Phòng chạy thận những ngày cuối năm

04/02/2022 07:47

Dù nắng mưa, dịch bệnh, lễ tết, lịch chạy thận của người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối không hề thay đổi. Nếu điều đó xảy ra, có thể vì họ đã hết tiền trang trải.

Ông Đỗ Hữu Cường, 63 tuổi, sống tại TP Thủ Đức nhớ lại, 4 năm trước, ông đột ngột bị mệt và phát hiện bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Chạy thận là phương án bắt buộc.

“Nhà tôi cũng có người suy thận, chạy hơn 2 năm rồi mất. Mình bị bệnh này, sống thêm 1-2 năm làm gì, chết đi cho rồi. Tôi nhất quyết nằm lì ở nhà, không điều trị”, ông Cường chia sẻ.

Thận suy kiệt, không lọc bỏ được độc tố, ông mệt và đuối dần. Đến khi không đi đứng nổi, li bì, ông mới đi cấp cứu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (khi đó là Bệnh viện Quận 2). “Lúc đó, mình sắp chết rồi”, ông Cường nhớ lại.

Phòng chạy thận những ngày cuối năm
Ông Đỗ Hữu Cường, 63 tuổi, từ chối chạy thận trong thời gian đầu mắc bệnh

Ông Cường được lọc máu ngay lập tức và nhanh chóng tỉnh táo, thoát cơn nguy kịch. Thế nhưng ông vẫn không chịu chạy thận mỗi tuần. Một bệnh nhân rất “lì”.

“Bác sĩ ở đây làm công tác tư tưởng rất nhiều ngày, động viên, phân tích mãi tôi mới xuôi lòng. Thế mà đến nay cũng được 4 năm rồi”.

Ông Cường là một trong khoảng 200 bệnh nhân tại Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh hiện tại. Có lẽ nhờ tuân thủ điều trị, cơ thể của ông không bị ám màu xám xịt đặc trưng của người chạy thận lâu năm.

Đáng mừng hơn, ông vừa thoát khỏi Covid-19 sau 21 ngày điều trị. Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có nguy cơ chuyển nặng rất cao khi nhiễm SARS-CoV-2.

“Tôi chạy thận trong bệnh viện dã chiến khi mắc Covid-19. Không có người thân, nhưng y tá, bác sĩ chăm sóc rất kỹ. Ăn uống, chích thuốc, chụp hình phổi, đều đặn. Vậy nên mình không bị triệu chứng. Rất may mắn”.

Ông nhẩm tính, sắp tới là cái Tết thứ 4 ông gắn bó với Khoa Thận nhân tạo, nhưng không vì thế mà ông buồn bã.

“Tết nhất mình cũng vào bệnh viện chạy thận khoảng 3-4 tiếng. Chạy xong khỏe khoắn lại về nhà nghỉ ngơi ăn Tết. Tôi chỉ tiếc không đi chơi xa hay du lịch được.

Nhưng tôi quen rồi, không có gì buồn đâu. Có thương thì thương bác sĩ với y tá, họ phải ở đây suốt 3 ngày Tết”, ông Cường nói.

Phòng chạy thận những ngày cuối năm
Bác sĩ Liêu Thị Trúc Thanh hỏi thăm bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ CK1 Liêu Thị Trúc Thanh đã đón Tết tại khoa Khoa Nội tiết - Thận từ năm 2013. “Không năm nào, tôi không ở lại cùng bệnh nhân. Chúng tôi không buồn vì ăn Tết bệnh viện, chỉ thương bệnh nhân vì ai cũng khó khăn. Năm nào chúng tôi cũng tặng người bệnh ít gạo”, chị vui vẻ nói về “truyền thống”’ của khoa.

Bác sĩ Thanh cho hay, phần lớn bệnh nhân vào đây lần đầu đều ở tình trạng cấp cứu. Khi biết bị suy thận giai đoạn cuối, bệnh nhân thường có tâm lý tìm uống thuốc nam, thuốc bắc. Sau một thời gian, người bệnh suy hô hấp, phù phổi cấp, trào bọt hồng, vật vã và phải cấp cứu.

“Thế nhưng chỉ cần chạy thận khoảng 2 giờ, bệnh nhân hồi phục và tỉnh táo hoàn toàn. Khoa Thận nhân tạo có điểm hay là chúng tôi chứng kiến người bệnh hồi sinh như vậy, lần nào cũng rất vui”, chị Thanh chia sẻ.

Thế nhưng cũng tại nơi này, nỗi buồn trải dài theo năm tháng. Bác sĩ nhìn người bệnh lần lượt rời bỏ cõi tạm, nhìn người bệnh dằn vặt với số phận.

“Chạy thận, ai cũng khổ. Người giàu, chạy mãi, cũng thành nghèo”, bác sĩ Thanh cười buồn. Trong trí nhớ của chị, những mảnh đời bất chợt được tua lại…

Phòng chạy thận những ngày cuối năm
Nhân viên y tế túc trực suốt thời gian chạy thận của bệnh nhân.

“Trước đây, có một người đàn ông sinh khoảng năm 1970 vào viện. Người đó có gia đình nhưng vì mê bài bạc nên bị bỏ rơi, không ai chăm sóc.

Khi cấp cứu, phải mổ đặt catheter chạy thận, nhưng anh ấy không có tiền thanh toán. Chúng tôi quyên góp giúp được khoản này nhưng rồi lại không có tiền chạy thận. Hôm nào anh ấy gom đủ tiền thì chạy, có tuần chỉ 1 lần, rất mệt và khổ sở.

Chúng tôi lại nhờ Mạnh Thường Quân giúp đỡ và cố định được 2 lần chạy thận mỗi tuần cho anh. Kéo dài được 2 năm sau thì anh ấy buông tay, không còn đến bệnh viện nữa…

Ở đây cũng có bà cụ sống một mình trong nhà trọ, con ở xa lắm. Bà cứ xin tiền vòng vòng khắp nơi, khi nào đủ thì vào bệnh viện chạy thận. Khi nào không đủ tiền thì ở nhà chịu đựng. Chỉ 2 năm sau thì bà mất.

Thời gian đầu, tôi bị ám ảnh…

Họ sống được bao lâu sau khi bỏ chạy thận? Những ca này, khó lắm.. Không chạy thận một ngày đã mệt rồi”.

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối không đủ sức lao động và kiếm tiền. Họ phụ thuộc phần lớn vào kinh tế của người thân. Nhiều người phải ngưng điều trị vì không trang trải được chi phí, dù Bảo hiểm y tế đồng chi trả.

Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh có 33 máy chạy thận, phục vụ khoảng 120-130 bệnh nhân mỗi ngày. Thứ 2-4-6 chạy 3 ca. Thứ 3-5-7 phải chạy cả ca 4 (đến gần nửa đêm) do số lượng bệnh suy thận giai đoạn cuối ngày càng tăng.

Phòng chạy thận những ngày cuối năm
Ở đây có 33 máy chạy thận nhân tạo.

Trong dịch Covid-19 vừa qua, bác sĩ Thanh và đồng nghiệp đã xây dựng quỹ Màng lọc không đồng cho người chạy thận mắc Covid-19, đỡ được gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân.

“Màng lọc thông thường dùng được 6 lần. Chạy thận trong khu cách ly không có hệ thống rửa màng lọc chuẩn theo quy định nên mỗi màng lọc chỉ dùng 1 lần để tránh lây nhiễm. Mỗi cái khoảng 300.000 đồng, người nghèo lấy đâu ra tiền mà trả. Vậy nên chúng tôi đã kêu gọi và hỗ trợ trên 500 màng lọc miễn phí...”, bác sĩ Thanh kể.

Đó là niềm vui kéo dài đến những ngày cuối năm, khi màng lọc 0 đồng vẫn đang tiếp tục sứ mệnh của mình với người chạy thận mắc Covid-19.

Trong khi đó, ở góc phòng, C.H.M đang co quắp chịu đựng từng cơn ho. M. 20 tuổi nhưng chỉ nặng trên 20kg, dáng vóc như học sinh lớp 5.

M. được chăm sóc ở Trung tâm bảo trợ trẻ em tàn tật và mồ côi Thị Nghè nhiều năm qua. Mắt em không còn thấy gì, tai bị lãng, người ốm yếu. M. chạy thận suốt tuổi thơ ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM. Khi đủ 18 tuổi, em chuyển về Bệnh viện Lê Văn Thịnh tiếp tục hành trình.

Phòng chạy thận những ngày cuối năm
Bệnh nhân C.H.M, 20 tuổi nhưng nhỏ bé như học sinh tiểu học.

“Bình thường M. vui và ngoan ngoãn. Hôm nào đau trong người, em lại cau có, nóng nảy với mọi người. Mình hiểu và thông cảm được vì em khó chịu, đau đớn.

M. bị nhiều bệnh, ốm yếu, dị tật bẩm sinh, chạy thận mười mấy năm qua, nhưng chắc chắn rằng em được các cô bảo mẫu chăm sóc rất tốt. Nếu không, em sẽ khó duy trì được đến bây giờ", bác sĩ Thanh chia sẻ.

Ngày thường cũng như ngày tết, M. sẽ được cô bảo mẫu đi cùng xe của Trung tâm Thị Nghè đưa đến bệnh viện, chờ M. suốt thời gian lọc máu...

"Cứ khỏe lại là M. lại tươi vui, thương lắm”, bác sĩ Thanh im lặng khi được hỏi về tiên lượng thời gian sống còn của M.

M. là "bệnh nhi" duy nhất của Khoa Nội tiết - Thận, Bệnh viện Lê Văn Thịnh và nhận được quan tâm đặc biệt của mọi người, từ bác sĩ đến người bệnh.

Trần phòng chạy thận vẽ bầu trời xanh rất cao và rộng. Đó là hình ảnh duy nhất bệnh nhân chạy thận có thể ngắm nhìn suốt 3-4 giờ lọc máu, nhắc nhở họ rằng, “phía trước là bầu trời” - một điều dưỡng giải thích.

Chặng đường của người suy thận giai đoạn cuối, nhờ vậy, bớt gian nan hơn. Bởi lẽ, ở đây không chỉ có nỗi xót xa mà rất ấm tình người.

Linh Giao

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phòng chạy thận những ngày cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO