Phóng viên lao vào "tâm bão" để đưa tin - Dũng cảm hay liều lĩnh?

29/09/2022 06:53

Việc phóng viên liều mình lao vào tâm bão để mang đến cho khán giả xem truyền hình những hình ảnh chân thực diễn ra tại hiện trường vẫn là đề tài gây tranh cãi ngay chính trong đội ngũ những người làm nghề báo.

Hầu như tất cả khán giả đang nóng lòng theo dõi tin tức được phát trực tiếp về cơn bão Sandy trên đài CNN vào ngày 30/10/2012 đều bị thu hút bởi những hình ảnh sống động mà phóng viên Ali Velshi tường thuật từ hiện trường ở một giao lộ trung tâm thuộc tiểu bang New Jersey (Mỹ) ngay khi cơn bão đổ bộ vào đất liền.

Hình ảnh phóng viên Ali Velshi tường thuật từ hiện trường nơi bão Sandy đổ bộ được CNN phát trực tiếp trên TV ngày 30/10/2012 - Ảnh:
Hình ảnh phóng viên Ali Velshi tường thuật từ hiện trường nơi bão Sandy đổ bộ được CNN phát trực tiếp trên TV ngày 30/10/2012 - Ảnh: The Atlantic

Mưa lớn. Những cơn lốc như muốn nhấc bổng Ali lên không trung. Nước lũ cũng nhanh chóng dâng đến thắt lưng của anh. Khi CNN phát xen kẽ giữa các cảnh quay từ nơi Ali đang đứng và cảnh một chiếc cần trục ở khu phố bên cạnh đung đưa một cách mất kiểm soát trên cao đang có nguy cơ đổ sầm xuống các tòa nhà phía dưới, Ali nhận được thông báo từ máy bộ đàm:

“Đạo diễn gọi từ trường quay đài CNN đây. Ali, hãy rời con phố ngập lụt kia ngay lập tức và di chuyển đến đứng bên dưới chiếc cần trục để tường thuật tình hình”.

Lúc ấy, Ali và đồng nghiệp đều cho rằng, việc đứng dưới một chiếc cần trục đang nghiêng ngả trong lốc xoáy sẽ là hình ảnh “nặng đô” để cho khán giả xem truyền hình cảm nhận được sự kinh hoàng của cơn bão, cũng như nâng cao giá trị của người phóng viên trong việc lăn xả bất chấp nguy hiểm để đưa tin.

Lao mình vào tâm bão - Nên hay không nên?

Thế nhưng, cách tiếp cận này lại là một chủ đề gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội và ngay giữa các đồng nghiệp làng báo với nhau.

Theo nhà báo kỳ cựu Conor Friedersdorf làm việc tại tạp chí nổi tiếng The Atlantic có tuổi đời hơn 165 năm, thì quan niệm phóng viên tác nghiệp ở vùng nước lũ cao đến thắt lưng và gió giật mạnh như trường hợp Ali Velshi của CNN “là vô nghĩa”.

Và điều nguy hiểm là nó làm giảm thay vì củng cố thông điệp “mọi người nên ở trong nhà” bởi nhiều khán giả xem truyền hình sẽ tự nhủ rằng: "Hãy nhìn những phóng viên kia. Họ vẫn ổn đấy thôi. Tôi cũng sẽ ra ngoài và tự mình kiểm tra tình hình cơn bão".

Một phóng viên suýt bị cơn lốc cuốn đi ngay trước ống kính máy quay khi đang đưa tin giữa tâm bão tại hiện trường vào năm 2011 - Clip: Stephen Heller/The Atlantic 

Có rất nhiều nhà báo đã tự đặt mình vào những tình huống nguy hiểm như: phóng viên chiến trường, thực hiện các phóng sự điều tra, chống tham nhũng, phanh phui các hoạt động phi pháp của các tổ chức cá nhân,... nhằm thu thập thông tin và những bằng chứng để đưa ra ánh sáng công luận “nhưng không phải là cách mà Ali và CNN đã làm”, nhà báo Conor bình luận.

Bởi theo ông, việc một chiếc camera được gắn tại “tâm bão” để ghi và truyền những hình ảnh chân thực tại hiện trường có thể không mang lại kịch tính cho người xem như cách Ali làm, thế nhưng, “đó lại là điều an toàn hơn cả”.

