Sáng 28/11, tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, sự kiện nằm trong khuôn khổ ngày hội Văn hóa - Du lịch và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị.
"Việc khó dành cho chính quyền, việc dễ dành cho doanh nghiệp"
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu xác định nuôi trồng thủy sản trực tiếp là con tôm; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; du lịch… là những ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn phát triển của tỉnh.
"Đối với một tỉnh nghèo, vốn đầu tư công rất hạn hẹp, để Bạc Liêu đạt được mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực ĐBSCL vào năm 2025 và tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030 thì việc khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để mời gọi đầu tư hầu như là con đường duy nhất để phát triển Bạc Liêu", Chủ tịch Bạc Liêu chia sẻ.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu cũng kêu gọi, hoan nghênh chào đón các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, hợp tác kinh doanh như lời bài hát của cố nhạc sĩ Thanh Sơn: "Bạc Liêu - Giấc mơ tình yêu". Tỉnh sẽ cùng các doanh nghiệp kết nối yêu thương, cùng nhau quyết tâm biến giấc mơ đó trở thành hiện thực bằng những dự án động lực thiết thực.
"Đến với Bạc Liêu, chúng tôi cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất; tạo môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng nhất và sẽ được hỗ trợ, ưu đãi tốt nhất theo phương châm "việc gì khó dành cho chính quyền, việc gì dễ dành cho doanh nghiệp", ông Thiều khẳng định.
Tại sao không?
"Tại sao không" là cụm từ mà Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhiều lần đặt ra trong hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh Bạc Liêu, khi tỉnh này còn nghèo nhưng nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ rất đồng tình với 5 trụ cột phát triển của tỉnh Bạc Liêu.
Nói riêng về điện gió, Phó Thủ tướng chia sẻ, cách đây hơn 10 năm có một sự kiện đó là ký kết với một ngân hàng của Mỹ để vay một khoản tín dụng cho một công ty ở Bạc Liêu tài trợ điện gió đầu tiên tại Việt Nam.
Khi đó, không phải tất cả mọi người đã tin tưởng khi một doanh nghiệp không có tên tuổi, đầu tư lĩnh vực chưa từng có ở Việt Nam và đi đầu, đón đầu vay một khoản rất lớn.
"Mặc dù chưa chắc chắn như bây giờ nhưng chúng ta đã nắm được xu thế, tin vào doanh nghiệp, nhà đầu tư thì ngày hôm nay điện gió đã phát triển. Chúng ta nắm chắc xu thế, đánh giá hết các khó khăn, không được chủ quan và chủ động biến khó khăn thành cơ hội thì chúng ta sẽ thành công", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Với tỉnh Bạc Liêu, theo Phó Thủ tướng, khó khăn chung như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và dự báo đến 2025 diện tích đất có thể bị ngập, thậm chí đến hơn 60%. Điều quan trọng là chúng ta nghiên cứu dự báo để có phương án chuẩn bị ngay từ lúc này, làm sao để biến cái đó thành lợi thế.
Chúng ta hình dung rằng, tại sao một tỉnh còn nghèo, dân số không lớn, "không khỏe", "còi còi" nhưng Bạc Liêu thành thủ phủ tôm của Việt Nam. Mà tôm ở đây không chỉ nuôi tôm quy mô nhiều, mà đi rất căn bản, dựa vào khoa học công nghệ, làm chủ tất cả các khâu.
"Một lớp 63 học sinh, một người nghèo, còi còi, bây giờ vươn lên thành số một về một môn, khó lắm chứ, nhưng Bạc Liêu đã làm được. Tất nhiên nhà đầu tư là chính nhưng nếu không có sự hỗ trợ của chính quyền, nhân dân thì không làm được", Phó Thủ tướng ví von và khẳng định sự quyết liệt của tỉnh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, không chỉ có tôm, điện mà Bạc Liêu còn những thứ khác, trong đó có du lịch gắn với văn hóa, tại sao mình không là số một về một cái gì đó.
"Chúng ta trước đây chỉ có mỗi Công tử Bạc Liêu, giờ chúng ta là quê hương của di sản văn hóa thế giới. Đến một ngày nào đấy tại sao chúng ta không trở thành số một, chỉ cần một mảng, thương hiệu, một cái ngạch trong du lịch thôi chứ không mơ cả du lịch", Phó Thủ tướng gợi mở.
Theo Phó Thủ tướng, về kinh tế biển, quốc phòng an ninh, ông rất mừng khi Bạc Liêu đề ra tham vọng tới đây tỉnh này đi ra ngoài biển rất dài và hoàn toàn có thể làm được.
Đề nghị tháo gỡ khó khăn một cách cụ thể
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các Bộ, ngành sát cánh giúp Bạc Liêu, hướng dẫn một phần thôi, quan trọng là giải quyết thủ tục cho thật nhanh, để tỉnh phát huy vai trò trung tâm địa lý vùng bán đảo Cà Mau.
"Có nhiều cái đã tiên phong, đột phá, với điều kiện như vậy, làm sao có những công việc cụ thể để giúp tỉnh, khu vực. Ví dụ ai cũng biết là làm đường giao thông, Bạc Liêu cứ có giao thông lên là khác ngay. Cụ thể nhất là chúng ta làm sao cùng nhau tháo gỡ thủ tục khó khăn để những tuyến đường giao thông được đưa vào làm sớm", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cho rằng, nhà đầu tư không chỉ có thuận lợi mà sẽ có khó khăn nhưng tinh thần là khó khăn gì thì cùng nhau tháo gỡ, vướng địa phương thì địa phương tháo, ở Trung ương thì Trung ương tháo.
"Cách tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư là cách tốt nhất để tuyên truyền chính sách về môi trường đầu tư của Việt Nam. Chúng ta có nói hay mấy nhưng người ta cứ vướng mắc thì cũng không thông thoáng. Chúng ta nói nhưng phải kèm việc làm thật.
Mong nhà đầu tư đến Bạc Liêu rồi tiếp tục lan tỏa những điều tốt đẹp để các nhà đầu tư khác cũng đến, để Bạc Liêu thực sự trở thành "đất lành" của nhà đầu tư, góp phần để Bạc Liêu phát triển cùng với khu vực, cả nước", Phó Thủ tướng chốt lại.
Tại hội nghị, tỉnh Bạc Liêu trao quyết định và giấy chứng nhận đầu tư cho 13 dự án của một số doanh nghiệp với số vốn gần 17.000 tỷ đồng.