Phó Chủ tịch Hà Nội: Một số trường giải thể, giáo viên chuyển nghề do COVID-19

Minh Tuệ| 08/03/2022 16:32

Một số trường mầm non ở Hà Nội giải thể, giáo viên chuyển nghề đến nguy cơ thiếu giáo viên khi trẻ được đi học trở lại.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với đoàn công tác của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 8/3, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, UBND TP đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã cho học sinh một số cấp học trở lại trường. Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp khiến học sinh một số khối lớp thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Riêng cấp mầm non, do tác động của dịch COVID-19 nên một số cơ sở giáo dục giải thể hoặc nguy cơ giải thể, giáo viên, nhân viên bỏ nghề, chuyển nghề do thu nhập quá thấp dẫn đến nguy cơ thiếu giáo viên, nhân viên sau khi trẻ được đi học trở lại.

Phó Chủ tịch Hà Nội: Một số trường giải thể, giáo viên chuyển nghề do COVID-19 - 1

Ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại hội nghị.

Nhắc lại kết quả và cả hạn chế, tồn tại của giáo dục Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội luôn xác định giáo dục và đào tạo là công việc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền các cấp.

Về những nội dung cần tập trung, ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh đến việc xây dựng trường chuẩn quốc gia và quan tâm đến nhóm vấn đề liên quan đến đội ngũ giáo viên; cùng với đó là tiếp tục các giải pháp nâng cao chất lượng, tăng cường xã hội hóa giáo dục, cải cách hành chính…

Chia sẻ về giáo dục Thủ đô, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhắc đến những đặc thù như quy mô lớn, cơ hội và thuận lợi nhiều, nhưng thách thức và áp lực cũng rất lớn. Có thể nói, không địa phương nào, áp lực về chất lượng, đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội đối với giáo dục lại cao như ở Hà Nội.

Khẳng định giáo dục đào tạo Thủ đô có tầm quan trọng đặc biệt, điều này, theo Bộ trưởng không chỉ bởi quy mô chiếm đến khoảng 10% của giáo dục phổ thông và 50% hệ thống giáo dục đại học cả nước, mà còn bởi tính chất đầu tàu, lan tỏa, dẫn dắt.

“Hà Nội cần hướng đến hệ thống chuẩn cao hơn chuẩn cả nước và hướng tới chuẩn quốc tế trong giáo dục; đặc biệt trong đó là chất lượng giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Hà Nội: Một số trường giải thể, giáo viên chuyển nghề do COVID-19 - 2

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh tại hội nghị.

Bộ trưởng đề nghị Hà Nội cần có kế hoạch, thậm chí là chiến lược, để làm sao đạt mục tiêu giảm được sĩ số học sinh/lớp. Một con số Bộ trưởng đơn cử là “không còn lớp học nào sĩ số trên 40 học sinh”. Đây là việc lớn và cần vận dụng mọi giải pháp để đạt được mục tiêu này; trong đó có giải pháp cho từng nhóm, từng khối, từng khu vực; khối đô thị cổ có giải pháp khác, khối đô thị cũ có giải pháp khác, đô thị mới hiện đại có giải pháp khác…

Với đổi mới giáo dục phổ thông, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rất quan trọng là phát triển phương diện con người về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ. Hà Nội có lợi thế không gian giáo dục không chỉ trong trường học, mà còn có cả các công viên, nhà văn hóa, khu thể thao, thư viện, bảo tàng, các không gian văn hóa công cộng… Thành phố cần tận dụng, có định hướng khai thác toàn bộ tiềm lực không gian văn hóa này để phát triển giáo dục một cách toàn diện, có chiều sâu và chất lượng.

Minh Tuệ
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Hà Nội: Một số trường giải thể, giáo viên chuyển nghề do COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO