt là trẻ em. Bởi vậy đồng thời với việc ghi nhận quyền học tập của trẻ em thì nhà nước, mà cụ thể là chính quyền mỗi địa phương cần phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể để trẻ em được thực hiện quyền của mình là quyền đến trường, đồng thời đảm bảo công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ công trong giáo dục.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay, từ hiến pháp cho đến các văn bản pháp luật chuyên ngành thì đều quy định quyền và nghĩa vụ học tập của mọi công dân, đặc biệt công dân là trẻ em thì việc học tập là quyền cơ bản và trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền địa phương, của các cơ quan chức năng là phải thực hiện mọi biện pháp, khả năng có thể để đảm bảo tốt nhất quyền học tập của trẻ em, trẻ em được đối xử bình đẳng trong lĩnh vực giáo dục.
Trong những năm qua hoạt động giáo dục ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngoài hệ thống giáo dục công dân do nhà nước đầu tư và quản lý thì giáo dục ngoài công lập, giáo dục tư cũng ngày càng phát triển đa dạng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu học tập của nhân dân.
Tuy nhiên, trong những năm qua xuất hiện hiện tượng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên ở một số địa phương, một số khu vực, một số thời điểm, đặc biệt là giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học và phổ thông trung học. Do quy hoạch phát triển giáo dục chưa hợp lý, chưa phù hợp nên dẫn đến tình trạng nhiều địa phương quá tải ở một số điểm trường dẫn đến khó khăn cho phụ huynh và nguy cơ phát sinh tiêu cực trong hoạt động tuyển dụng, tiếp nhận học sinh đến trường.
“Giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, sự phát triển giáo dục, quy hoạch giáo dục phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, mật độ dân cư và định hướng phát triển giáo dục của mỗi quốc gia.
Theo quy luật chung thì người trẻ tuổi mới lập nghiệp thường sẽ có điều kiện kinh tế khó khăn hơn những người trung niên, người lớn tuổi, ở khu vực ngoại thành thì mức sống thấp hơn khu vực nội thành. Bởi vậy những người trẻ mới lập nghiệp, có con nhỏ, người dân nhập cư ở các thành phố lớn thường sinh sống tập trung ở khu vực ngoại thành, các khu chung cư giá rẻ. Khi quy hoạch về đô thị thay đổi, nhà ở của người thu nhập thấp tăng lên thì áp lực về mọi mặt đời sống xã hội từ giao thông, y tế, giáo dục là điều tất yếu…" , LS Đặng Văn Cường nhận định và cho rằng, quy hoạch về giáo dục sẽ phải có tính dự báo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế xã hội, trên cơ sở phát triển nhà ở, đô thị hóa ở mỗi khu vực, mỗi địa phương.
“Do đó, ở địa phương nào còn thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục ở địa phương.
Những quy định về việc trẻ em có hộ khẩu ở đâu thì phải học ở đó cũng là quy định bất cập dẫn đến khó khăn cho việc cơ hội học tập của trẻ em khi mà quyền tự do cư trú, không phân biệt tạm trú và thường trú như hiện nay”, LS Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non ở Hoàng Mai, ông Cường cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau, đặc biệt chú ý đến trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn, những trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương. Có những thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số và trẻ em và có tính toán khoa học, hợp lý là những yếu tố quan trọng để phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.