Mặc dù Ali Velshi nhanh chóng trở thành “ngôi sao” của đài CNN nhờ đưa tin về cơn bão Sandy theo cách “dũng cảm lao mình vào tâm bão”, thế nhưng đã có nhiều tranh cãi và phản ứng về hành động của anh.

"Gửi CNN, xin hãy yêu cầu Ali Velshi đi vào nhà ngay lập tức trước khi anh ấy bị tai nạn mà chết”, một khán giả viết lên trang Twitter của mình.

“Ai đó hãy cắt sóng truyền hình trực tiếp của Ali Velshi đi. Hãy buộc anh ta vào bên trong ở nơi an toàn”, nhà báo Andy Carvin của hãng tin NPR thúc giục.

Thậm chí ngay cả ông Lorenzo Langford, Thị trưởng thành phố Atlantic cũng lên tiếng yêu cầu Ali cần rời khỏi hiện trường bởi “tự bảo vệ sự an toàn cho bản thân” là điều quan trọng nhất.

Nhà báo Andy Carvin phản đối hành động của Ali trên trang Tweeter cá nhân
Nhà báo Andy Carvin phản đối hành động của Ali trên trang Twitter cá nhân

Theo ông Graham Crumb, Giám đốc một công ty truyền thông, thì vẫn có không ít phóng viên liều lĩnh sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhằm mục đích “kịch tính hóa tác động của một cơn bão”. Tuy nhiên, cá nhân ông chọn cách tiếp cận an toàn hơn mà vẫn đảm bảo được nhiệm vụ phản ánh tình hình của thiên tai: ở trong nhà cùng gia đình khi cơn bão chết chóc đang tấn công trực diện vào khu vực nơi ông đang sinh sống.

“Vào thời điểm sức gió giảm xuống dưới mức nguy hiểm, tôi và đồng nghiệp đã ngay lập tức có mặt ngoài hiện trường để ghi hình và thực hiện các cuộc phỏng vấn”, ông Graham nói, và cho biết thêm, mặc dù lúc đó vẫn còn có vô số rủi ro như: đường dây điện bị đứt khắp nơi, đường xá bị cản trở, chia cắt bởi lũ lụt, người dân thì đang hoảng sợ… “Thế nhưng, vẫn an toàn hơn nhiều so với khi cơn bão đang đổ bộ vào thành phố”.

Phóng viên đang chật vật chống chọi với sức gió giật ở mức 188 km/h khi đang đưa tin tại hiện trường ở bang Florida năm 2017 - Clip: Juston Drake
Phóng viên đang chật vật chống chọi với cơn bão có sức gió giật ở mức 188 km/h khi đang đưa tin tại hiện trường ở bang Florida (Mỹ) năm 2017 - Clip: Juston Drake/The Guardian 

Phản hồi trước những lời chỉ trích gay gắt nhằm vào mình, Ali Velshi giải thích rằng, bản thân anh ấy biết mình phải làm gì.

“Tôi đã làm như thế này nhiều lần trước đây và tôi biết cách giữ an toàn. Tôi muốn cho mọi người thấy tình hình nguy hiểm như thế nào”.

Ủng hộ quan điểm của Ali, ông David Verdi, Phó tổng giám đốc hãng tin NBC News cũng xem các cơn bão không khác gì những khu vực chiến sự.

“Đó là cách chúng tôi truyền tải sự nghiêm túc khi tác nghiệp, cũng như cho mọi người thấy rằng, chỉ chúng tôi mới có thể tiếp cận những nơi mà người bình thường không thể thực hiện được".

Nguyễn Thuận

Theo www.phunuonline.com.vn
https://www.phunuonline.com.vn/phong-vien-lao-vao-tam-bao-de-dua-tin-dung-cam-hay-lieu-linh-a1473989.html
Copy Link
https://www.phunuonline.com.vn/phong-vien-lao-vao-tam-bao-de-dua-tin-dung-cam-hay-lieu-linh-a1473989.html
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phóng viên lao vào "tâm bão" để đưa tin - Dũng cảm hay liều lĩnh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO