Chiều 9/6, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh tham gia làm rõ các vấn đề có liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cảm ơn các đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước đã cơ bản đồng tình và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm, xây dựng về các báo cáo của Chính phủ, nhất là Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2021 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH những tháng đầu năm 2022.
Theo Phó Thủ tướng, hầu hết đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả đạt được, trong đó khẳng định dịch bệnh được kiểm soát vững chắc hơn; kinh tế vĩ mô ổn định; các cân đối lớn được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường chuyển biến tích cực; quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại được đẩy mạnh; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, cùng với tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine, những kết quả đạt được là rất cơ bản và rất đáng trân trọng, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cũng đề cập đến những tồn tại, hạn chế, bất cập trên nhiều lĩnh vực cần khẩn trương khắc phục, xử lý hiệu quả.
"Chính phủ xin trân trọng lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu, các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của đồng bào, cử tri cả nước. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết, nhất là những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi nhanh và phát triển bền vững KTXH" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, trong hơn 2 ngày qua, đã có 3 Bộ trưởng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trực tiếp trả lời chất vấn; 2 Phó Thủ tướng và nhiều thành viên Chính phủ tham gia giải trình, trả lời chất vấn bổ sung tại hội trường. Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các vị đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Sau khi làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm về các lĩnh vực, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tham gia chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội.
"Đảm bảo chất lượng giáo dục môn lịch sử"
Đặt câu hỏi chất vấn Phó Thủ tướng, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) cho biết, những ngày vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, có ý kiến khác nhau về môn lịch sử sẽ là môn tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có chỉ đạo gì về vấn đề này?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận thời gian qua. "Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình giáo dục phổ thông, trong đó có môn lịch sử rất cụ thể. Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đã quy định hết sức rõ là đảm bảo cho học sinh có trình độ THCS, có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau THPT tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng" - Phó Thủ tướng cho biết.
Nghị quyết 88 của Quốc hội, Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ cũng quy định rất rõ là giáo dục phổ thông 12 năm gồm 2 giai đoạn giáo dục. Trong đó, giai đoạn giáo dục cơ bản gồm cấp trung học 5 năm và cấp THCS 4 năm, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp cấp THPT 3 năm. "Giáo dục cơ bản đảm bảo cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng và nêu rất rõ môn lịch sử là môn bắt buộc. THPT là giáo dục định hướng nghề nghiệp, đảm bảo cho học sinh tiếp cận nghề nghiệp chuẩn bị cho giai đoạn sau phổ thông có chất lượng" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh lý giải.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 32 năm 2018 về giáo dục phổ thông, trong đó có môn lịch sử. "Môn lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Một số ý kiến của cử tri cho rằng môn lịch sử là môn lựa chọn dẫn đến việc bỏ hoặc khai tử môn lịch sử, điều đó không đúng" - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định và cho rằng môn lịch sử được phân theo hai giai đoạn như vậy vẫn đảm bảo được chất lượng giáo dục.
Theo Phó Thủ tướng, trước các ý kiến của cử tri, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến của cử tri, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam liên quan đến chương trình giáo dục môn lịch sử cấp Trung học phổ thông; tổ chức hội thảo với các cơ quan, đơn vị liên quan, các chuyên gia, các nhà khoa học để thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, đề xuất phương án phù hợp, bảo đảm việc học tập môn lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc để đảm bảo kiến thức môn lịch sử luôn được tăng cường và chú trọng.
Đại biểu Nguyễn Hồng Hạnh (đoàn TPHCM) nêu trong việc quản lý và sử dụng tài sản công, đất công, có tình trạng các kho bãi, dự án của các bộ, ngành ở các địa phương bị bỏ trống, sử dụng không đúng mục đích, có trường hợp không triển khai dự án bị bỏ hoang nhiều. Trong khi đó, quỹ đất của địa phương thì hạn hẹp, thiếu quỹ đất để xây dựng trường học, các công trình cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.
"Chính phủ đánh giá như thế nào về thực trạng này và có chỉ đạo công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết tình trạng này như thế nào?" - đại biểu Hạnh chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho hay, nhiều đại biểu đã chất vấn về tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện chậm, không đạt kế hoạch đề ra, gây lãng phí lớn nguồn lực của Nhà nước. Nhận xét "tồn tại này không mới", đại biểu Cường chất vấn: "Đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn hạn chế này. Chúng ta đã xử lý trách nhiệm ai chưa và nếu chưa thì tại sao lại chưa xử lý?".