Những ngày qua, vụ việc hàng trăm phụ huynh bốc thăm để con có suất vào Trường mầm non Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong năm học 2022-2023 gây nhiều ý kiến tranh luận. Hình thức bốc thăm được lựa chọn do nhà trường "không còn cách nào khác", khi số hồ sơ nhận được gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh.
Ngoài tuyển đủ 226 hồ sơ của trẻ 5 tuổi để đảm bảo 100% trẻ mầm non 5 tuổi được đi học, nhà trường chỉ có thể tuyển thêm 333/713 hồ sơ đăng ký của nhóm trẻ 3-4 tuổi. Như vậy, có 380 cháu không được vào trường.
Khi đô thị "mọc lên", trường học phải đi theo
Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng trước hết, nên chia sẻ và thông cảm với Trường mầm non Hoàng Liệt trong câu chuyện, bởi nhà trường đã làm hết sức. Họ không thể nhận hết cũng vì số trẻ quá đông.
"Nhà trường đã thảo luận với phụ huynh để tìm ra giải pháp và nhận được sự đồng thuận của phụ huynh với phương thức bốc thăm. Chúng ta cần chia sẻ với nhà trường, vì họ không có cách nào khác. Họ cũng rất lúng túng và đã trao đổi nhiều lần với phụ huynh, được sự thống nhất mới làm, chứ không phải họ tự nghĩ cách này rồi tự triển khai", TS Lâm nói.
Theo ông, vấn đề cần nhìn nhận trong vụ việc trên là sự gia tăng đột biến của dân số, dẫn đến tăng số học sinh ở từng phường, từng khu dân cư và cơ quan có trách nhiệm giải quyết cần là cấp quận, thành phố.
"Chúng ta cần điều tra xem quanh khu vực này có bao nhiêu khu dân cư mọc lên mà không có trường học đi kèm. Tôi cho rằng chúng ta đã làm chưa đúng chuẩn quản lý đô thị. Khi đô thị "mọc lên" thì trường học phải đi theo, như vậy đô thị mới được vận hành. Không phải là đô thị cứ mọc lên, sau đó chính quyền mới đi giải quyết các vấn đề khác như trường học", TS Lâm nêu quan điểm.
Ông cũng cho rằng do không nắm được kịp thời sự biến động của sĩ số học sinh, chính quyền địa phương đã bị động trong cách giải quyết và phải đi đến phương án trước mắt, tạm thời là bốc thăm.
Về phía người dân có con không trúng tuyển sau ngày bốc thăm may rủi, phải tính đến phương án chuyển ra học ngoài công lập, TS Lâm nhận định, đây có thể là khó khăn lớn với nhiều gia đình. Lý do bởi ở lứa tuổi mầm non, đa số bố mẹ đều trẻ, đang trong giai đoạn đầu lập nghiệp nên kinh tế còn khó khăn, nhất là với những người nhập cư đến từ các tỉnh thành khác.
Theo TS, giải pháp ở thời điểm này là cần có sự linh hoạt phân cấp, giao quyền tự chủ cho từng quận, từng địa phương để họ chủ động trong việc đối phó với tình hình dân số tăng.
"Khi thấy đây là trách nhiệm của mình, họ mới tập trung điều tra, khảo sát và tìm ra các biện pháp cụ thể trong thời gian sớm nhất. Nếu vấn đề nào cũng cần xin phép, cũng phải chờ hệ quả trên thực tế thì sẽ chậm. Những vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, theo tôi cần giải quyết trước 2-3 năm.
Nếu cần sự quyết định của thành phố thì thành phố cũng nên quyết định nhanh trong vấn đề này. Thường khi quyết một vấn đề nào đó, chúng ta sẽ làm rất lâu bởi không phân định rõ trách nhiệm để xử lý cho nhanh. Chúng ta cần trả lời: làm trường thế nào, Nhà nước mở hay khuyến khích tư nhân mở trường, nếu để tư nhân làm thì tạo điều kiện đất đai ra sao để giúp họ mở trường,… mới đảm bảo được các yêu cầu đặt ra", TS Lâm chia sẻ.
TS nhấn mạnh, câu chuyện tại Trường mầm non Hoàng Liệt đặt ra vấn đề đáng báo động: sự biến động của dân số dẫn đến biến động về học sinh các cấp trong thành phố và các vùng khác nhau. Hôm nay là vấn đề của phường Hoàng Liệt, tuy nhiên sau này, đây có thể không chỉ là vấn đề của riêng một phường.
