Đất rừng phương Nam, dự án điện ảnh của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Đoàn Giỏi và phim Đất phương Nam bản truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn.
Choáng ngợp bối cảnh, tình tiết
Với năm năm chuẩn bị, 50 ngày quay, trải dài sáu tỉnh/thành miền Tây như Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Trà Vinh…, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng khiến người xem vỡ òa bởi hình ảnh vùng đất miền Tây bình yên, thơ mộng và đẹp đến nao lòng.
Đó là hình ảnh những dòng sông trĩu nặng phù sa, những cánh đồng lúa lớn, cánh đồng bùn tại Trà Vinh… Đặc biệt là bối cảnh khu chợ nổi tại rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, An Giang) được tái hiện sinh động vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ về đất rừng Nam Bộ xưa khiến người xem như được nhìn thấy một miền Tây dân dã, chân phương hiện ra ngay trước mắt.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, rừng tràm Trà Sư được lựa chọn làm bối cảnh vì nơi đây vẫn còn lưu giữ nét đẹp hoang sơ và hùng vĩ của rừng Nam Bộ, “tương đồng” với miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi.
Xen vào đó là những dòng kênh và khu rừng tràm xanh thẳm, sâu hút tầm mắt tạo nên vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất điện ảnh. Không chỉ khai thác vẻ đẹp của thiên nhiên, nam đạo diễn còn đem vào phim những nét văn hóa, đặc trưng của vùng miền.
Khán giả có thể xuýt xoa trước nồi lẩu mắm bông điên điển của dì Tư Mắm (Băng Di), hay nổi gai ốc với vở diễn của gánh hát bội Liễu Nam cùng câu thơ “Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau/ Song hào kiệt đời nào cũng có” trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Không chỉ vậy, hình ảnh bé An (Hạo Nam), thằng Cò (Kỳ Phong) đi mông (một loại ván trượt bằng gỗ) trên bãi bùn để bắt cá thòi lòi đã thể hiện được tập tục, nét văn hóa dân gian bao đời của người dân miền sông nước.
Ngoài bối cảnh, những tình huống trong phim đa phần đã được thay đổi. Cũng dựa trên câu chuyện đi tìm cha của nhân vật bé An nhưng Đất rừng phương Nam đã mang đến tinh thần dân tộc, sự hùng tráng của một thế hệ cha ông miền Nam khí phách chống giặc ngoại xâm.
Phim vừa đậm chất phiêu lưu vừa có độ hùng tráng. Vừa có chất dân dã khí phách Nam Bộ lại vừa có chất sử thi thuần Việt. Vừa kế thừa di sản của quá khứ (tiểu thuyết gốc của nhà văn Đoàn Giỏi và bộ phim truyền hình của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) vừa có sự sáng tạo riêng làm nên phiên bản điện ảnh chắc chắn và giàu cảm xúc. Dàn cast rất mượt mà và cảm giác ai cũng hợp vai…
Nói chung là một bộ phim có tầm vóc và khơi gợi được nhiều cảm xúc về dân tộc, về chất hào sảng của người phương Nam.
Nhà phê bình phim LÊ HỒNG LÂM
Đó là cảnh cứu nhân vật Võ Tòng (Mai Tài Phến), hình ảnh bác Ba Phi (Trấn Thành) “chửi” những tên lính bắn thầy giáo Bảy (Hứa Vĩ Văn): “Tụi bây ăn cơm, ăn gạo xứ này lại dám cầm súng chĩa vào dân mình…” đã khiến người xem “nổi gai ốc”.
Đặc biệt, nhân vật dì Tư Mắm (Băng Di) gây ấn tượng mạnh bởi diễn xuất. Càng về cuối phim càng cho thấy nét mưu mô của một gián điệp nhưng hiền lành, hào sảng của người phụ nữ Nam Bộ.
Tranh cãi trang phục và những tiếc nuối
Đối với Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, bên cạnh những lời khen về bối cảnh, kỹ xảo khéo léo hay những cảnh quay khiến người xem xuýt xoa về sự kịch tính, hồi hộp thì câu chuyện trang phục của các diễn viên cũng đã liên tục gây tranh cãi.
Theo đó, đông đảo khán giả nhận định trang phục của các diễn viên trong phim đa số là trang phục của người Hoa. Thậm chí có ý kiến còn chỉ ra những chiếc cúc áo hoàn toàn của người Hoa, bởi cúc áo của người Việt sẽ nhỏ gọn hơn chứ không lớn như trên áo của các nhân vật trong phim.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết: “Phim thực sự không mang nhiệm vụ như sách giáo khoa, nó không phải là tư liệu để nghiên cứu.
Tất nhiên tôi thực hiện dự án này thì cũng có những tư liệu, cũng hỏi người này người kia. Bản thân các nhà nghiên cứu cũng có những ý kiến khác nhau. Nói ra ở đây không phải là để đổ thừa, bởi cũng có những cái tôi làm chưa thực sự tốt nên càng chính xác được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu.
Tôi nghĩ mình có những thiếu sót nên rất cảm ơn những người đã góp ý và mong họ đính chính để khán giả hiểu đâu là lịch sử, đâu là phim. Tôi nghĩ hai đối tượng đó cũng khác nhau và khi họ tiếp cận hai điều đó thì họ cũng phân định rõ ràng.
Tôi cũng không thấy phim quốc tế làm về những thời kỳ trước mà ai cũng đồng ý hoàn toàn. Thật ra bao giờ cũng có những tranh cãi và những tranh cãi đó làm cho mình tốt, cố gắng hơn, bản thân những nhà nghiên cứu cũng tìm ra để khán giả thấy rõ hơn”.
Bên cạnh đó, chi tiết tiếng Hoa cũng bị đem ra mổ xẻ và vướng không ít tranh luận. Về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết bản thân đã xem nhiều ảnh tư liệu về thời kỳ lịch sử thực tế. Đồng thời, anh nhấn mạnh phim của mình đã thay đổi bối cảnh, mốc thời gian so với bản tiểu thuyết.
“Bản tiểu thuyết lấy bối cảnh khoảng năm 1945. Còn chúng tôi giữ tinh thần của bản truyền hình, lấy mốc thời gian trước năm 1930. Từ đó, hành trình của bé An đi qua nhiều môi trường, gặp gỡ nhiều cộng đồng văn hóa, tiếp xúc mâu thuẫn với nhiều hội nhóm.
Quan trọng là phim mang thông điệp về tình cảm con người. Đó là trong mỗi con người Việt Nam, ai cũng yêu nước nhưng theo những cách khác nhau” - nam đạo diễn nhấn mạnh.
Ngoài ra, điều khiến khán giả khá tiếc nuối ở phần này là cảnh bé An mất mẹ vẫn chưa chạm đến cảm xúc của người xem, hay sự mờ nhạt của nhân vật thằng Cò.
Nếu ở bản truyền hình, nhân vật thằng Cò là bạn thân của bé An và được thể hiện khá đậm nét thì ở bản điện ảnh, thằng Cò chỉ xuất hiện ở vài phân cảnh bởi phim nhấn mạnh mối quan hệ giữa bé An và Út Lục Lâm.
Về vấn đề này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nghĩ đó là hành trình và bản thân anh không tham quá để làm hết những mối quan hệ trong phim rõ ràng và sâu sắc.
“Đất rừng phương Nam là dự án được mong muốn có nhiều phần. Mỗi phần sẽ có một nhiệm vụ, trải nghiệm với một nhân vật trong hành trình của bé An.
Và ở phần này, hành trình của bé An là gắn với Út Lục Lâm (một tên trộm). Tôi nghĩ rằng hành trình của bé An còn dài, còn gặp Võ Tòng, Út Trong… cùng nhiều nhân vật khác nữa” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho hay.