Mới tờ mờ sáng, nhiều người dân gặp khó khăn ở các xã Điềm Hy, Long Hưng, Nhị Bình, Đông Hòa, Long Định (huyện Châu Thành), Phước Lập, Tân Lập 2 (huyện Tân Phước) đến với phiên chợ 0 đồng do Hội Chữ thập đỏ xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tổ chức. Dù mới ra mắt một tuần lễ, nhưng chợ 0 đồng đã thu hút ngày càng đông khách hàng. Đó là các hộ bán vé số lẻ, người cao tuổi nghèo, bệnh tật, người có cuộc sống khó khăn.
Đến chợ 0 đồng, các cô, các bác được nhận các mặt hàng gồm: 0,5 kg gạo, 2 gói mì, vài con cá, đậu hũ và tự chọn các mặt hàng nhu yếu phẩm khác như: đường, tương, chao, bột ngọt, rau củ… để đủ ăn trong 1 ngày. Với thông điệp: "Nếu có khó khăn xin lấy 1 bữa ăn", mỗi hoàn cảnh đến đây không phải tốn đồng tiền nào mà còn được những thành viên tại chợ 0 đồng vui vẻ tận tình phục vụ như người thân trong gia đình.
Để san sẻ "hàng hóa” cho nhiều người khó khăn và tránh lãng phí khi dùng không hết trong ngày, khách hàng đến chợ chỉ chọn lấy đủ một bữa ăn và hôm sau lại đến. Quy ước như vậy, nên đi chợ 0 đồng, khách hàng không lựa chọn mà chỉ lấy những mặt hàng mình cần cho đủ bữa ăn. Đến 7 giờ sáng, chợ 0 đồng này kết thúc trong tiếng nói cười phấn khởi của bà con nghèo trong mùa dịch Covid-19.
“Tôi làm nghề bán vé số, mấy hôm rày đâu có bán nữa đâu, nhờ lại chợ 0 đồng xin gạo, đồ ăn. Nếu không có chợ này thì vất vả, tôi mang ơn chợ này lắm”, bà Dương Thị Ngọc Ánh, sau khi nhận hàng hóa 0 đồng tại đây xúc động nói.
Theo ông Lê Bảo Quốc, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Long Định, trong ngày đầu tiên, phiên chợ "bán” cho khoảng 50 người dân nghèo, trị giá hàng hóa chỉ khoảng 1,5 triệu đồng. Tiếng “lành đồn xa”, những ngày sau, khách hàng đến chợ 0 đồng ngày càng tăng. Cụ thể, như ngày 24/6, có gần 300 người đến “mua” hàng hóa miễn phí về phục vụ bữa ăn với tổng trị giá hàng hóa cung cấp khoảng 9 triệu đồng; trong đó “bán chạy” nhất vẫn là gạo, mì, bột ngọt, đường, nước tương, trứng gà…
Chợ ngày nào cũng hoạt động miễn phí nên nguồn kinh phí phục vụ cho phiên chợ này không phải là ít. Để duy trì hoạt động chợ 0 đồng, Hội Chữ thập đỏ xã Long Định phải vận động gần 10 hội viên tham gia vào công tác vận động quà, tiền từ các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp xa gần ủng hộ; đồng thời, bỏ công sức phân chia hàng hóa thành từng gói nhỏ để phục vụ khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ở xã Long Định), ngày nào 5 giờ sáng cũng có mặt tại đây để phụ “bán hàng” miễn phí cho các hoàn cảnh khó khăn. Chị Thảo cho biết, công việc này rất vui, nhất là khi thấy người nghèo xách trên tay gói hàng phấn khởi ra về: “Ngày nào tôi cũng lại đây để phân loại: gạo, nước tương, cá, trứng gà… Mình thấy người ta lại lấy hàng nhiều cũng vui, đông đúc nhưng phải đứng giãn cách. Mỗi lần, người ta lại nhận quà mình vui lắm, tại vì ai cũng có 1 phần đem về để no lòng”.
Theo ông Lê Bảo Quốc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Long Định, để duy trì phiên chợ tình nghĩa này khi người nghèo đến đây ngày càng nhiều, Hội Chữ thập đỏ xã phải trích nguồn quỹ từ các hoạt động dịch vụ khác để bổ sung; đồng thời, tiếp tục kêu gọi nhà hảo tâm giúp đỡ.
“Tiêu chí của chợ này là “Ai có khó khăn xin lấy một bữa ăn” còn nhường lại cho các người khác. Ý tưởng chúng tôi mở ra là để giúp cho những bà con nghèo trong mùa Covid-19, dịch hoành hành người ta đang khó khăn bởi sự đói nghèo. Tôi mong các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm xa gần đóng góp, ủng hộ càng nhiều càng tốt. Chúng tôi xin hứa sẽ duy trì chứ thực sự giờ cũng kiệt rồi”, ông Quốc chia sẻ.
Ngoài chợ 0 đồng, Hội Chữ thập đỏ xã Long Định và gia đình ông Lê Bảo Quốc còn tổ chức shop bán quần áo 0 đồng, dịch vụ mai táng, xe cứu thương miễn phí cho người nghèo, với mong ước chia sẻ nỗi đau thương, hoàn cảnh khó khăn của những người bất hạnh.
Việc mở phiên chợ 0 đồng và các hoạt động thiện nguyện của Hội Chữ thập đỏ xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang tuy có quy mô nhỏ nhưng ở thời điểm đại dịch Covid-19 đang bùng phát như hiện nay có ý nghĩa hết sức nhân văn. Qua đó, chứng minh tinh thần đoàn kết, gắn bó, sẵn sàng giúp đỡ lẫn nhau của người dân Việt Nam luôn được kế thừa và phát huy khi có những hoàn cảnh gặp khó khăn, hoạn nạn./.