Anh và đồng minh sẽ gửi nhiều viện trợ sát thương hơn tới Ukraine. (Nguồn: AP) |
Ngày 31/3, phát biểu với báo giới sau khi đón tiếp hơn 30 đối tác quốc tế tại một hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, "sẽ có nhiều viện trợ sát thương hơn tới Ukraine", gồm pháo có tầm bắn xa hơn, đạn dược và thêm nhiều vũ khí phòng không hơn.
Anh đã đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm cung cấp vũ khí cho Ukraine. Đầu tháng 3 vừa qua, London thông báo đang chuẩn bị gửi thêm cho Kiev các hệ thống tên lửa di động để giúp tiêu diệt xe tăng và máy bay Nga.
Trước khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, Anh đã cử một nhóm huấn luyện đến Ukraine để đào tạo lực lượng địa phương về cách sử dụng vũ khí chống tăng.
Tuy nhiên, tương tự các đồng minh khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), London đã bác bỏ đề nghị của Ukraine về việc áp đặt vùng cấm bay do lo ngại nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện với Nga - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Động thái của Anh được đưa ra bất chấp Nga nhiều lần cảnh báo rằng, các nước không nên chuyển giao vũ khí cho Ukraine, bởi điều này sẽ dẫn tới “sự sụp đổ toàn cầu”.
Ngày 7/3, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, việc phương Tây triển khai lính đánh thuê và trang thiết bị quân sự cho Ukraine sẽ gây ra hậu quả thảm khốc đối với cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Âu này.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine Vadym Denysenko cho biết, thành phố cảng Mariupol, miền Nam Ukraine và một "hành lang" giữa 2 thị trấn miền Đông là Izyum và Volnovakha đang trở thành chiến trường quan trọng tại Ukraine.
Ông Denysenko nói: "Nga đang rút lực lượng tại khu vực Kiev, song còn quá sớm để nói rằng điều tương tự đang diễn ra tại khu vực Chernihiv".
Hôm 29/3, Nga thông báo họ sẽ giảm quy mô hoạt động ở miền Bắc Ukraine, gồm các khu vực xung quanh Kiev và Chernihiv. Tuy nhiên, phương Tây cho rằng đây là một cuộc tái bố trí lực lượng chứ không phải là một cuộc rút quân.