Gần đây xảy ra nhiều vụ án nghiêm trọng bắt nguồn từ mâu thuẫn tình ái do những kẻ điên tình đến mù quáng gây ra. Điển hình nhất là vụ phóng hoả khiến 1 người tử vong, 5 người bị thương, trong đó 1 người đang nguy kịch tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội gây chấn động trong những ngày qua.
Trần Thị Thanh Hải được áp giải đến cơ quan công an |
Kẻ thủ ác là Trần Thị Thanh Hải (SN 1993, trú tại xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Nguyên nhân được cơ quan chức năng cho biết do Hải bị ngăn cấm yêu đương nên ra tay trả thù người nhà của nhân tình.
Đáng sợ hơn, sau khi lực lượng chức năng thi hành lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Thị Thanh Hải, các điều tra viên bất ngờ khi chồng và con của người phụ nữ này đang sinh sống tại đây.
Hai vợ chồng đều ở quê Nam Định, lên Hà Nội đi làm và thuê trọ tại quận Tây Hồ. Trong thời gian sinh sống cùng Hải, người đàn ông không thấy có gì bất thường, cũng không biết vợ mình có mối quan hệ tình cảm bất chính với Châu Việt H.
Hành vi của Trần Thị Thanh Hải khiến nhiều người giật mình vì sự liều lĩnh, manh động và bất chấp.
Nhiều người đặt ra câu hỏi, tại sao chỉ vì không thỏa mãn tình yêu mà Hải lại điên cuồng đến thế. Đánh giá hành vi này, chuyên gia tâm lý Trịnh Hoà Bình cho rằng bản chất là do sự ghen tuông, vị kỷ và hằn học.
“Khi một số người không thỏa mãn được yêu cầu của mình thì trở nên nhỏ nhen và tàn nhẫn. Xét về bản chất, đây không phải là tình yêu thực sự mà chính là sự mù quáng, độc ác. Một thứ bệnh hoạn trong tâm lý, lối suy nghĩ không ăn được đạp đổ” – TS. Trịnh Hòa Bình nói.
TS. Trịnh Hoà Bình nhấn mạnh, ghen tuông bệnh hoạn thời nào cũng có. Tuy nhiên trong bối cảnh xã hội hiện nay áp lực trong đời sống càng lớn thì đối với những người có tính cách không đủ bình tĩnh cần thiết, không chịu được xung đột cũng dễ manh động.
Theo PGS-TS Phan Thị Mai Hương (Viện Tâm lý học, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nghiên cứu tâm lý học chỉ rõ, cảm xúc tiêu cực khiến con người khó chịu và họ có thể sử dụng hành vi bạo lực để giải phóng cảm xúc giận dữ, thất vọng hay bất lực của bản thân ra bên ngoài. Nhiều khi, hành vi bạo lực được thực hiện để người khác thấy sức mạnh, uy lực của cá nhân.
Bên cạnh đó, không ít người trả thù những ai đã làm tổn thương họ, mà lòng hận thù, sự đố kỵ, thói ích kỷ chính là ngòi châm. Ngoài ra, xu hướng ứng xử ăn thua, được - mất là phản ứng của một số người mà khi có bất đồng họ luôn nghĩ rằng phải có người được, kẻ mất, người thắng, kẻ thua.
Một nguyên nhân khác dẫn đến hành vi dã man này, PGS-TS Phan Thị Mai Hương cũng cho rằng đó là do sống thiếu chuẩn mực. Khi con người sống mà không hướng đến hệ thống chuẩn mực (mà pháp luật là cơ bản), không lấy chuẩn mực xã hội làm cơ sở để chế áp bản năng thì cũng dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn.
Vậy câu hỏi đặt ra là làm sao để một người tự nhận thấy được hành vi của mình đang quá giới hạn, tự thấy mù quáng để tự sửa chữa?.
Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Trịnh Hòa Bình cho rằng “rất khó để một người có thể tự phát hiện được mình đang đi quá đà”.
Theo TS Trịnh Hoà Bình, điều này liên quan đến nhiều thứ như giáo dục, văn hóa gia đình, môi trường sống, lối sống… Những người thiếu rèn luyện, thiếu trải nghiệm, thiếu giáo dục nên trong khủng hoảng tâm lý sẽ không biết xử lý.
Theo đó, nhiều hành vi bột phát không thể dự báo trước, không biết khi nào những người có tính cách như vậy nổi cơn điên. Nhưng trong tiếp xúc hằng ngày, sự khập khiễng nào đó, những cách thức ứng xử lệch lạc nào đó chắc chắn vẫn thấp thoáng biểu hiện.
“Tôi dám chắc, những người có lối suy nghĩ cực đoan thì cuộc sống hàng ngày vẫn có những biểu hiện lệch lạc nào đó nhưng người xung quanh không đủ tinh tế để nhận ra. Những người như vậy chắc chắn hay biểu hiện nhiều hành vi xấu trong cuộc sống. Cách hành xử như vậy chắc chắn không giấu được, gần như là bản năng” – TS. Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Do đó, theo các chuyên gia các bạn trẻ cần giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội, các mối quan hệ cần được giải quyết qua đàm phán hoặc nhờ sự can thiệp của pháp luật. Việc "trả thù" những người đã từng gây ra bực tức hay đau khổ cho mình bằng bằng bạo lực, hành vi lệch chuẩn đáng bị lên án. Thậm chí người trả thù sẽ phải đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc của pháp luật hình sự.