Ngày 5.8, trao đổi với Lao Động, lãnh đạo Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên - cho biết: "Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là tại tỉnh Đắk Lắk với hơn 2.000 ca nhiễm, 2 trường hợp chuyển nặng đã tử vong. Bộ Y tế sắp ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết về phòng, chống dịch bệnh này để phổ biến đến các địa phương, tất nhiên không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, phun hóa chất khử khuẩn...
Vì hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết nên vai trò của hệ thống y tế cơ sở (Trạm y tế xã, Trung tâm y tế huyện) là rất quan trọng. Bên cạnh việc tuyên truyền nhắc nhở người dân diệt loăng quăng, bọ gậy... thì việc các đơn vị tuyến dưới cần nhanh chóng phân loại bệnh nhân, dập nhanh các ổ dịch trong cộng đồng ngay khi mới bùng phát. Trường hợp bệnh nhân nhẹ, trạm y tế xã cần yêu cầu bệnh nhân theo dõi tại nhà, khoanh vùng ổ dịch. Đối với những người chuyển nặng phải chuyển lên ngay bệnh viện điều trị kịp thời để đảm bảo an toàn".
Chị N.T.N.A (huyện Ea Kar) cho biết: "Khi ở nhà, tôi có biểu hiện sốt nhẹ. Cứ nghĩ do thay đổi khí hậu vì tôi mới đi làm ở Vũng Tàu về. Tuy nhiên, sau đó tôi nôn ói liên tục, đau đầu, sốt không giảm. Gia đình đưa tôi vào khám tại huyện, kết quả xét nghiệm tôi bị sốt xuất huyết.
Lúc này, khi đi vệ sinh tôi phát hiện mình bị chảy máu rất nhiều không cầm được nên bệnh viện chuyển tôi lên tuyến trên. Đây là lần đầu tiên tôi bị bệnh này, tôi không nghĩ bệnh lại nặng và nguy hiểm đến vậy. Quá trình bệnh chuyển nặng rất nhanh, nếu chủ quan cứ ở nhà thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra".
Ông Phạm Hồng Lâm - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên thông tin, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và điều trị nội trú cho 509 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Trong đó, nhóm bệnh nhân nặng chiếm khoảng 5%, nhóm cảnh báo chiếm khoảng 50% và nhóm nhẹ chiếm khoảng 45%. Hiện, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị ngày một gia tăng.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu điều trị cho các bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng, đơn vị đã khắc phục các khó khăn về thiếu vật tư y tế, trang thiết bị để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.
Theo ông Lâm, việc phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn của bệnh sẽ giúp chẩn đoán sớm, điều trị đúng và kịp thời, nhằm cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, thực tế do nhiều người dân vẫn còn chủ quan, cứ nghĩ bình thường, tự ý mua thuốc về điều trị và truyền dịch, khi bệnh nhân bị sốc nhưng được bù nước không đúng sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình điều trị.