"Bởi vậy, thành phố cần có điều tra, khảo sát để "đi trước", có các kế hoạch ứng phó", TS Lâm nói.
Giáo dục mầm non còn nhiều vấn đề vì chỉ gắn trách nhiệm cho địa phương
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thì cho rằng, nếu nhìn vào câu chuyện trẻ đến tuổi tới trường lại xét kết quả trúng tuyển bằng hình thức may rủi như bốc thăm thì đây là hiện tượng "không ổn", có phần vô lý. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một cách bình tĩnh để hiểu được vấn đề và tìm cách cách tháo gỡ.
TS Khuyến phân tích, Luật Giáo dục 2019 tách ra 2 thuật ngữ là "giáo dục bắt buộc" và "giáo dục phổ cập", thay vì chỉ có giáo dục phổ cập hoặc chưa phổ cập như trước đây. Trong đó, chỉ có giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; giáo dục mầm non và giáo dục THCS xếp vào nhóm giáo dục phổ cập.
Theo Luật Giáo dục 2019, Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.
"Chúng ta thấy, dường như chỉ có giáo dục bắt buộc mới bảo đảm trách nhiệm từ phía Nhà nước, đảm bảo cho người dân trong độ tuổi của giáo dục bắt buộc khi đến trường phải được nhận; có trách nhiệm của chính quyền, địa phương trong vấn đề này. Còn giáo dục phổ cập ở mức độ thấp hơn; tức mong muốn, cố gắng phấn đấu, chứ chưa quy vào thành trách nhiệm bắt buộc mà Nhà nước phải đảm bảo.
Như vậy, với giáo dục mầm non, chúng ta gắn trách nhiệm ấy là trách nhiệm cho chính quyền địa phương, không phải là quy định Nhà nước. Do đó thực tế là có địa phương làm rất tốt như TP.HCM, cũng sẽ có những địa phương còn "lửng lơ", TS nói.
TS Khuyến cho rằng, Hà Nội cần nâng trách nhiệm để chuyển giáo dục mầm non từ giáo dục phổ cập sang gần giống như giáo dục bắt buộc, tương tự cách TP.HCM đã làm.
Ông nhấn mạnh, cần có các chính sách hợp lý như căn cứ vào số dân của phường để mở trường, đảm bảo đủ trường cho việc tiếp nhận học sinh. Nếu chưa thể xây dựng trường học trong khi mật độ dân số, mật độ trẻ trong độ tuổi đến trường quá cao, có thể tính đến phương án chuyển một số học sinh ở khu vực này san sẻ sang các khu vực khác theo kế hoạch, thay vì "khoán gọn" cho riêng phường đó.
"Bây giờ nói trách nhiệm quy về phường hay trường mầm non thì tôi thì nghĩ sẽ thật khó. Bởi vì Nhà nước, thành phố đầu tư cho phường chỉ có một trường với một số lượng chỉ tiêu nhất định. Bây giờ người dân đăng ký quá đông, họ cũng không biết làm thế nào.
Lên các cấp lớn hơn thì có thể còn dùng giải pháp thi cử để chọn học sinh theo năng lực từ trên xuống dưới, dù giải pháp này cũng không hay. Nhưng các cháu mầm non chưa đi học thì lấy tiêu chí nào để đánh giá năng lực? Cho nên, họ đành phải chọn cách bốc thăm, chúng ta không thể trách họ", TS Khuyến nêu quan điểm.
Theo ông, đây là vấn đề trước mắt cấp quận phải giải quyết. Nếu quận không giải quyết được, thành phố phải giải quyết. Và nếu cấp thành phố vẫn chưa giải quyết được thì sẽ là trách nhiệm của cả nước.
"Tôi cho rằng trách nhiệm là ở các cấp trên chứ không phải ở trường hay phường Hoàng Liệt. Cần tiến tới để giáo dục phổ cập và giáo dục bắt buộc là một, thay vì tách ra làm hai loại: giáo dục bắt buộc thì có trách nhiệm Nhà nước, còn phổ cập thì chỉ đưa ra khuyến cáo và "giao khoán" cho cấp dưới như hiện nay", TS Khuyến nhấn mạnh.