Phim Việt ‘chết yểu’ ngoài rạp: Kém chất lượng hay bị chơi xấu?

An Nhiên| 31/05/2022 17:48

“Kẻ thứ ba”, “578: Phát đạn của kẻ điên” đều đứng trước nguy cơ “chết yểu” ngay vừa khi phát hành. Đạo diễn Lương Đình Dũng đổ lỗi cho một nhóm người chơi xấu, vùi dập, Lý Nhã Kỳ cũng nói phim của cô bị chèn ép. Thực hư thế nào?

Cả 2 phim kể trên đều được đầu tư kinh phí khá lớn. Lý Nhã Kỳ cho biết cô rót vốn 33 tỷ để dự án không bị xếp xó kể từ khi triển khai vào năm 2018. Phim hành động của đạo diễn Lương Đình Dũng cũng công bố số tiền làm phim lên đến 60 tỷ đồng.

Thế nhưng chỉ sau vài ngày công chiếu, cả 2 đều có nguy cơ “chết yểu”. Nguyên nhân ở đâu?

Doanh thu phim chỉ bằng 2,5% kinh phí sản xuất

578: Phát đạn của kẻ điên được phát hành vào những ngày cuối tháng 5. Nhưng phim nhận được những phản hồi tiêu cực từ kịch bản đến diễn xuất và đứng trước nguy cơ rời khỏi cuộc đua vào tháng 6.

phimviet1.jpg
H'Hen Niê lần đầu đóng phim nhưng không được đánh giá cao

Trước những luồng thông tin trên, đạo diễn Lương Đình Dũng lên tiếng đáp trả. Chia sẻ trên báo Vnexpress, đạo diễn khẳng định phim của anh rất logic, từng lớp ý nghĩa được cài cắm khéo léo.

“Tôi xin lỗi vì khán giả không thấy sự tròn trịa của kịch bản, với nhiều chi tiết ý nghĩa. Các diễn viên cũng hoàn thành tròn vai diễn, nếu không tốt là lỗi của đạo diễn”, Lương Đình Dũng phát biểu.

Anh cũng tuyên bố ê-kíp gồm 213 thành viên, một nguồn lực khổng lồ này sẽ khó có phim Việt nào khác phá vỡ được.

Nói về lý do phim không thu hút được khán giả đại chúng, Lương Đình Dũng cho rằng anh không có kinh nghiệm trong việc phát hành phim khi dự án này ra rạp trùng thời điểm diễn ra SEA Games 31, lại gặp thời tiết không thuận lợi khi Hà Nội mưa dầm dề những ngày qua.

phimg8e5t-vb.jpg
Đạo diễn Lương Đình Dũng bức xúc vì phim bị một nhóm người "tấn công"

Nhưng điều khiến vị đạo diễn này bức xúc hơn cả là có một nhóm người vùi dập, tấn công phim. Anh cho biết ngay khi nhà sản xuất đăng bài quảng cáo phim trên mạng xã hội, có rất nhiều bình luận giống nhau chê bai phim thậm tệ. Điều này làm ảnh hưởng nặng nề, khiến phim 578: Phát đạn của kẻ điên bị khán giả hiểu nhầm, không còn mặn mà đi xem.

“Nếu phim dở thì tự nó chết, đừng tấn công như vậy. Tôi mong khán giả hãy đến rạp và nhận xét, đừng ngồi một chỗ chê bai”, đạo diễn Lương Đình Dũng nói.

Trước thông tin cho rằng những ngày đầu công chiếu, bộ phim chỉ thu về khoảng 1 tỷ đồng. Đạo diễn bác bỏ nguồn tin này và cho biết sau 3 ngày, phía sản xuất thông báo cho anh phim thu về 5 tỷ đồng.

phimviet-vb3.jpg
Phim của Lý Nhã Kỳ cũng chịu chung số phận ngoài phòng vé

Trong khi đó, phim Kẻ thứ 3 của Lý Nhã Kỳ đầu tư và đóng vai chính sau 6 ngày công chiếu chỉ thu về chưa đến 1 tỷ đồng theo số liệu của trang Box Office Vietnam, bằng 2,5% kinh phí sản xuất.

Lý Nhã Kỳ cho rằng phim “chết yểu” bởi các nhà phát hành xếp lịch chiếu vào giờ xấu, thường là vào giờ hành chính. Cô tuyên bố với các suất chiếu như vậy “phim Việt đang bị bóp nghẹt”.

Có hay không nhóm người chơi xấu, vùi dập phim Việt?

Có thể khẳng định cả Kẻ thứ ba lẫn 578: Phát đạn của kẻ điên không phải phim Việt hiếm hoi có số phận bi đát ngoài phòng vé. Mỗi năm ước tính có khoảng 40-60 bộ phim được sản xuất. Phim có doanh thu khả quan, thậm chí thắng lớn như Bố già chỉ đếm trên đầu ngón tay, số còn lại chỉ mong hòa vốn và rất nhiều phim bị lãng quên.

phimviet-vb5.jpg
Phim "Đêm tối rực rỡ" có cuộc lội ngược dòng ấn tượng

Nhưng thỉnh thoảng thị trường điện ảnh Việt Nam cũng ghi nhận vài ngoại lệ. Như phim Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Toronto có đề tài ma chay, lại không có ngôi sao phòng vé. Ban đầu, phim có suất chiếu rất khiêm tốn, cũng không được xếp vào “giờ vàng”.

Nhưng sau vài suất chiếu đầu tiên, bộ phim của đạo diễn người Mỹ về văn hóa thuần Việt bỗng nhận được “cơn mưa lời khen” khiến phim như “trở về từ cõi chết”. Các rạp chiếu tăng cường suất chiếu và sau 1 tuần, phim có 1.000 suất chiếu, doanh thu lên đến 12 tỷ đồng, một con số khả quan cho dòng phim độc lập.

Điều này cho thấy hiệu ứng “miệng” từ người đã xem phim hiệu quả hơn. Tất nhiên ở thời đại của công nghệ, các dự án phim điện ảnh đều có những chiến lược truyền thông, quảng bá một cách rầm rộ và chuyên nghiệp. Nhưng việc này chỉ lôi kéo một bộ phận khán giả. Bởi nếu phim không hay, không đủ hấp dẫn, hiệu ứng truyền miệng sẽ phát huy tác dụng và khiến phim khó “ăn may” hơn nữa.

phimviet-vb7.jpg
Phim "Võ sinh đại chiến" cũng từng "chết yểu"

Trước đây, các nhà sản xuất phim cũng từng lên tiếng tố cáo đối thủ “chơi bẩn”, hay sử dụng các trò “seeding” trên mạng xã hội để công kích, hạ bệ lẫn nhau. Thậm chí trước đây vợ chồng Đức Thịnh – Thanh Thúy cũng từng “cơm không lành, canh không ngọt” với Trấn Thành vì 2 phim phát hành cùng lúc nhưng không được PR một cách công bằng.

Nhà sản xuất phim Võ sinh đại chiến cũng từng làm “dậy sóng” mạng xã hội khi tố nhà phát hành chèn ép, khiến phim của họ không có cơ hội tiếp cận khán giả.

truyenf.jpg
Nền tảng chiếu phim trực tuyến cũng nhảy vào chia phần

Nhưng tất cả ồn ào trên cũng chỉ khẳng định một điều, các nhà làm phim gần như quên mất điều quan trọng nhất là khán giả và hiệu ứng truyền miệng. Ngoại lệ như Đêm tối rực rỡ không nhiều, nhưng cũng đủ minh chứng cho việc một bộ phim hay, đủ tốt sẽ tự động thu hút đám đông. Và không phải cứ phim nào được quảng bá rầm rộ, doanh thu sẽ khả quan hay được đánh giá cao.

Các nhà làm phim nên sòng phẳng nhìn lại cách làm phim thay vì tìm lý do để bao biện hoặc đổ thừa cho những yếu tố khách quan. Bởi hơn lúc nào hết, sau đại dịch Covid-19, hãng phát hành nào cũng cần vực dậy để tồn tại, và để làm điều đó, họ phải ưu tiên cho những phim được khán giả xem nhiều.

Hiện nay các nhà làm phim còn đứng trước sức ép của những nền tảng xem phim trực tuyến nên họ phải vật lộn trong việc làm phim sao cho có lời, hoặc ít nhất phải hòa vốn. Tâm lý khán giả lúc này chỉ ra rạp xem phim bom tấn của nước ngoài, còn lại họ lựa chọn xem phim trên Netflix. Điều này sẽ càng khiến phim Việt đứng trước thách thức làm phim thế nào để thu hút khán giả đại chúng ra rạp, và khi giải được bài toán khó nhằn ấy, sẽ hạn chế phần nào những phim làm xong bỏ đó hoặc bị xếp xó.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Phim Việt ‘chết yểu’ ngoài rạp: Kém chất lượng hay bị chơi xấu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO