Các ngân hàng đang tung ra nhiều gói cho vay giảm lãi suất với quy mô lớn hơn. Ảnh: Chí Hùng. |
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/5, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết trong 4 tháng đầu năm giải pháp giảm lãi suất được NHNN tính đến là giảm lãi suất điều hành.
Dựa trên đánh giá tình hình kinh tế trong nước và quốc tế, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành, tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay.
"Cụ thể, lãi suất huy động chung của tất cả tổ chức tín dụng của nền kinh tế giảm khoảng 1-1,2%, lãi suất cho vay chung của các ngân hàng giảm khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm lãi suất huy động khoảng 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm 1,5-2%", ông Tú nói.
Theo Phó thống đốc, hiện nay, với những khoản tiền gửi mới, lãi suất bình quân là 6-6,1%/năm. Các khoản cho vay mới có lãi suất khoảng 9-9,2%/năm.
Đặc biệt, lãnh đạo NHNN cho biết một số ngân hàng cho vay cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo, xem xét để có mặt bằng thống nhất trong hệ thống. "Tất nhiên không phải bằng nhau mà phải theo mức độ tài chính của các tổ chức tín dụng để đưa ra mức lãi suất của mình và có tính thống nhất chung", ông Tú nói.
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn và mở rộng tín dụng từ nay tới cuối năm.
Liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết các tổ chức tư vấn và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều khuyến nghị Việt Nam sớm chủ động giành quyền đánh thuế này.
"Tức phải xây dựng, điều chỉnh hệ thống pháp luật để giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu theo mức thuế tối thiểu toàn cầu, nghĩa là thay đổi các ưu đãi trước đây Việt Nam đã cam kết", ông nói.
Bên cạnh đó, tiếp tục các giải pháp thu hút doanh nghiệp FDI tiếp tục đầu tư vào Việt Nam cũng như giành các ưu đãi phù hợp với các điều kiện về chính sách thuế tối thiểu toàn cầu cũng như các chính sách khác mà Việt Nam là thành viên tham gia cam kết.
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết có nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp, gián tiếp được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, tham vấn cấp có thẩm quyền như tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
Hiện nay, hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024.