Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học: Cần có cán bộ y tế chuyên trách

HUYÊN LY| 19/12/2022 10:01

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) rất cần có cán bộ y tế chuyên trách kiểm soát từng bếp ăn. Các nhà trường khó có thể đảm bảo được công việc này. Cùng với đó, cần một quy trình xử lý thật chặt chẽ khi có sự cố.

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học: Cần có cán bộ y tế chuyên trách
Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập trong một bữa ăn bán trú hồi tháng 12.2022. Ảnh: Huyên Ly

* Thưa bác sĩ, ông đánh giá như thế nào về vấn đề ATVSTP trường học hiện nay khi mà trách nhiệm giao cho nhà trường nhưng bản thân hiệu trưởng, giáo viên không có chuyên môn sâu về ATVSTP, chỉ kiểm tra quy trình và giấy tờ?

- Tôi cho rằng, không thể giao cho hiệu trưởng hay giáo viên lo chuyện VSATTP được. Điều này phải do chính các bếp ăn đảm trách ngay từ chuẩn đầu vào, đăng ký đơn vị cung ứng bảo đảm chất lượng. Hiện nay, đa số trường học thuê đơn vị ngoài nấu ăn và đơn vị này phải có trách nhiệm kiểm tra, còn ở trường học có nhiệm vụ lưu mẫu và xử lý khi có sự cố xảy ra thôi. Nhà trường không thể xuống kiểm tra bếp được vì không có chuyên môn, muốn kiểm tra hiệu quả thì phải phân công, đào tạo nhân lực bài bản. Dù làm cách nào thì điều quan trọng nhất là phải đảm bảo đầu vào, kiểm tra thường xuyên và lưu mẫu.

Hướng khác là nếu các đơn vị không có cán bộ chuyên trách thì phải tính đến phương án thuê người có chuyên môn để giám sát, phải chịu đầu tư thôi. Trong lúc chờ đợi, phụ huynh có thể là tham gia vào công việc này. Tuy nhiên, cũng phải xác định dù cẩn thận như thế nào thì thỉnh thoảng cũng sẽ có sự cố. Vì vậy cần có một quy trình giải quyết sự cố hợp lý, đừng để tới lúc đó rối lên không biết ai làm gì.

Ngành giáo dục và ngành y tế cũng phải phối hợp chặt chẽ. Các trường cần được trang bị kinh nghiệm qua các buổi diễn tập, phân công, huy động nguồn lực. Tôi hy vọng qua đợt sự cố vừa rồi thì ngoài kiểm soát tốt ATVSTP phải có đóng góp của y học thảm hoạ để không xảy ra sự cố ảnh hưởng tới tính mạng con người, làm người dân lo lắng.

* Vậy khi xảy ra sự cố thì phải vận dụng y học thảm họa để xử lý như thế nào?

- Theo y học thảm họa thì tại nơi bị ngộ độc cần biết làm gì. Ví dụ, ở một vài trường hợp bị ngộ độc diện rộng trước đó có hiện tượng khi đã xuất hiện một vài học sinh có biểu hiện ngộ độc mà vẫn cho về nhà. Như vậy là không hợp lý bởi ngộ độc thường xảy ra hàng loạt. Một bé ban đầu có biểu hiện nhẹ nhưng sau đó có thể chuyển nặng, bé chưa bị thì đến chiều có thể bị. Lúc có nghi ngờ, cần phải dặn dò kỹ càng về biểu hiện và cách xử lý khi chuyển nặng.

Khi có khoảng 5-10 bé có dấu hiệu ngộ độc trở lên là ngành y tế phải biết, vì với số lượng 5-10 bé ban đầu đó thì chắc chắn sẽ nhân lên 20-30 bé, thậm chí là hàng trăm bé.

Các đơn vị cần phải dự đoán được tình hình để lên phương án, phân bố nguồn lực, phải lấy mẫu thật nhanh, soi mẫu dự đoán tác nhân gây bệnh để có điều trị phù hợp.

* Nếu xây dựng một vị trí nhân viên chuyên trách để kiểm tra được vấn đề an toàn thực phẩm thì chi phí bữa ăn của các bé liệu có bị đẩy cao lên hay không, thưa bác sĩ?

- Tôi cho rằng thực ra không cao vì mình có đội ngũ chuyên nghiệp để thuê làm việc đó. Tôi vẫn nhấn mạnh là dù có thuê đội ngũ chuyên nghiệp thì công tác kiểm tra đột xuất, định kỳ, lưu mẫu vẫn rất quan trọng.

* Hiện nay, ngành giáo dục đang đóng một vai trò chính trong đảm bảo ATVSTP trong trường học nhưng nghịch lý là không có chuyên môn. Vậy theo bác sĩ, trách nhiệm chính có nên chuyển sang cho ngành y tế hay không?

- Thông thường ATVSTP thuộc về Sở Y tế và bộ phận về ATVSTP. Hiệu trưởng có xuống bếp kiểm tra thì cũng chỉ xem giấy tờ chứng nhận do Chi cục ATVSTP cấp. Hiệu trưởng đúng là “đứng mũi chịu sào” thôi chứ việc quyết định giảm mức tối thiểu thực phẩm bẩn, ngộ độc thực phẩm không phải là hiệu trưởng mà cần thuộc Chi cục ATVSTP hậu kiểm sau khi cấp giấy chứng nhận.

Xin cảm ơn bác sĩ Trương Hữu Khanh!

Ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GDĐT cho hay, từ đầu năm học, bộ đã có các chỉ đạo, hướng dẫn rất kỹ về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tổ chức bữa ăn học đường, tăng cường vận động thể lực. Tuy nhiên, một số trường học vẫn xảy ra tình trạng học sinh bị ngộ độc bữa ăn bán trú, đây là vấn đề rất đáng lo ngại.

Một trong những nguyên nhân chính là nguồn nguyên liệu đầu vào còn lỏng lẻo, chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, đa phần mới chỉ kiểm tra bằng mắt thường mà không có các xét nghiệm, sàng lọc từ cơ sở y tế. Đây cũng là điểm khó trong đảm bảo an toàn vệ sinh bữa ăn bán trú, bởi trường học chỉ có nhân viên y tế chưa đủ năng lực để kiểm soát, kết luận chất lượng thực phẩm độc hại.

Do đó, ông Đề nhấn mạnh các trường cần siết chặt hơn khâu nhập nguyên liệu chế biến cho suất ăn bán trú, đặc biệt hạn chế đồ đông lạnh, chế biến sẵn, đảm bảo nguyên tắc nấu chín ở nhiệt độ cao, tránh những vi khuẩn có hại.

Theo laodong.vn
https://laodong.vn/xa-hoi/phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc-can-co-can-bo-y-te-chuyen-trach-1128712.ldo
Copy Link
https://laodong.vn/xa-hoi/phong-tranh-ngo-doc-thuc-pham-trong-truong-hoc-can-co-can-bo-y-te-chuyen-trach-1128712.ldo
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong trường học: Cần có cán bộ y tế chuyên trách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO