Phòng tránh đột tử như thế nào?

ANH ĐÀO| 21/10/2022 18:42

Các bác sĩ cho biết thời gian gần đây các trường hợp bị đột tử có xu hướng tăng ở cả người lớn và trẻ em. Cơn đột tử thường đến bất ngờ, do đó phải chú ý đến sức khỏe.

hoi-chung-dot-tu-la-gi-co-the-phong-ngua-khong.jpeg
Rất nhiều trường hợp bị đột tử bất ngờ - Ảnh: Internet

Cơn đột tử đến bất ngờ

BS Đinh Thị Thu Phương – khoa cấp cứu và chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương - vừa cho cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp bị đột tử.

Trường hợp thứ nhất là một bé trai khoẻ mạnh hoàn toàn, trưa ngày 10/10, sau khi ăn được cho nằm ngủ một mình trong phòng, khi gia đình phát hiện thì lúc này trẻ đang nằm úp mặt xuống đệm và tím tái.

Ngay lập tức trẻ được gia đình đưa đến viện gần nhà cấp cứu ngừng tuần hoàn và trẻ có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tại đây, các bác sĩ đã tiếp tục hồi sức và làm các xét nghiệm để chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình quyết định xin cho bé về.

Trường hợp thứ hai là một bé gái 3 tháng tuổi, ở Hà Nội, cũng vào viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Theo lời kể của gia đình, khoảng 23 giờ đêm ngày 19/10, trẻ được cho ngủ cùng bố mẹ.

Đến khoảng 1 giờ 30 phút sáng, khi mẹ tỉnh dậy phát hiện trẻ trong tình trạng tím tái toàn thân, không thở. Trong lúc hoảng loạn, gia đình gọi xe cấp cứu đưa trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện trẻ đã ngừng thở, ngừng tim, hạ nhiệt độ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng trẻ đã không qua khỏi.

Còn tại Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, các ca đột tử ghi nhận có xu hướng tăng lên. Trước đây, những trường hợp bị đột tử thường không được đưa đến bệnh viện, vì nghĩ không cứu được nữa.

Còn ngày nay do thông tin y khoa nhiều hơn, người nhà bệnh nhân biết bệnh viện vẫn có thể cứu sống một số trường hợp dù đã ‘’ngưng tim, ngưng thở’’. Do vậy, số bệnh nhân bị đột tử được đưa đến bệnh viện điều trị nhiều hơn ngày trước.

poison_girl_d_1557813662-1615278996-519-width660height433.jpeg
Cha mẹ cần chú ý để phòng tránh đột tử ở trẻ - Ảnh: Internet

Phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - cho biết đột tử là hiện tượng một người nghĩ là đang khỏe mạnh làm việc bình thường tự nhiên tử vong mà không cứu được.

Đột tử có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất là lên cơn ngưng tim, nhất là những người ở lứa tuổi trung niên, tức là trên 40 tuổi.

Cơn ngưng tim này xảy ra do rất nhiều nguyên nhân khác nhau như: rối loạn nhịp tim trầm trọng hoặc là tắc nghẽn mạch máu tim, hoặc do có bệnh lý tim trước đó như bệnh cơ tim sẵn có mà không biết.

Đột tử có thể phòng tránh được nếu chúng ta đi khám bệnh thường xuyên, có chế độ tập luyện phòng ngừa cũng như dùng thuốc. Ngoài ra, chúng ta phải bỏ thuốc lá, bớt uống rượu bia, tập thể dục đều đặn, không để thừa cân béo phì. Điều trị tốt các bệnh mãn tính kèm theo như: đái tháo đường, cao huyết áp, mỡ máu, các loại u bướu..

Bên cạnh đó, hãy hài lòng với những gì mình đang có, đừng bắt cơ thể phải, phải, phải, phải, phải... quá nhiều. Đó là một trong những cách giảm stress hiệu quả.

"Dành ra 15 phút mỗi ngày để tập thể dục. Không thức quá khuya, hạn chế làm việc ca kíp. Ngủ đủ giấc (ít nhất 6 giờ/ngày). Nên có một lần khám kiểm tra sức khỏe tổng quát nếu đã U40.

Sau đó, định kỳ kiểm tra 1-2 năm một lần. Đặc biệt, người ngủ ngáy nên được xem là người có bệnh, nên đi khám bệnh càng sớm càng tốt", bác sĩ Phương nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Ngọc Duy - trưởng khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết đột tử là cái chết bất ngờ và không tiên lượng được ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 tuần tuổi đến 1 năm tuổi. Đột tử hay gặp ở trẻ 2-4 tháng tuổi.

Hầu hết đột tử đều xảy ra khi trẻ đang ngủ. Hội chứng này xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước, khiến đột tử ở trẻ nhỏ trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình. Bên cạnh những nguyên nhân gây tử vong đột ngột: ngạt thở, chảy máu não, viêm cơ tim… nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.

Để dự phòng nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ, bác sĩ Duy lưu ý cần nâng cao cảnh giác, tạo môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ. Cụ thể cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần:

- Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ. Thường xuyên quan sát trẻ. Sử dụng núm vú giả cho trẻ dưới 1 tuổi giúp mở thông đường thở. Để nhiệt độ phòng phù hợp, thông thoáng quần áo.

- Không trùm đầu trẻ. Đặt trẻ nằm trên tấm đệm ít bị trũng xuống. Không sử dụng gối, đồ chơi nhồi bông, chăn có nhiều lông hoặc quá lớn ở khu vực cũi/giường của trẻ.

- Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần nằm cũi, giường riêng, bên cạnh giường ngủ của người chăm sóc. Không sử dụng miếng đệm phụ trong cũi.

- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

- Chăm sóc thai nghén sớm và thường xuyên. Nuôi con bằng sữa mẹ.

- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma tuý trong thai kỳ và thời gian nuôi con nhỏ.

- Khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phòng tránh đột tử như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO