Cùng điểm lại một số vụ tranh chấp nổi tiếng liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu: gần đây nhất là Phở Thìn, tiếp đến Vinamilk, Trung Nguyên, Foremost - Trường Sinh và bản quyền giống hoa Đà Lạt…
Phở Thìn 13 Lò Đúc
Cụ thể, những ngày qua, vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn ("cha đẻ" của Phở Thìn 13 Lò Đúc) với “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc nhận được nhiều sự quan tâm. Ông Thìn khẳng định không triển khai mô hình nhượng quyền kinh doanh và cũng không sở hữu công ty nào. Trong khi đó, ông Đoàn Hải Trung, người từng được ông Thìn cho phép sử dụng thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc để kinh doanh chi nhánh tại Hải Dương, chia sẻ với báo chí rằng mình là "giám đốc điều hành thương hiệu Phở Thìn".
Ngoài những lùm xùm liên quan thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc, một vấn đề khác được quan tâm là việc thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ do văn bằng nhãn hiệu này đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), được biết đến với tên Phở Thìn Bờ Hồ.
Trường hợp này, nếu Phở Thìn Bờ Hồ đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và người đại diện hợp pháp của cơ sở này không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào sử dụng nhãn hiệu Phở Thìn thì các bên sử dụng nhãn hiệu này bị coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đại diện của Phở Thìn Bờ Hồ có quyền yêu cầu xử lý đơn vị vi phạm và buộc đơn vị này thay đổi tên, theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Sở hữu trí tuệ.
Trung Nguyên: mất thương hiệu vì quên không đăng ký
Trung Nguyên là một trường hợp điển hình cho câu chuyện bị mất thương hiệu bởi quên đăng ký. Năm 2000, thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ đã bị Công ty Rice Field đăng ký bảo hộ tại Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới.
Phải mất 2 năm đàm phán và thương lượng, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu và Rice Field nhận làm đại lý phân phối tại Mỹ.
Trung Nguyên mất rất nhiều tiền vì vụ kiện tụn này, ngay sau đó công ty này đã đi đăng ký thương hiệu tại 60 quốc gia khác trên thế giới.
Tranh chấp bảo hộ thương hiệu giữa Vinamilk và NutiFood
Thị trường cũng từng chứng kiến nhiều doanh nghiệp tranh chấp thượng, thậm chí là đưa ra toà. Đơn cử là câu chuyện giữa Vinamilk và Nutifood tranh chấp nhau thương hiệu Grow Plus – sản phẩm dành cho trẻ suy dinh dưỡng thấp còi.
Năm 2015, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood đã có văn bản gửi tới Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) sử dụng nhãn hiệu hàng hóa có khả năng gây nhầm lẫn. Hai sản phẩm gây nhầm lẫn là Dielac Grow Plus của Vinamilk và Grow Plus của NutiFood, trong đó Nutifood đã lưu hành sản phẩm tên Grow Plus từ năm 2012.
Về phía Vinamilk cho rằng "Dielac Grow Plus" là một trong các dòng sản phẩm của nhãn hiệu Dielac đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu theo đúng các quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Nutifood, doanh nghiệp đã thực hiện tất cả thủ tục pháp lý, đảm bảo mình là chủ sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu Grow Plus. Đến nay, 2 sản phẩm vẫn song hành xuất hiện trên thị trường.
Tranh chấp nhãn hiệu Trường Sinh
Vụ tranh chấp có thể coi là kinh điển ở Việt Nam là về việc xác định có hay không có khả năng nhầm lẫn giữa sản phẩm sữa đậu nành mang nhãn hiệu Trường Sinh và sản phẩm sữa đặc có đường mang nhãn hiệu Trường Sinh.
Công ty Việt Nam Foremost được Cục Sở Hữu Công nghiệp cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 27080 ngày 15 tháng 6 năm 1998 với chữ “TRƯỜNG SINH” cho sản phẩm sữa đặc có đường và sữa bột. Tuy nhiên, sau khi phát hiện Công ty Trường Sinh đã sản xuất sữa đậu nành mà trên nhãn có chứ Trường Sinh, công ty Việt Nam Foremost đã khởi kiện Công ty Trường Sinh với lý do xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa của mình.
Hai phiên tòa sơ và phúc thẩm đã bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Foremost song buộc Trường Sinh chấm dứt dùng nhãn hiệu cũ. Lý do là bản kết luận của Cục Sở hữu Công nghiệp cho rằng sữa đặc có đường và sữa đậu nành dễ bị lẫn thành sản phẩm cùng loại.
Trường Sinh cho biết, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu Bộ Thương mại, Bộ KHCN&MT, Bộ Tư pháp xem xét lại vụ tranh chấp. Tuy nhiên, bản án có hiệu lực pháp luật vẫn được cưỡng chế thi hành ngày 23/10/2001.
Hiện nay, để tránh nguy cơ đình trệ sản xuất do bị mất thương hiệu, Công ty Trường Sinh đã mở rộng sản xuất mặt hàng mới. Trường Sinh cho hay, từ nay về sau, tất cả các sản phẩm của công ty sẽ mang nhãn hiệu Trường Sinh.
Bản quyền hoa Đà Lạt
Đà Lạt – trung tâm cung ứng hoa của cả khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, do liên quan đến bản quyền giống hoa nên hiện tại chỉ khoảng 10% lượng hoa trồng Đà Lạt được xuất khẩu. Trong đó, nhiều quốc gia tham gia Công ước UPOV (Hiệp hội quốc tế về bảo vệ giống cây trồng) sẵn sàng từ chối nhập khẩu nếu vi phạm bản quyền.
Trong khi đó, nông dân trồng hoa Đà Lạt chỉ quan tâm đến canh tác là chọn giống hoa để bán được giá trên thị trường. Còn nguồn gốc giống hoa từ đâu? Có vi phạm bản quyền giống hoa hay không thì gần như không mấy ai để ý.
Việc không sớm chủ động giống hoa có bản quyền nên nông dân trồng hoa Đà Lạt mất đi cơ hội nâng giá trị hoa nhờ vào xuất khẩu. Và thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu buộc phải tiêu hủy và chịu khoản phạt bởi vô tình dùng giống hoa sao chép và không có bản quyền.
Vậy nên, cách tốt nhất để chống lại nguy cơ mất thương hiệu là doanh nghiệp cần nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sớm, đăng ký cả ở thị trường Việt Nam và nước ngoài.